Casanova qua lỗ khoá - Tạp chí Đẹp

Casanova qua lỗ khoá

Giải Trí


Ở ven hông tòa cung điện cho các “doge” (một chức danh đại khái là “tổng trấn”)
của thành phố Venice có một nhà tù rất kiên cố đến nay vẫn thu hút rất nhiều
khách du lịch đến để thử cảm giác rùng rợn khi đứng trong những hành lang hẹp hun hút gió và nhìn đồ
gia hình bày la liệt trong các phòng.

Thế mà năm 1756, một nhân vật rất nhiều
tai tiếng đã đàng hoàng thoát được khỏi đây, lại còn là thoát khỏi nơi khó thoát
nhất của nơi này: một căn phòng được mệnh danh “phòng chì” đặc biệt chỉ dành cho
những tội phạm người ta chẳng thể nào lường được mức độ nguy hiểm. Không gì ngăn
cản nổi bước chân của con người ấy: Giacomo Casanova, nỗi kinh hoàng của các ông
chồng và người tình trong mộng của đông đảo quý bà quý cô khuê các cùng thôn nữ
chăn dê vắt sữa bò sống cùng thời với ông.

Không loại trừ khả năng Casanova cũng
là người tình trong mộng của rất nhiều phụ nữ thời nay. Ban nhạc All 4 One khi
viết một bài hát hay được dùng để tán gái tên là “I Can Love You Like That” đã
ai oán nhận mình thua kém Casanova: “Well, I am no Casanova”.

Ngay sau vụ trốn thoát rúng động cả một thời ấy là bắt đầu thế giới hư cấu của
một trong những cuốn tiểu thuyết thành công nhất lịch sử trong đề tài Casanova:
“Casanova ở Bolzano” của nhà văn Hungari Márai Sándor (Giáp Văn Chung dịch, Nhã
Nam & NXB Văn học).

Hư cấu về đời Casanova là một điều không dễ, bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, tuy
rằng Casanova nổi danh ngang bằng với một nhân vật khác trong cùng chuyên môn là
chàng Don Juan, nhưng giữa hai người lại tồn tại một khác biệt căn bản: Don Juan
không hề tồn tại trong đời thực, chàng là huyền thoại thuần túy, còn Casanova là
con người bằng xương bằng thịt, tiểu sử rất rõ ràng, đã bồng bềnh trôi qua cái
thế kỷ XVIII phong tình trên chính đôi chân của mình chứ không phải đôi chân giả
tưởng của hư cấu.

Cái thế kỷ XVIII ấy sau này còn để lại cho chúng ta cả một
loạt tên tuổi và tác phẩm không thể phai mờ: Vivant Denon, hầu tước de Sade hay
Laclos với tuyệt phẩm “Những mối quan hệ nguy hiểm”. Thế kỷ XVIII của văn chương
châu Âu đã làm một cuộc cách mạng tình dục “tháng Năm 1968” trước cả hai trăm
năm.

Thứ hai, và đây mới là điểm khó nhất cho các nhà văn: không những Casanova có
tồn tại thực, mà chàng hiệp sĩ của các phòng ngủ còn viết hồi ký rất chi tiết,
hồi ký ấy lại được đặt tên rất rõ ràng: “Đời tôi” (“Histoire de ma vie”, viết
bằng tiếng Pháp tuy rằng Casanova là người Ý), không những thế cuốn hồi ký lại được viết bằng một văn phong của một nhà văn rất giỏi.

Câu chuyện về tập bản
thảo hồi ký Casanova cũng vô cùng ly kỳ (như cuộc đời con người đã sống để viết
ra nó); nghe đâu sau trận bom Đồng minh tàn bạo ném xuống thành phố Dresden nước
Đức, một trong những thứ hiếm hoi còn nguyên vẹn thoát ra được (nhờ một “fan
cuồng”) là tập bản thảo này. Sau Thế chiến thứ hai, việc xuất bản hồi ký
Casanova được khởi động, lúc đầu là dè dặt, cho tới giờ thì rất nhiều người (kể
cả những người ngoài giới phong tình) cũng đã công nhận đây là một văn liệu rất quý về cuộc sống thế kỷ XVIII đồng thời là một tác phẩm văn học lớn.



Thế nhưng, Márai Sándor cũng là một nhà văn giỏi, nếu không muốn nói là rất
giỏi. Dường như với người Hungari, nếu được chọn một nhà văn đồng bào của mình
xứng đáng được giải Nobel Văn chương, thì người đó sẽ là Márai Sándor chứ không
phải Imre Kertész, mặc dù Imre Kertész cũng là một nhà văn rất giỏi.

Và ông đã
dựng ra một chân dung Casanova của riêng mình rất thuyết phục: Casanova của
Márai Sándor sau khi trốn thoát khỏi nhà tù Venice đã tới Bolzano (Bắc Ý) và một
câu chuyện rất nhiều bí ẩn đã xảy ra, được thuật lại bằng giọng kể của một nhà văn cao
cường (quả thực, ở lĩnh vực có chuyên môn rất hẹp này, chỉ những người “cao tay
ấn” mới thành công nổi – đã có rất nhiều cuốn tiểu thuyết cũng viết về Casanova
nhưng phần lớn trong số chúng “mê lô” đến phát bực).

Bạn sẽ rất nhớ chương “Một
người đàn ông”, trong đó Casanova mỏi mệt nằm sượt trên cái giường của quán trọ
Con Hươu và lũ lượt đàn bà phụ nữ dòm qua lỗ khóa để được một lần tận mắt nhìn
thấy “người đàn ông chân chính” ấy. “Casanova ở Bolzano” cũng là một lần Márai
Sándor nhìn qua lỗ khóa lịch sử để nhìn một con người có thực để rồi từ đó mà
tạo ra một nhân vật đích thực là Casanova ở một tầng hư cấu khác hẳn.


Nhị Linh

Thực hiện: depweb

03/11/2011, 17:12