Cắt, nếu nói dài. Gõ, nếu vòng vo

 

Ở cơ sở, đăng đàn diễn thuyết thành nạn lâu rồi. Có dịp lên “sân khấu”, nhiều sếp mọc rễ ở bục, chém gió lả lơi như chưa bao giờ được chém. Xong, có khi sếp cũng chả nhớ đã “tập trung chỉ đạo” những gì… nói chi lính tráng bị tập trung nghe.

Càng lên cao, tầm quan trọng càng lớn. Và các sếp cũng được kinh qua các nấc, có thêm kinh nghiệm và hơi sức để nói dài, nói dai. Khổ người nghe, tốn thời gian mà chả quán triệt được cái gì vào với cái gì.

Một vị chức năng tổ chức hội nghị than: đã ưu ái “bố trí” 15 phút mà quan chức nọ cứ thoải mái đọc, ê a hơn 40 phút chưa ngưng.

Cắt, chuyện đặt ra nhưng chưa “quyết liệt”. Nay lại quyết tâm kỳ họp tới “nói dài quá thì cắt”, bộ trưởng trả lời vòng vo cũng cắt, cầm búa mà gõ, ai nói loanh quanh thì gõ cắt…

Nếu Quốc hội làm được thế, sẽ làm gương, tạo tiền lệ cho nhiều địa phương, cơ sở.

Gõ búa là hình thức cắt lời được nhiều nước dùng lâu rồi. Có thể “sáng tạo” dùng chuông đặt giờ… Khi “trân trọng giới thiệu” người lên phát biểu bấm giờ luôn. Hết giờ, chuông kêu, và cử toạ có thể vỗ tay để… mời kết thúc.

Khoa học phát hiện lâu rồi: con người không có khả năng tập trung nghe nhìn quá 3 phút liên tục. Dài hơn là nghe một tai, cái gì lọt lại ra luôn tai kia.

Thế nên, các bản tin, thông báo trên phát thanh, truyền hình của họ, được dạy nghề là chỉ làm dưới 3 phút. Dài hơn người ta ngãng ra, vì đầu óc tự dưng bị lôi kéo sang chuyện khác… Ngắn, gọn, thẳng vào vấn đề, từ to tới nhỏ là cách truyền thông hiệu quả.

Nói ngắn, chỉ nói cái cần, giảm được khối họp hành, đỡ thời gian, công sức.

Giống như khẩu hiệu tiết kiệm điện, đã đến thời “Cắt, nếu nói dài”, hay là “Gõ, nếu vòng vo”…

Trần Giang Phương 

From the same category