Nếu lấy phạm vi là 20 năm tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nhiều người có khả năng điểm mặt đủ 10 hoa hậu, chính xác cả họ và tên. Còn các Á hậu 1, các ứng viên hoa hậu một thời dần đi vào quên lãng một cách vô tình. Giờ không ai biết người đẹp rực rỡ một thời Tô Lan Hương đang vui thú gia đình ở nơi đâu? Người đẹp Lưu Bảo Anh sau 3 năm rạng rỡ giờ đã không còn chút thông tin nào trên báo chí!
Á hậu HHHV VN 2008 Hoàng Yến – Photo: Quốc Huy |
Không ai trách được sự vô tình này, bởi hoa hậu ngoài vinh quang hiển nhiên, họ còn mang theo và gánh vác những trách nhiệm xã hội khá nặng nề. Dư luận luôn chú ý đến họ, vừa là để tự hài lòng với sự lựa chọn của cuộc thi, vừa là để phán xét những bước thăng tiến của những người số 1. Còn người số 2, cá nhân họ coi như đã thua một lần và trách nhiệm của họ hậu cuộc thi cũng không nhiều, công luận cũng không còn khắt khe để dõi theo họ nữa.
Những người dự phòng
Trong hầu hết các cuộc thi Hoa hậu, luôn có một cuộc chạy đua đặc biệt trước hai ứng cử viên xuất sắc nhất. Đương nhiên, vương miện chỉ cài lên tóc một người, còn một người ngậm ngùi về nhì. Không nói đến các cuộc thi mang tính thành tích cụ thể mà kết quả được tính bằng những con số, trong những cuộc thi mà kết quả chỉ mang tính tương đối như thi hát, thi sắc đẹp… giải nhất thường đôi khi không hẳn đã xuất sắc hơn giải nhì.
Họ chỉ hơn người về nhì một chút may mắn, một chút thiện cảm… có khi lại là những ưu thế bên lề như ngoại ngữ, tuổi trẻ, bằng cấp, nhân thân…
Các cuộc thi Hoa hậu là ví dụ điển hình nhất. Rất nhiều Á hậu 1 được đánh giá rất cao, là ứng viên của vương miện gần như tuyệt đối như Vi Thị Đông, Tô Lan Hương, Bùi Hoàng Oanh, Trịnh Trân Chân… Nhưng, sau hơn 20 năm kể từ khi Bùi Bích Phương trở thành Hoa hậu quốc gia đầu tiên (tới giờ không ai còn nhớ Á hậu năm đó là ai), trong ký ức của mọi người chỉ còn lại những cô hoa hậu. Những người về nhì dần bị quên đi trong sự im ắng một cách vô tình.
Ca sĩ Vương Dung – Photo: Jundat. |
Xét về lý tính, khoảng cách giữa hai cá nhân nhất và nhì thường không nhiều. Nhưng như đã nói, giải thưởng cao nhất thường được trao cho những cá nhân “an toàn” dung hoà được nhiều tiêu chí của công luận. Người về nhì thậm chí có nhiều điểm xuất sắc hơn cả người về nhất, nhưng trên giá trị tổng hoà, đôi khi họ bị thua thiệt một chút về giá trị lâu dài.
Nhìn trên kết quả nhiều người đã công nhận rằng, nhiều Á hậu 1 thua các hoa hậu duy nhất bởi họ… già hơn hoa hậu. Các hoa hậu rực rỡ ở tuổi mười tám đôi mươi, vẻ đẹp của họ sẽ còn rực rỡ thêm vài kỳ thi hoa hậu khác nữa. Những cái tên như Vi Thị Đông, Trịnh Trân Chân, Lưu Bảo Anh… khiến cho người ta tiếc tại sao họ lại đến với cuộc thi muộn mằn đến vậy…
Tất nhiên, tuổi tác không phải là điều quyết định tuyệt đối. Nhiều lý do rất “giời ơi” khác, ví dụ cái tên Vi Thị Đông… hơi quê (!) chẳng hạn… Và sau nhiều năm hội nhập về sắc đẹp, một lý do nữa sẽ quyết định người về nhất về nhì nữa là ngoại ngữ…
Các người đẹp nếu thiếu khả năng hội nhập này coi như thua đứt bởi khát vọng của những nhà tổ chức là việc khẳng định sự lựa chọn của họ ở những đấu trường lớn hơn.
Số phận của những người về nhì tại các cuộc thi nhan sắc xét cho cùng chỉ còn là vị trí back-up cho các hoa hậu. Tất cả những vinh quang từ tiền bạc, cơ hội tiếp xúc, thăng tiến, quảng bá, đánh bóng tên tuổi khách quan hầu như dành cho ngôi vị cao nhất. Người về nhì mãi mãi chỉ là đứng cạnh những hào quang kia mà thôi.
