CEO AiHealth Nguyễn Thị Phương Thoa: “Ngày nay người ta đã không còn gọi phụ nữ là “phái yếu” nữa”

Nguyễn Thị Phương Thoa hiện là giám đốc vận hành và marketing tại AiHealth – ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Phương Thoa cùng nhiều cộng sự dẫn dắt AiHealth trở thành ứng dụng khám chữa bệnh trực tuyến hàng đầu Việt Nam. Nắm bắt nhu cầu được thăm khám từ xa do bối cảnh giãn cách xã hội bùng phát, ứng dụng AiHealth ra đời, kết nối người dùng với từng bác sĩ riêng ở các bệnh viện lớn. Đến nay, Aihealth đã phủ rộng đến 48 tỉnh thành với mạng lưới gồm 1.437 bác sĩ, 438 điều dưỡng, 672 bệnh viện (phòng khám), nhà thuốc, trung tâm xét nghiệm. Dưới đây là câu chuyện của CEO Phương Thoa khi biến rủi thành may, dẫn dắt AiHealth trụ vững và phát triển từ trong dịch bệnh.

Biến rủi ro thành cơ hội ngay trong dịch bệnh

Được biết, chị hiện đang là Giám đốc vận hành & Marketing của AiHealth. Chị đã bén duyên với công việc này như thế nào?

Thời còn học ở Singapore tôi đã có đam mê về công nghệ và thích các công việc có hàm lượng công nghệ cao, nên sau đây tôi đã chọn thực tập ở một công ty công nghệ chuyên về phát triển nền tảng trực tuyến. Sau này khi lập gia đình và mang thai bé trai đầu, bản thân tôi cũng giống như bao bà mẹ trẻ khác lần đầu nuôi con, rất lo lắng và có nhiều bỡ ngỡ trong việc chăm sóc bé. Bé đầu nhà tôi tuy chiều cao, cân nặng phát triển tốt nhưng bé rất hay bị ốm vặt và hầu như tháng nào tôi cũng phải đưa bé đi gặp bác sĩ 1-2 lần.Mẹ nào lần đầu nuôi con nhỏ chắc cũng có 1001 câu hỏi cho bác sĩ như tôi vậy. Lúc bấy giờ tôi đã ước ao có một bác sĩ riêng, một bác sĩ công nghệ mà mỗi lần gặp vấn đề gì tôi có thể nhấc máy lên gọi, hỏi bác sĩ 3-5 phút để tôi yên tâm về tình trạng của bé. Sau đó, tôi có cơ duyên với team công nghệ và cùng nhau thành lập AiHealth – Bác sĩ riêng với mong muốn mỗi người dân có một bác sĩ giỏi chăm sóc như có một bác sĩ riêng.

AiHealth là nền tảng công nghệ trực tuyến cung cấp cho người dùng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Với những đặc điểm đó, liệu Covid-19 là một thách thức hay là một cơ hội “bất thường” đối với AiHealth?

May mắn của AiHealth là sinh ra đúng thời điểm, khi mà đất nước đang hướng tới việc chuyển đổi số, hướng tới công nghệ. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế được ưu tiên hàng đầu. Do đó, là một nền tảng công nghệ hoạt động trực tuyến, COVID-19 chính là một cơ hội tăng trải nghiệm người dùng trên ứng dụng AiHealth. Dịch bệnh COVID-19 làm cho nhu cầu khám bệnh từ xa của người dân tăng cao và số lượng giao dịch đột biến. Chúng tôi thấy mình quá may mắn khi làm được một việc gì đó giúp ích cho người dân, bệnh nhân kết nối được bác sĩ để tư vấn khám bệnh, mua thuốc và giao tận nơi khi người dân hạn chế ra đường.

Như vậy thì đại dịch Covid có thể coi là một “đòn bẩy” bất đắc dĩ cho thành công của AiHealth. Không phải ai cũng có thể biến rủi ro thành cơ hội, nhất là trong bối cảnh hỗn loạn lúc này. Công thức nào cho sự trụ vững và thậm chí là phát triển từ trong đại dịch, theo ý kiến của chị?

Đại dịch Covid-19 dạy cho tôi cần phải luôn sẵn sàng thích nghi với những điều mới mẻ, đừng quá trung thành với cách thức cũ, chúng ta cần cởi mở hơn để phát triển. Bắt kịp với xu hướng mới có thể là tạo ra một sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường tại thời điểm hiện tại, cũng có thể là xu hướng trong công nghệ, trong cách điều hành hay quản trị doanh nghiệp.Khi đại dịch xảy ra, nhận thấy đây là thời điểm thích hợp cần mở rộng mạng lưới y tế, tôi và team đã tăng tốc phát triển mạng lưới y tế. Trong 6 tháng phát triển, đã phủ được 60 tỉnh thành với mạng lưới 1,835 bác sĩ, hơn 400 điều dưỡng, 432 bệnh viện (phòng khám), nhà thuốc, trung tâm xét nghiệm đã kết nối với nền tảng AiHealth. Nhờ đó mà đợt bùng dịch vừa rồi, nhu cầu khám bệnh từ xa và các dịch vụ y tế khác tăng cao, mà hệ thống vẫn đáp ứng tốt.

