Cappadocia là một vùng rộng lớn của Thổ Nhĩ Kì, chứ không phải ngôi làng nhỏ bé ở Abruzzo, nước Ý. Cappadocia gồm nhiều thành phố, làng mạc, thị trấn, nhưng vì có quá ít thời gian nên tôi chỉ ghé thăm được Goreme. Sau này, gặp anh Cao Bồi (nickname tôi đặt cho anh) – một hướng dẫn viên chính hiệu, tôi được chỉ giáo rằng: “Mày cần ít nhất một tuần để đi hết Cappadocia, tối thiểu ba tháng để đi hết Thổ Nhĩ Kì”. Còn cô bạn người Thổ của tôi ở Ankara thì thủ thỉ: “Năm nào tao cũng tới Cappadocia chơi một lần, đi bao nhiêu lần rồi vẫn chưa xem hết”; cậu bạn Godze thì bảo: “Cappadocia là một cái gì đó rất khác, không thể không đi, tại sao có ít ngày mà mày dám liều tới nơi kì thú ấy”. Vậy mà tôi đã quyết định tới đó chỉ với mấy ngày ngắn ngủi, nhưng đó là một quyết định cực kỳ đúng đắn.
Đi tour cũng phải mặc cả
Trong chuyến hành trình lần này, tôi kéo theo một người bạn mới quen ở trường học hè tại Ankara. Chúng tôi là hai kẻ Châu Á duy nhất trên chuyến xe buýt đêm hôm ấy. Xe buýt chạy từ thủ đô Ankara tới Cappadocia mất 10 tiếng đầy mệt mỏi. Tuy nhiên, ở Thổ Nhĩ Kì, hệ thống tàu chưa phát triển, máy bay nội địa không tới được nhiều nơi, nên xe buýt là lựa chọn duy nhất. Bến xe buýt ở Ankara được mệnh danh là bến xe to nhất Châu Âu bởi lưu lượng xe chạy như mắc cửi. Đi xe buýt ở đây thích nhất ở chỗ chỉ việc tới sớm 5 phút, mua vé là đi, không phải lo ngại giá vé tăng. Hành trình khám phá vì thế được bắt đầu một cách thoải mái. Bạn chẳng cần lên kế hoạch trước cả tháng, chỉ việc nhảy lên xe là xong.
Chúng tôi khệ nệ kéo đống hành lý tới nhà nghỉ vào lúc 6 giờ sáng, khách đang ngủ mà chủ cũng chưa dậy. Anh chàng phục vụ lon ton ra mở cửa giúp chúng tôi để đồ vào phòng rồi rón rén vào bếp chợp mắt thêm chút nữa. Đã được cô bạn khuyên nên đi một tour ở khách sạn vì nó khá hay, đi được nhiều nơi lại không quá đắt. Sau khi đắn đo giữa Red tour và Green tour, chúng tôi thống nhất chọn Green tour bởi giá cả khá phải chăng 90 lira (xấp xỉ 40EUR – tương đương 1.160.000VND). Tour kéo dài từ 9 giờ sáng tới 6 giờ chiều, kịp giờ xe buýt về Istanbul của bạn tôi, vậy là chuẩn. Tuy nhiên, theo đúng tinh thần “chuyện gì cũng có thể xảy ra”, kể cả chuyện kì kèo giá cả, khi chúng tôi đề xuất đi tour, anh chủ nhà trọ nói với chúng tôi rằng: “Giá tour 90 lira là rẻ nhất trần đời. Nếu đi cả Red tour và Green tour thì tao giảm, chứ đi một thì tao chịu”. Tôi thỏ thẻ: “một người đi hai tour thì được giảm, vậy hai người đi một tour cũng phải được giảm chứ”.
Anh chủ nhà trọ cười sáng trắng, lấp lóa cái răng vàng trong miệng, lắc đầu nguầy nguậy, tay không thôi phe phẩy điếu thuốc. Nói một hồi lạc cả giọng, anh cũng đồng ý giảm từ 90 lira xuống 85 lira, và bớt cho một đêm tiền nhà cùng bữa sáng miễn phí. Gió sớm thổi mát cả khu phố, ban công vắng lặng, chúng tôi không quá vội vã mà ngồi thưởng thức bữa sáng trên những chiếc ghế tựa ngắm nhìn cuộc sống. Vậy đó, tôi đang ở Cappadocia.