Trong lần chuẩn bị cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới tổ chức tại Việt Nam, nhà tổ chức có ý mời thêm hai Á hậu Hoàng Yến và Thiên Lý cùng tham gia rèn luyện hoa hậu với Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Thùy Lâm. Mục đích là để đề phòng trường hợp không may Thùy Lâm không thể tham gia cuộc thi.
Năm đó, Á hậu 1 Hoàng Yến đã từ chối vai trò dự phòng này và chỉ còn Thiên Lý vô tư tham gia. Tất nhiên, không ai đoán trước được những chương trình rèn luyện này lại có ích với Lý khi cô được chọn để tham dự Hoa hậu thế giới 2008.
“Số phận” của những người về nhì là như vậy. Họ vẫn được công nhận khả năng và chất lượng, song vinh quang không dễ chia cho nhiều người. Tôi không phủ nhận rằng, người về nhất xứng đáng được hưởng tất cả những vinh quang và cơ hội hậu cuộc thi. Nhưng, phải chia sẻ với những người về nhì, họ cũng rất khó để có thể bứt phá được tên tuổi khi cuộc thi khép lại. Dư luận quên mau đã đành, nhà tổ chức cũng hiếm khi nhớ đến.
Thời gian như sóng vỗ bờ
Trong lĩnh vực khác, như ở các cuộc thi ca nhạc chẳng hạn, người về nhất cũng là những người mang một áp lực lớn về giá trị của giải thưởng. Trong lĩnh vực này, đôi khi chỉ cần một phút xuất thần và thăng hoa tại cuộc thi cũng có thể khiến cho họ trở thành người chiến thắng. Nhưng người chiến thắng chỉ là người xuất sắc nhất cuộc thi đó mà thôi chứ về năng lực chưa hẳn là người số 1.
Áp lực của giải thưởng này đè lên khá nhiều ca sĩ của cuộc thi Tiếng hát truyền hình ở Việt Nam khiến cho họ không thể bứt phá thêm được nữa. Đi thi hát, đôi khi chiến thắng vì học thuật, kỹ thuật thanh nhạc bài bản. Còn đi làm nghề hát, đến được với người nghe là bằng cảm xúc và sự thông minh trong công việc.
Ca sĩ Phương Linh – Photo: Vphoto Agency. |
Người về nhất mang theo mình một áp lực, làm gì cũng phải xem xét cho xứng với danh hiệu đã được trao. Trong khi những người về nhì, khả năng thì đã được công luận ghi nhận, nhưng lại được rộng đường mà thử nghiệm khai phá bản thân. Họ không ngại thất bại như những người giải nhất, bởi đơn giản, họ đã từng thất bại trong cuộc chạy đua với người về nhất một lần rồi.
Giải nhất Sao Mai năm 2005 Vương Dung là một ví dụ. Dung xuất thần với “Thành phố miền quan họ” và bứt phá qua mặt hai nhan sắc Phương Linh và Nguyễn Ngọc Anh trong đêm chung kết. Xét về giọng hát, Dung cá tính rõ ràng hơn và được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng Phương Linh và Nguyễn Ngọc Anh cũng không hề kém cạnh.
Vấn đề là khi cả 3 có cơ hội để tham gia Sao Mai điểm hẹn 2006, chỉ có Linh và Ngọc Anh tiếp tục thử sức, còn Dung mang áp lực của một người giải Nhất, ngại thất bại nên đã vuột mất cơ hội thăng tiến nghề nghiệp này. Chính Dung đã thừa nhận sai lầm của mình, cô đã quá lo ngại về áp lực của một người về nhất. Còn 2 người về nhì Phương Linh – Ngọc Anh, họ đã đi được những bước tiến dài sau Sao Mai điểm hẹn năm đó.
Về nhì ở những cuộc thi sắc đẹp hoặc tài năng, kết quả không cụ thể từng giây, từng phút, từng ki-lô-gam như các cuộc thi thể thao. Những giá trị tương đối và cảm tính hầu như không nói lên được giá trị cụ thể của từng giải thưởng hoặc cá nhân. Như đã nói, tất nhiên người giải nhất thường có nhiều cơ hội và những tác động khách quan.
Với những người về nhì, cơ hội ít hơn rất nhiều, nhưng ngược lại, họ có được một lợi thế vô cùng to lớn, là có rất ít những áp lực cho những sự lựa chọn chủ quan. Tiến lên hay dừng lại, tiếp tục ồn ào hay lựa chọn cuộc sống bình lặng, tất cả do quyết định của chính họ mà thôi.
Truyện Kiều có câu “Cây cao thì gió càng lay. Càng cao danh vọng, càng dày gian truân”. Nếu như số phận đã sắp đặt người này người kia vào vị trí số 1, số 2, người về nhì đôi khi có thể mỉm cười vì thấy mình may mắn không gặp phải những trận gió lớn và có một số phận bình yên.