Tính nữ là đòn bẩy cho mọi thành công

3 từ miêu tả chị trong đời sống thường ngày, và 3 từ miêu tả chị trên thương trường.

Trong cuộc sống, tôi là một người đam mê công nghệ, trẻ trung, nhiệt huyết.
Trong công việc, tôi là một người kiên định, tỉ mỉ và tận tâm.

Tỉ mỉ và tận tâm. Đây có vẻ cũng là thế mạnh của phái nữ?

Đúng vậy. Ngoài sự nhạy cảm chính là một món quà tạo hóa dành tặng cho phụ nữ, thì sự tỉ mỉ, tận tâm giúp phụ nữ tạo ra được những sản phẩm và dịch vụ tốt. Bên cạnh đó, sự mềm mỏng của người phụ nữ giúp tạo ra sự gắn kết trong doanh nghiệp, giữa các đội nhóm với nhau.

Trên thương trường, tôi không thấy sự khác biệt lớn giữa phụ nữ và đàn ông. Phong cách lãnh đạo của 2 giới này có xu hướng giống nhau nhiều hơn là khác nhau. Đánh giá khách quan thì ở phụ nữ có sự mềm dẻo trong quản lý, họ có sự cởi mà và dễ tiếp xúc hơn, họ chia sẻ thông tin giữa các đồng nghiệp thúc đẩy và ủng hộ nhân viên của họ. Đặc biệt, nếu như đàn ông thường không để ý tới những thứ mà họ cho là nhỏ nhặt thì điều này ngược lại hoàn toàn với phụ nữ. Ở phụ nữ có sự tỉ mỉ, tận tâm, quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, khiến công việc của họ đạt hiệu quả cao hơn.

Những ưu điểm trên có thể dễ dàng điểm mặt gọi tên. Nhưng cách sử dụng chúng đúng như một lợi thế thì lại còn khá mơ hồ. Từ kinh nghiệm cá nhân, chị có lời khuyên nào trong chuyện này?

Trong công việc, tôi là một người kiên định, tỉ mỉ và tận tâm. Khi đã xác định mục tiêu phát triển ứng dụng AiHealth, tôi kiên định với mục tiêu này và quyết tâm đồng hành cùng nó. Trong giai đoạn đầu khi mới ra mắt ứng dụng, tôi đã nhận được nhiều phản hồi từ khách hàng là họ mong muốn tìm được một bác sĩ đúng chuyên khoa, có thể giải đáp được các vấn đề họ đang gặp phải. Từ việc phân tích nhu cầu, cho tới khi xây dựng được một tính năng tìm bác sĩ có thể kết nối đúng bệnh lý tới đúng chuyên khoa, năng lực chuyên môn của bác sĩ, đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng thao tác của người dùng trên ứng dụng như: thói quen tìm kiếm của họ là gì, bệnh lý thường gặp, chuyên khoa theo từng bệnh lý… Từ một người chưa có kiến thức nhiều trong lĩnh vực y tế, tôi đã phải tự tìm hiểu thông tin liên quan tới chuyên môn qua các bài viết, văn bản hướng dẫn, báo cáo y khoa… Bạn thấy đấy, sự tỉ mỉ trong từng tính năng của ứng dụng, tận tâm phục vụ, lắng nghe khách hàng, giúp tôi hoàn thiện hơn ứng dụng AiHealth.

Ngoài ra, nếu nói về việc sử dụng tính nữ như một lợi thế, bạn cũng thể nhắc đến vẻ ngoài. Bằng cách tỉ mỉ trong trang phục và chỉn chu trong ngoại hình, bạn đã tạo được ấn tượng tốt trước hết, sau đấy thì cải thiện kỹ năng giao tiếp và đàm phán tốt trong kinh doanh để chinh phục được khách hàng, đối tác.

Giống như chị nói, phụ nữ có những thế mạnh riêng như tỉ mỉ, tận tâm và bản chất vốn mềm mỏng. Thế nhưng một số cho rằng tính nữ nhìn chung là biểu hiện cho sự yếu đuối. Chị nghĩ gì về điều này?

Ngày nay, người ta gần như không còn dùng từ “phái yếu” để chỉ phụ nữ nữa. Thay vào đó là những từ “phái đẹp” hoặc là những người “đàn bà thép” nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của phụ nữ cho gia đình và xã hội. Tính nữ là một thế mạnh, không phải là sự biểu hiện của sự yếu đuối.

Những khó khăn mà phụ nữ cần phải biết khi quyết định dấn thân vào kinh doanh?

Có chăng chính là sự hạn chế liên quan đến gia đình, sức khỏe thể chất, thời gian dành cho công việc. Theo kết quả thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ khá cao so với lao động nam do hạn chế về sức khỏe, thời gian nghỉ sinh và nuôi con, cơ hội tìm được việc làm phù hợp sau khi sinh còn thấp. Bên cạnh đó, sự phân công lao động theo giới còn rất bất công trong gia đình. Nếu như phụ nữ phải “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” thì đàn ông chỉ cần “Giỏi việc nước”. Người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm rất nhiều chức danh: là người vợ, người mẹ, người con dâu hoàn hảo, đầu bếp, bác sĩ gia đình,… Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, phụ nữ đã biết cách cân bằng và quản lý thời gian thông minh.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!


From the same category