Ireland là xứ sở rất thú vị, giống như bạn rơi vào một công viên xanh bất tận, có cỏ, đồi, biển trời và mưa vào tất cả các mùa. Ở Ireland có 7 kì quan. Sáu trong số đó là thiên nhiên kì vĩ, kì quan duy nhất do con người tạo ra là bức tường Hòa Bình (Peace wall) nằm ở Belfast, thủ phủ của Bắc Ireland – vùng đất vẫn còn thuộc về vương quốc Anh.
Belfast gồng mình vác trên vai bức tường Hòa Bình, trong khi tranh chấp vẫn còn xảy ra trên từng con phố. Belfast với trái tim thuộc về Cộng hòa Ireland và bộ óc hướng về nữ hoàng Elizabeth II. Belfast vẫn vậy, luôn phức tạp với mâu thuẫn nội tại. Chỉ đơn giản như việc rác nằm đầy trên những con phố, dưới cả những biển cấm ‘‘xả rác phạt ngàn pounds’’.
Mâu thuẫn nội tại
Thế kỉ 16, người Anh chạy sang Ireland mang đến sự ngổn ngang cho đất nước này. Đa phần dân Ireland theo đạo Thiên Chúa (Catholic), trong khi nước Anh bấy giờ mang tôn giáo Tin Lành (Protestant). Sự việc này bắt nguồn từ việc Henry VIII mê đắm Anne Boverly, đòi phế truất hoàng hậu Catherine xứ Aragon. Giáo hội bác bỏ yêu cầu đổi ngôi hoàng hậu, nước Anh ương ngạnh tách ra, tự chọn cho mình tôn giáo mới. Quyết định mù quáng của Henry VIII đã xô nước Anh vào trận chiến chống lại Vatican vốn được chống lưng từ những cường quốc ngoan đạo lớn mạnh như Pháp, Tây Ban Nha.
Chuyện tình dữ dội ấy cuối cùng kết thúc trong máu và nước mắt. Henry VIII đau đớn chặt đầu Anne nhưng con gái bà – Elizabeth I tóc đỏ kiêu kì đã không hề lùi bước. Khi Elizabeth I thành nữ hoàng, bà mặc áo giáp ra chiến trường đánh lại quân đội Tây Ban Nha. Sự kiên cường của nữ hoàng đồng trinh đã mang tới cả thời kì vàng son cho Anh Quốc nhưng cũng đồng thời kéo dài vô tận con đường dẫn tới thành Rome.
Khi vượt biển, chiến thuyền Anh Quốc không chỉ mang người mà cả tôn giáo mới sang áp chế dân Ireland. Họ đã gây nên những cuộc chiến lâu dài và mòn mỏi nhất. Ban đầu là cuộc chiến chống thực dân rồi dần dà trở thành chiến tranh tôn giáo. Người Ireland đánh lại người Anh, rồi tới người Ireland theo Thiên Chúa xung đột với người Ireland theo Tin Lành.
Chiếc taxi tìm về lịch sử
Việc đầu tiên tới Belfast, mọi người thường ào tới các hãng du lịch ‘‘Cho em một black taxi tour’’. Có cái gì ở xe taxi màu đen ấy? À thì, đó là tour đáng đi xem nhất ở đây.
Black taxi tour không đắt cho câu chuyện 1 đất nước. Hơn 30pounds/xe, số lượng người nhiều nhất là 3. Sáng ra, taxi đỗ xịch trước cửa nhà và sẽ trả về tận cửa. Anh taxi kiêm dẫn tour tươi cười xách hộ vali rồi luyên thuyên về tất cả cảnh sắc trên đường. Bánh xe lăn từ từ qua những con đường chính, qua khu sầm uất trẻ trung, rồi rẽ trái đi vào vùng đất khác lạ của Belfast – vùng đất quá khứ.
Vùng đất quá khứ là nơi những họa sĩ tự do khắc họa nên lịch sử đấu tranh của dân Ireland với chính phủ Anh Quốc. Họ chỉ mới vẽ tầm 10 năm trở lại đây, nhưng những sự kiện được vẽ thì từ thế kỉ 19. Họ vẽ, chính quyền xóa, họ lại vẽ. Họ vẽ nhanh như một phép thuật, qua một đêm, bức tường xám đã phủ kín màu. Dần dà, chẳng ai nghĩ tới chuyện xóa chúng nữa. Những bức tranh sống động ấy được dân Bắc Ireland gọi là những tấm gương.