Đúng 9 giờ, xe tour xuất phát, anh hướng dẫn viên tóc xù mì đeo cặp kính đen tròn tôn thêm sự đầy đặn cho khuôn mặt mà tôi thấy rất giống… bánh bao. Vài ba cặp đôi ngồi hàng đầu khá kín tiếng, họ đang lim dim. Cuối xe, 4 cô gái Úc cười đùa, nói chuyện tung trời, ngồi kế bên là một anh chàng Nhật Bản to cao, đen trũi, đầu tóc bù xù, cười nhăn nhúm mặt mày, để lộ hàm răng xỉn gần hết, có vài cái răng vàng sáng loáng. Thấy anh hiền, chúng tôi chủ động làm quen, anh chỉ cười gật gật. Cô gái Đài Loan thân thiện ở hàng ghế trước cũng ghé xuống nói chuyện. Chuyến xe vui vẻ giúp chúng tôi phần nào quên đi những mệt nhọc trên hành trình.
Xe tour đưa chúng tôi tới điểm cao Esentepe để ngắm toàn cảnh Goreme. Thung lũng phía dưới hiện ra với muôn ngàn khối đá được tạo nên từ những dòng lava (nham thạch) đông đặc, kết tinh từ khói, bụi và đá của thời kì Neocene. Qua hàng nghìn năm xói mòn không ngừng, các khối đá được nặn, tạc thành đủ các hình: hình kim tự tháp, hình nón,… Màu sắc, hoa văn của các kim tự tháp đá được chuyển đổi nhẹ nhàng từ trắng qua rêu, sang xám, xen lẫn giữa màu xanh của cây cỏ. Xe dừng một lúc rồi chạy tới hồ Nar; hồ xanh tròn như một viên ngọc giữa sa mạc. Quanh đó có vài chú bé kháu khỉnh đang dẫn lừa về nhà.
Thành phố ngầm
Chiếc xe cứ miệt mài chạy giữa thời tiết nắng gắt suốt gần hai tiếng cũng tới thành phố ngầm Derinkuyu. Được xây từ thời Hittites (khoảng 3.500 năm trước), trải qua nhiều nền văn minh, cùng với Kaymakli, đây là hai thành phố ngầm lớn nhất ở Cappadocia. Trước đây giữa hai thành phố có đường hầm nối kết với nhau, nhưng bây giờ chính quyền đã ngăn riêng biệt để làm du lịch. Thành phố ngầm có tới 8 tầng. Anh chàng hướng dẫn viên ra rả: “Đi tới tầng 2 là tầng rộng nhất, cho tất cả mọi người ngắm, nếu ai thấy vẫn khỏe, có thể đi tiếp tới tầng 8, không thì ở lại”. Cuối cùng cả hội vẫn đi hết, ai cũng bước đi một cách hùng dũng, chỉ cần thêm một chiếc khăn quàng cổ và một áo rét là xong. Thật kỳ vĩ khi nhìn thấy khung cảnh nơi đây. Với sức chứa 20.000 người cùng gia súc, ở thành phố ngầm, cái gì cũng có, y như trên mặt đất, có phòng ngủ, phòng ăn, nhà thờ, nhà xác, và cả tủ lạnh cất thịt tươi, nơi giữ rượu.
Khi xưa, những người dân ở đây vẫn sống trên mặt đất là chủ yếu, chỉ khi có biến động mới xuống thành phố ngầm. Nhưng để cả bộ lạc có thể sống trong thời gian dài dưới này, họ đã thiết kế hệ thống ống thoát khí để không bị bí bách, ẩm thấp. Fairy chimney – những cột đá thông khí nhô lên cao chính là niềm tự hào của dân Cappadocia. Khó có thể tưởng tượng được các cột đá lẻ tẻ phía trên mặt đất lại ôm trong lòng cả một thành phố hoành tráng như vậy. Điểm hạn chế duy nhất của thành phố ngầm là đường vào quá bé và tối.
