Kpop – làn sóng âm nhạc mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng nhất châu Á từ những năm 1990 đến nay. Nhiều tên tuổi huyền thoại như Big Bang, 2NE1, Girls’ Generation, Super Junior… từng là thanh xuân của các thế hệ 8x, 9x. Những thành tựu đáng nể của họ trở thành lợi thế để các thế hệ hậu bối nối gót. Nhưng liệu sóng sau có xô nổi sóng trước khi mà nghệ sĩ trẻ hiện nay trình diễn nhiều hơn là thể hiện năng lực ca hát hoặc rap?
Từ Gen 1 hình thành vào năm 1995 với làn sóng mang tên “Seo Taiji và Boys”, Kpop được định hình là tổ hợp idol (thần tượng) – vị thần mang vẻ đẹp vô thực khiến công chúng ngưỡng mộ và khao khát trở thành. Họ được đầu tư bài bản từ giọng hát, sản phẩm âm nhạc, thần thái biểu diễn cho đến yếu tố mới lạ thời bấy giờ là ngoại hình. Bên cạnh đó, idol trình diễn công khai không nhiều, họ chủ yếu phát hành đĩa hoặc thể hiện qua radio. Vì vậy, khán giả không say mê ngoại hình của idol mà mến mộ tài năng ca hát của họ hơn.
Dần dà, ngoại hình được xem là tiêu chuẩn ra mắt của idol và trở thành chủ đề bán tán muôn thuở của công chúng. Idol là ca sĩ “bán giọng hát”, nhưng ca sĩ nào càng xinh đẹp càng dễ “bán danh tiếng” hơn. Điển hình gen 2, dàn visual nổi tiếng như bộ đôi Yunho – Jaejoong (DBSK), YoonA (SNSD), Suzy (Miss A) sở hữu lượng fan và độ hút công chúng gấp 3, 4 lần so với thành viên cùng nhóm. YG nổi tiếng là công ty “nói không” với ngoại hình idol, nhưng các nhóm nhạc debut về sau của YG càng chú trọng vào vẻ ngoài.
Ngoại hình là chủ đề được bàn tán thường xuyên ngay khi idol vừa ra mắt hoặc đã hoạt động lâu năm. Bất kỳ sự thay đổi nào không “hợp mắt” người xem, họ bị bàn tán và xâu xé trên mạng xã hội. Nếu mỗi ngày idol phải đối diện ánh mắt săm soi ngoại hình, vậy lý do gì họ không dồn hết thời gian để cải thiện chúng?
Trước nhu cầu làm đẹp không chỉ của idol mà còn đại đa số công chúng, các trung tâm thẩm mỹ, chương trình làm đẹp, chế độ ăn uống khoa học,… phát triển rầm rộ. Lúc này, làm người đẹp không khó, mà phải trở thành người đẹp xuất chúng. Vẻ hoàn hảo đó đến từ luật bất thành văn do công chúng truyền tai nhau, chẳng hạn tỷ lệ gương mặt với cơ thể là ⅛, mắt có thể một mí nhưng to và khuôn hạt dẻ, thân hình S-line, thon thả nhưng không được mảnh khảnh,…
Bên cạnh xây dựng ngoại hình chiều ý khán giả, idol phải bắt kịp hình mẫu thịnh hành. Ví dụ gen 2 chuộng visual trong trẻo như YoonA, gen 3, gen 4 là hình ảnh girl crush cá tính và táo bạo như Jennie (BlackPink). Việc theo đuổi hình mẫu, tính cách bản thân không phù hợp khiến idol mất vẻ tự nhiên, ngoài ra tiêu tốn nhiều thời gian tập luyện. Idol vì thế không phân chia giờ giấc hiệu quả để tập hát. Đồng thời vì gượng ép theo khuôn mẫu, chất giọng công ty mong muốn mà idol mất giọng hát vốn có.
Chính vì lẽ đó, ngoại hình trở thành yếu tố lấn át giọng hát, kéo theo lý do idol chỉ là gương mặt xinh đẹp không cần biết hát. Đồng thời, các công ty chủ quản thay vì tập trung kiếm người tài, họ ưu tiên lựa chọn những người đẹp.
Dù thời đại nào, thành viên xinh đẹp nhất đều thu hút sự chú ý và sở hữu lượng fan áp đảo. Người hâm mộ là “con dao hai lưỡi” đối với idol. Họ vừa giúp idol thành công, mặt khác khiến idol “ngủ quên trong chiến thắng”. Không bàn về chất lượng sản phẩm, nhưng có thể thấy rằng, nhóm nào đông fan thì bài hát càng dễ thành hit, lượt “cày” MV càng cao, lượt stream nhạc số càng nhiều, album bán ra càng chạy,… và đặc biệt được fan chịu chi “mát tay” để sở hữu sản phẩm mình quảng bá.
Ngoài ra, cần xét đến câu chuyện “đại sứ thương hiệu”. Nhãn hàng nghiêng về lựa chọn idol sở hữu lượng fan đông đảo để giải quyết bài toán thương mại. Idol vì thế chăm chút đầu tư thần thái, ngoại hình,… để hút fan. Từ đó, idol không chỉ mặc những bộ cánh đắt đỏ, mà còn được “ông lớn” cưng chiều vì tạo ra doanh thu lý tưởng từ ảnh hưởng của họ.
Idol bận rộn với lịch trình chụp ảnh, tham dự tuần lễ thời trang,… và quên đi nhiệm vụ chính của mình là ca hát. Bởi lẽ, idol không cần hát hay khi đã “chắc kèo” giải thưởng âm nhạc, hợp đồng quảng cáo hay danh hiệu đại sứ đều thuộc về họ.
Cuối cùng, chúng ta phải kể đến sự hiện đại hoá của dàn công nghệ, từ hiệu ứng âm thanh đến hiệu ứng sân khấu trình diễn. Idol không còn “mộc mạc” như trước, mà họ sử dụng trợ giúp từ phần mềm thu âm, hay biết đến là “auto-tune” để làm mượt mà chất giọng.
Idol phụ thuộc xử lý âm thanh càng nhiều, họ càng “lười” tập hát. Bên cạnh đó, hiệu ứng sân khấu bắt mắt khiến người xem lãng quên về chất lượng giọng hát của idol. Thậm chí vì tình trạng idol hát live xuống dốc, nhiều khán giả còn yêu cầu họ hát nhép để mang lại tiết mục hoàn hảo. Người hâm mộ càng dễ tính và bênh vực sai sót của idol, “người qua đường” chỉ đón nhận sản phẩm “hot hit” dần gán mác cho idol là búp bê không biết hát.
Tài năng sẽ là con đường chân chính chinh phục trái tim khán giả? Nhưng trớ trêu từ thời Kpop vừa hình thành, thì số đông người hâm mộ yêu thích idol là vì hình mẫu lý tưởng. Vẫn có các ca sĩ chinh phục khán giả chỉ bằng giọng hát như Ailee, Gummy, AKMU,… nhưng không nổi tiếng rầm mộ, chủ yếu ở các nước phương Tây như các giọng ca triệu đô Maroon 5, Adele, Ed Sheeran, Charlie Puth,…
Ở một quốc gia ám ảnh và “tôn sùng” làm đẹp như Hàn Quốc, thật khó để idol và khán giả tại đây bỏ qua câu chuyện ngoại hình. Vẻ ngoài chỉn chu, xinh đẹp chắc chắn là yếu tố quan trọng đối với idol, nhưng bản chất công việc của họ là ca sĩ, thì họ nên đầu tư giọng hát để đáp ứng điều kiện cơ bản của nghề này.