Cây Huyết đằng – Một “báu vật” của người miền núi sắp bị tận diệt

Một “báu vật” của người miền núi sắp bị tận diệt

Cây huyết đằng chặt khúc, chẻ nhỏ, phơi khô rồi sắc lấy nước uống giúp ăn ngon, ngủ ngon và giúp phụ nữ sau khi sinh khỏe mạnh.

Tận thu, sẽ tận diệt

Cây huyết đằng hay còn gọi là cây máu chó, người đồng bào miền núi Quảng Trị gọi là và ra phéc. Được biết, cây huyết đằng có thể nấu để lấy nước uống giúp ăn ngon, ngủ ngon. Đặc biệt, cây này được xem là “báu vật” của người phụ nữ ở miền núi, vì sau khi sinh con, chỉ cần uống nước sắc ra từ cây này trong thời gian 1 tuần là khỏe mạnh, có thể lên nương, lên rẫy làm việc bình thường. Do cây mọc nhiều, người dân thu hái hợp lý nên trong nhiều năm qua cây huyết đằng tồn tại tự nhiên, gần khu dân cư.

Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, đại lý thu mua ồ ạt nên dẫn đến tình trạng huyết đằng bị tận thu triệt để.

Ngày 12.3, chúng tôi theo chân người dân đi khai thác cây huyết đằng ở xã Húc. Một người dân cho biết: “Lúc trước cây này đầy rẫy, chừ ở gần bán hết rồi, phải đi xa vào trong rừng mới có nhiều”.

Lái xe máy khoảng 3km, chúng tôi mới đến được cửa rừng, nơi có nhiều cây huyết đằng chưa bị khai thác. Những cây huyết đằng lớn, bám chặt vào cây gỗ cao, người dân sẽ trèo lên để chặt từng nhánh, còn nếu muốn nhanh mà ít tốn sức thì chặt luôn cả cây gỗ.

Sau khi khai thác ở rừng, cây huyết đằng được bán cho đại lý với giá 3.000 đồng/kg. 

Bác Hồ Văn Tong (42 tuổi, ở thôn Tà Ri 2, xã Húc) cho hay: “Một ngày tôi kiếm được khoảng 50kg huyết đằng tươi, chở về đến nhà là có người vào mua ngay với giá 3.000 đồng/kg”.

Ban đầu, chỉ một số hộ dân khai thác cây huyết đằng vì chỉ bán được với số lượng ít; nhưng bây giờ cả thôn, cả xã đều vào rừng vì giá trị mà cây huyết đằng mang lại không nhỏ.

Với tình trạng khai thác và tận thu như thế này thì chẳng bao lâu cây huyết đằng sẽ bị tận diệt.

Đau đầu tìm hướng xử lý

Anh Hồ Văn Làng – Phó Công an xã Húc – lo lắng: “Cây huyết đằng đem lại thu nhập cho bà con, ai cũng mừng. Nhưng mỗi ngày bà con khai thác cả tấn thì chẳng bao lâu huyết đằng sẽ biến mất”.

Chỉ tính riêng ở xã Húc, mỗi ngày có khoảng 2 tấn huyết đằng được bán cho đại lý. Chị Loan – một đại lý thu mua huyết đằng ở khóm 1, thị trấn Khe Sanh – cho biết: “3 ngày chúng tôi gom đủ một xe 13 tấn, sau đó sẽ xuất sang Trung Quốc”.

Trước tình trạng khai thác cây huyết đằng một cách ồ ạt, lực lượng kiểm lâm “đau đầu” vì không tìm được cách xử lý. Ông Nguyễn Văn Thành – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa – nói: “Cây huyết đằng thuộc dây leo, là lâm sản ngoài gỗ. Thấy người dân khai thác bừa bãi, hạt đã cử kiểm lâm địa bàn tư vấn, hướng dẫn, nhưng không mấy hiệu quả. Theo Nghị định 99 thì khai thác, buôn bán cây huyết đằng không vi phạm và không bị xử lý hành chính. Vì thế, rất khó để chúng tôi có thể kiểm soát, ngăn chặn”.

Được biết, cây huyết đằng không chỉ được khai thác nhiều ở xã Húc, mà ở xã Tù Rụt (huyện Đak Rông) mỗi ngày đại lý cũng thu mua hàng tấn. Trong lúc những chiếc xe chở huyết đằng nối đuôi nhau bán sang Trung Quốc thì chúng ta vẫn đang lờ mờ về những tác dụng của loại “báu vật” này. Nếu tình trạng tận thu vẫn diễn ra ồ ạt thì chỉ dăm bữa nữa, cây huyết đằng sẽ “tuyệt chủng”.

Theo Lao động

 


From the same category