Câu chuyện nhỏ về những hồ nước kỳ bí ở Hokkaido

Nằm phía Đông của đảo Hokkaido, Akan là một trong những vườn quốc gia lâu đời nhất của Nhật Bản. Vườn quốc gia Akan cách Sapporo hơn 300km, để đến được Akan, thông thường du khách có thể bay đến các sân bay gần Akan gồm Kushiro, Obihiro hoặc Memanbetsu. Từ các sân bay này đều có các tuyến xe buýt đến thẳng Akan.

2

Với diện tích gần 1.000km2, vườn quốc gia này được biết đến với ba hồ nổi tiếng là Akan, Kussharo và Mashu. Akan hấp dẫn tôi bởi những câu chuyện kể đầy bí ẩn mà người ta vẫn truyền tai nhau từ khi chưa đặt chân đến mảnh đất này, những câu chuyện huyễn hoặc, mơ hồ và kỳ bí. Như câu chuyện về hồ Mashu, tên hồ Mashu theo tiếng Ainu có nghĩa là hồ của Thượng đế, bởi nó nổi tiếng thường xuyên bị mây mù bao phủ và đầy bí ẩn.

Hồ Mashu.
Hồ Mashu.

Theo truyền thuyết của người Ainu, bất cứ ai nhìn thấy mặt hồ vào ngày nắng ráo và không bị sương mù bao phủ, người đó khó có khả năng lập gia đình cho đến khi cao tuổi, sẽ chia tay với người mình yêu hoặc sẽ không thể phát triển sự nghiệp của mình. Bởi vậy khi đến thăm hồ tôi luôn mang trong mình cảm giác hồi hộp, vừa hi vọng được thấy vẻ đẹp của hồ cũng vừa mong sương mù sẽ bao phủ… Đâu đó trên đường là những ngôi nhà cỏ truyền thống của người Akan khiến tôi có cảm giác như lạc vào thế giới của những câu chuyện thần thoại.

Một ngôi nhà truyền thống của người Ainu.
Một ngôi nhà truyền thống của người Ainu.

Tôi dành kỳ nghỉ của mình trọn vẹn chỉ để khám phá từng vùng rừng – hồ của Hokkaido, tắm nước nóng ở bãi Sunayu quanh hồ Kussharo và nghe chuyện về sinh vật huyền bí Kusshie – một thủy quái sống trong lòng hồ rồi lại lang thang khắp Ainu. Có lúc tôi lại dành thời gian ở những ngôi làng cổ của người Ainu, nơi bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khắc gỗ tinh tế. Tại đây vào mỗi buổi tối, những màn múa hát truyền thống Ainu lại diễn ra tưng bừng, người dân rất hiếu khách và mọi thứ đều rất tuyệt.

Điệu múa hạc truyền thống của người Ainu.
Điệu múa hạc truyền thống của người Ainu.

Hành trình là như vậy, đôi khi chúng ta muốn nó kéo dài mãi, để sống những ngày không lo nghĩ, đi hết từ nơi này sang nơi khác. Tôi đã chọn Shikotsu làm điểm đến cuối cùng trong chuyến đi của mình. Nằm ở Đông Nam trên đảo Hokkaido, vườn quốc gia Shikotsu-Toya được đặt tên theo hai hồ lớn là Shikotsu và Toya. Từ Sapporo mất khoảng hai tiếng ngồi tàu, tôi đã có mặt ở Shikotsu. Là một kẻ say mê văn chương Nhật, tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc đầy ám ảnh bác sỹ Naoe trầm mình trong hồ Shikotsu ở tác phẩm “Đèn không hắt bóng” của nhà văn Dzunichi Watanabe.

Hồ Shikotsu.
Hồ Shikotsu.

Theo ngôn ngữ của người Ainu, tên hồ Shikotsu có nghĩa là trống rỗng hoặc phiền muộn. Có lẽ bởi vậy mà hồ Shikotsu đã được lựa chọn là điểm kết thúc hành trình của bác sĩ Naoe. Tôi mơ hồ thấy mình trở nên trống rỗng.

Khác với cái tên mang đầy ý nghĩa xấu, hồ Shikotsu có vẻ đẹp nổi bật với làn nước trong vắt được bao quanh bởi ba ngọn núi lửa hùng vĩ Tarumae, Eniwa và Fuppushi. Màu nước hồ xanh ngắt như nuốt cả bầu trời trong ấy, xa xa khói vẫn bốc lên từ ngọn núi lửa Fuppushi. Chọn cho mình một chỗ ngồi có thể ngắm toàn cảnh hồ, đặt ba lô xuống và tôi cứ ngồi ở đó cả buổi chỉ để ngắm mọi thứ xung quanh, chờ hoàng hôn xuống.

Du khách ngắm cảnh bên hồ.
Du khách ngắm cảnh bên hồ.

Hồ Shikotsu có độ sâu trung bình khoảng 265 mét, nơi sâu nhất khoảng 360 mét, có lẽ vì thế mà vào mùa xuân và hạ thì mặt hồ xanh ngắt, mùa thu từng đám rừng xung quanh đổi màu và đến mùa đông đây là nơi tổ chức lễ hội trượt băng nổi tiếng của Nhật Bản.

Phòng trưng bày lịch sử địa lý của hồ Shikotsu.
Phòng trưng bày lịch sử địa lý của hồ Shikotsu.

Rời Shikotsu, tôi không quên tặng cho mình một bát ramen truyền thống của Chitose – một trong những loại ramen có tiếng tăm tại Sapporo, rồi ba lô nặng trĩu bước lên chuyến bay trở lại Tokyo. Những ngày hè đã ở lại cùng với Hokkaido…

Ramen Chitose.
Ramen Chitose.
Hồ Akan cũng rất nổi tiếng bởi marimo (một dạng tảo sống trong nước kết hợp thành dạng khối tròn). Marimo phát triển trung bình 5mm/năm. Do đó nó trở thành một loại thực vật quý hiếm và được bảo vệ tại Nhật. Người bản xứ Ainu hàng năm tổ chức lễ hội Marimo; đường quốc lộ từ Akan đi Kitami được đặt tên là Marimo.

From the same category