‘‘Vì sao lại là những tấm gương?’’, tôi hỏi. ‘‘Bởi hình trong những tấm gương là sự phản ánh thực tế, không phải là những sản phẩm nghệ thuật của trí tưởng tượng như tranh vẽ’’, anh taxi hào hứng. Dĩ nhiên nó cũng không phải là những bức ảnh; hình trong ảnh là một khoảnh khắc, còn thế giới trong gương có chiều sâu, có sự chuyển động, có sự khác biệt từ những góc nhìn. Như khi soi gương, tôi thấy mình y nguyên, còn người khác cùng đứng trước tấm gương đó sẽ thấy mặt tôi méo xệch, dị thường. “Những tấm gương” ở Belfast mang cái nhìn đa chiều cho người xem và một cách nào đó, nó làm tôi sợ hãi.
Những “tấm gương”…
Taxi dừng ở “tấm gương” đầu tiên dẫn vào vùng đất quá khứ, đó là bức tranh về nạn đói kinh khủng xảy ra vào năm 1845, người Ireland gọi nó là Gorta Mór (great hunger). Nạn đói tàn khốc bùng phát ở phía Nam Ireland, do dịch bệnh khoai tây hoành hành ở Châu Âu thời đó. Nguồn thực phẩm kiệt quệ, những người đàn ông tha hương tìm việc, đàn bà trẻ em lai lưng trên những cánh đồng nay đã chẳng còn gì.
Nông dân Ireland đối mặt với cái chết, hàng ngày hàng giờ. Một triệu người là một con số mất mát quá lớn. Trong khi đó, dân Anh ở miền Bắc vẫn phè phỡn no đủ. Đây chính là giọt nước tràn ly, khiến cuộc nổi dậy của dân Ireland chống lại thực dân Anh mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Những cuộc nổi dậy ở Ireland thường manh mún, dễ lên dễ dập như diêm trước gió. Anh taxi rầu rĩ kể: lúc đó, đàn ông thường bị bắt vô căn cứ, có thể trên đường đi làm, hay trong bữa tối, thậm chí khi đang ngủ. Có những người phụ nữ làm cảnh giới, họ thấy bóng quân đội liền lấy nắp thùng rác nện xuống đường. Âm thanh loang ra, những người đàn ông nhảy qua cửa sổ nhà chạy trốn. Nhiều người không kịp trốn, họ bị áp giải vào nhà tù, thực chất là những cái chuồng sắt ở bên ngoài thành phố. Họ bị tra khảo chẳng vì gì cả. Họ có thể chết, trong khi vợ con nheo nhóc ở nhà.
Thời đó, các gia đình theo Thiên Chúa giáo thường có 5-10 đứa con, sống trong ngôi nhà chật hẹp, khổ sở, còn người Tin Lành chỉ có 2-3 đứa con, sống trong những biệt thự xa hoa. Sự phân biệt tôn giáo, giàu nghèo kinh khủng và vô lý.
Đỉnh điểm là khi Thatcher bỏ đói 10 người tù tới chết. Người dân Ireland phẫn uất vô cùng ‘‘Con chó còn không bị bỏ đói, sao có thể làm vậy với con người?’’, nhân quyền và dân quyền lên tiếng. Cuộc biểu tình Blanket năm 1976 được lột tả trong “tấm gương”, mọi người quấn chăn ra đường, tay cầm bức ảnh tù nhân, phản đối chính quyền Anh. Cuộc chiến đẫm máu thực sự bắt đầu, kéo dài tới những năm 80 và vẫn còn dai dẳng cho tới thế kỉ 21. Khi Thatcher chết, dân Ireland đã ăn mừng như chưa bao giờ hạnh phúc đến thế. ‘‘Chúng tôi căm ghét bà ta’’.
Trước khi tới Ireland, tôi không hề biết gì về cuộc nội chiến ở đây. Tới cả quốc kì, tôi đã nghĩ 3 màu cờ ấy thật khác. Tôi tưởng màu da cam của đất, màu xanh của cỏ và màu trắng của trời, Ireland của thiên nhiên. Thực tế không phải thế. Màu xanh của Tin Lành, màu cam của Thiên Chúa và màu trắng của hòa bình. Họ ước mơ sau những cuộc xung đột đẫm máu, Ireland sẽ như con phượng hoàng tự đốt cháy mình để hồi sinh.
Và khi đó hòa bình sẽ tới. Bình yên về cho mảnh đất Belfast vẫn còn tranh chấp. Xung đột vẫn còn, kẻ Thiên chúa vẫn ghét người Tin Lành. Mâu thuẫn của người Ireland và người Anh vẫn còn đó, trong chiếc áo T-shirt (áo phông) ở tiệm lưu niệm, sự giận dữ ngập tràn: ‘‘Titanic was built by Irish men and sunk by an English man’’(tàu Titanic được đóng bởi người Ireland, rồi chết chìm trong tay một người Anh). Không còn sự thật nào phũ phàng hơn thế.