Chiếc xe lại đưa chúng tôi tới thung lũng Ihlara có màu đỏ quạch, được tạo nên bởi bụi núi lửa, giống như đất đỏ ba-zan. Hai bờ vách dựng đứng, bị cắt gọt ngọt lịm thành những đường gồ ghề ra vào giống như bậc thang. Giữa thung lũng, con suối chảy uốn mình qua bãi đá sỏi và những hàng cây xanh. Anh hướng dẫn viên dẫn cả hội vào những ngôi nhà thờ được đục trong vách đá. Cả thung lũng có tới vài trăm nhà thờ, được xây dựng từ thời Early Christian – thời điểm con người còn mộ đạo và nhiều niềm tin. Mãi sau này, khi dân Ả Rập tới thì các nhà thờ mới tiêu điều, hoang phế. Những nhà thờ phía trên cao nằm im lìm cạnh những hốc đá vuông thành sắc cạnh. Tương truyền những hốc đó do con người khoét ra để làm tổ cho bồ câu. Xuất hiện trong cả Kinh Tân ước và Cựu ước, thời đó, bồ câu là một biểu tượng của tôn giáo được tôn thờ.
Chúng tôi ghé vào nhà hàng đặt cạnh bờ suối để ăn trưa, thời tiết ngoài trời phải nóng đến hơn 40oC. Những món ăn đặc trưng từ gà, cá, bò nhanh chóng được đưa ra. Dù trời đang nóng như chảo lửa nhưng món cá nướng thơm lừng vẫn được chúng tôi đánh chén một cách gọn gàng. Giải tỏa cơn nóng bằng một cốc Ayran – loại sữa chua có muối với vị rất lạ, chúng tôi tiếp tục lên xe để đến một địa điểm huyền bí và hấp dẫn khác.
Cappadocia – Nơi đá cũng có tâm hồn
Đó là khu quần thể nhà nguyện, nhà thờ rất to với tên gọi Selime. Cả khu quần thể là một kiệt tác bằng đá. Được lấy lại sức lực sau bữa trưa no nê, chúng tôi hào hứng leo hết vách đá này đến vách đá khác của khu nhà, từ những hốc đá đến những bức tường chênh vênh đều lần lượt được chinh phục. Chú ý, khi di chuyển, bạn phải hết sức cẩn thận, bởi chỉ một chút sơ sảy, tai nạn có thể xảy ra tức thì.
Selime rất đẹp, rất to, rất hùng vĩ. Có thể ngày xưa, sự khắc nghiệt của thời tiết – nắng, gió, bụi – khiến con người ở đây không còn lựa chọn nào khác là đục vào lòng đá kiến tạo sự sống. Nhưng với sự kiên cường và sức sáng tạo, họ đã tạo nên những kì tích còn lại mãi cùng thời gian.
Chúng tôi còn đang mải mê khám phá quần thể nhà thờ thì anh chàng hướng dẫn viên lại hò hét mọi người lên xe để di chuyển đến thung lũng Bồ Câu, rồi tới những cửa hàng đặc sản. Những quầy hàng với nhiều bàn được kê sát nhau, trên đó chất đầy kẹo dẻo, kẹo gôm, hoa quả khô, và đủ thức sản vật địa phương dễ dàng níu chân những ai thích đồ ngọt.
Về đến nhà trọ cũng là lúc hoàng hôn xuống dần sau núi. Chúng tôi ăn tối trên một ban công rộng ở nhà hàng được xây dựng hoàn toàn bằng đá trắng. Hai ly rượu nho, bánh mỳ Thổ Nhĩ Kỳ cùng hũ thịt bò được nấu theo cách của người dân địa phương tỏa khói nghi ngút. Chúng tôi từ từ thưởng thức bữa ăn như một cách bù đắp lại một ngày dài mỏi mệt. Sau đó, bạn tôi vội vã lên đường về Istanbul, còn tôi thong dong đi dạo quanh làng. Tôi còn một ngày nữa để khám phá mảnh đất diệu kì này.
Cappadocia là nơi trái tim không thể hóa đá, mà ở đây, đá cũng có tâm hồn!
Lộ trình tham khảo:
Ngày 1: Hà Nội – Ankara Chú ý:
|