Mới đây nhất, về vụ cậu bé 10 tuổi bị cha ruột và mẹ kế đánh rạn sọ não, thật khó tin khi thấy ảnh của cặp vợ chồng đó hoàn toàn sáng sủa, (có vẻ) tử tế. Thật khó tin, nhưng hoàn toàn có thể lý giải được. Khi bản thân họ có một ẩn ức, một nỗi đau, nỗi bất hạnh không giải quyết được, họ dễ dàng tìm đến việc bắt nạt một kẻ yếu hơn mình, ngay bên cạnh mình để trút đi nỗi đau của mình. Thật lý tưởng khi kẻ yếu hơn đó là một đứa bé không thể chống cự (chắc bé có chống cự yếu ớt bằng cách bỏ phân vào tủ quần áo, bỏ đất vào siêu thuốc) và họ cho rằng nó đang hành xử như 1 đứa trẻ hỗn láo: À, mày là con tao đẻ ra, nuôi ăn nuôi lớn, tao chưa cho mày ăn, mày đừng hòng ăn. Mày mà dám ăn, thì quật gãy xương sườn mày…
Điều này dễ nhìn thấy nhất ở những đứa trẻ, nhất là ở độ tuổi mầm non. Những đứa “hổ báo” ở trường sẽ là những đứa bị mẹ tát đôm đốp ở nhà đôi khi chỉ vì làm đổ canh xuống áo. Những đứa hay hít -le và đổ lỗi sẽ là những đứa ở nhà mẹ chúng hay dọa bỏ chúng ra ngoài cửa, bỏ chúng vào tủ, bỏ chúng một mình nếu chúng phạm lỗi. Và những đứa trẻ đó lớn lên với ý nghĩ là bị bỏ lại, bị tẩy chay là hình phạt lớn nhất nên nó đem cái đó áp dụng với bạn bè.
Cũng có thể hai người lớn đó, bố ruột và mẹ kế cậu bé, họ “khổ” quá nên tìm cách trừng phạt đứa con của mình. Bởi vì ai bảo mày là trẻ con, ai bảo mày lúc nào cũng vui sướng hơn hớn trong khi tao thì khổ đau kiệt quệ. Ai cho mày được quyền thấy cuộc sống tươi đẹp và dễ dàng hơn chúng tao.
Cũng có thể là do không gian. Bạn tôi từng kể anh chị của bạn lục đục ly hôn vì ông chồng không chịu nổi cảnh con kén ăn, suốt ngày khóc quấy, vợ căng thẳng, la mắng ép uổng con và tất cả ngày nào cũng diễn ra trong mười mấy mét vuông của một căn nhà ống sống chung với bố mẹ chồng. Căng não đối phó với lừa lọc phản trắc mưu hèn kế bẩn nơi công sở đã đủ, về nhà lại nghe thấy tiếng trẻ con khóc (dù nó là con mình), tiếng chì chiết cáu giận, tiếng thở dài than vãn…người thường cũng khó mà bình thản được. Nên nếu cặp vợ chồng kia thực sự chỉ quanh quẩn trong căn hộ hai phòng của một cái chung cư mini, có nhiều mì gói để sống từ ngày này qua ngày khác, thì cảnh phát điên chắc chắn là điều rất dễ xảy ra.
Gia đình đó hẳn giờ rất nổi tiếng. Hôm qua thấy có hàng loạt FB đăng ảnh cặp vợ chồng đó lên để “tìm người lạc”. Ông bà nội và mẹ của cậu bé cũng cần cảm thấy mình có lỗi vì suốt gần 2 năm trời không nhìn thấy con cháu mình.
Nhưng có thể mỗi chúng ta cũng nên cảm thấy có lỗi, vì từng cáu giận, vì từng trút cơn giận của mình lên đầu những kẻ yếu thế, hoặc chỉ đơn giản là vì đi ngang chợ, đi ngang luôn một bà mẹ còn trẻ đập bốp vào người đứa con gái nhỏ cỡ hai tuổi khiến nó đang khóc bỗng lặng người đi và quay ra kể với một bà khác giọng đầy tự hào “Sáng giờ ăn hai cái tát rồi đấy. Lớn lên rồi tha hồ mà lì lợm.” Và chúng ta thấy chuyện đó là bình thường. Và chúng ta không quay lại để bảo bà mẹ ấy là không được làm thế.
Cũng như trong câu chuyện của cậu bé bị bạo hành, suốt hơn 1 năm gia đình tách ra khỏi ông bà nội và ở riêng, hàng xóm láng giềng không một ai biết trong nhà có tồn tại 1 đứa trẻ trai không bao giờ được đi học, một đứa trẻ 10 tuổi 20 kg và chằng chịt những vết sẹo cũ mới, một đứa trẻ phải ăn mì tôm sống và ngủ trên sàn lạnh. Khi chuyện vỡ lỡ, chúng ta ai cũng phẫn nộ xót xa và lên án, nhưng trước đó, tất cả chúng ta đang ở đâu?
Hãy nhớ rằng, bạo hành không chỉ là đòn roi bầm dập thân thể, những lời quát mắng, đay nghiến, chì chiết, mà nó còn là cả sự vô cảm của những người lớn không bao giờ lên tiếng.