Ngày 12/7/2019 vừa qua, vợ chồng cụ ông Herbert DeLaigle (94 tuổi) và cụ bà Marilyn Frances DeLaigle (88 tuổi) đã qua đời, chỉ cách nhau 12 tiếng. Sự tiếc thương luôn là cảm xúc hiện hữu trong những cuộc chia ly sinh tử, nhưng đây chắc hẳn sẽ là câu chuyện tình đặc biệt nhất, khi những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất cũng không thể ngăn hai người yêu nhau nắm chặt bàn tay người bạn đời trong suốt 71 năm, và cho đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời. “Chỉ có cái chết mới có thể chia lìa họ”, và thứ quý giá nhất họ để lại là những năm tháng ý nghĩa họ đã sống bên nhau.
Ngày đó, chàng trai Herbert (22 tuổi) và nàng Marilyn (16 tuổi) lần đầu gặp nhau tiệm cà phê xinh xắn White Way Café (Waynesboro, Georgia – Mỹ) – nơi Marilyn đang làm việc: “Tôi thấy Marilyn ở quán cà phê và đã bị bà ấy thu hút từ lúc nào chẳng biết. Tôi cứ dõi theo bà ấy mãi và rồi một ngày nọ, tôi đã lấy hết dũng khí để ngỏ lời hẹn hò” – cụ ông tiết lộ trong lần kỷ niệm 70 năm nên duyên vợ chồng. Và rạp phim là nơi chàng sinh viên Herbert nhút nhát lần đầu hẹn hò Marilyn. Thời gian một năm yêu nhau đã đủ để Herbert xác định Marilyn chính là một nửa của đời mình. Không một chút chần chừ, chàng trai quyết định cầu hôn: “Em có bằng lòng để anh trở thành chồng của em không?” và nhận được cái gật đầu hạnh phúc từ người con gái mình yêu.
Nhưng ngày trọng đại của cụ bà Marilyn suýt đã không thể diễn ra vì chú rể đến nhà thờ… trễ gần một tiếng. Lúc bấy giờ, nếu không có sự thuyết phục của cặp đôi, thì có lẽ cha sứ đã từ chối thực hiện nghi lễ. Và mỗi khi nhắc lại sự cố cũ, cụ bà vẫn phì cười nói: “Ông ấy là vậy đó, luôn luôn đi trễ”.
Cuộc sống hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ khi đó phải trải qua nhiều năm sống xa nhau và đầy bất an vì khói lửa chiến tranh. Cụ bà Marilyn đã sang Đức 6 năm để được sát cánh cùng chồng, khi cụ ông Herbert phục vụ quân đội Mỹ trong Thế chiến thứ hai. Ngoài ra, trong 22 năm tại ngũ, cụ ông cũng là binh sĩ tham chiến ở Hàn Quốc, Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, cụ ông Herbert trở thành nhân viên bảo vệ trong những năm cuối đời và làm việc cùng vợ mình tại một nhà trẻ.
Khi được hỏi rằng bí quyết nào để nuôi dưỡng tình cảm vợ chồng bền vững từng ấy thập kỷ, cụ bà vui vẻ bật mí: “Ông ấy luôn yêu thương, kiên nhẫn và khiến cuộc đời tôi ngập tràn tiếng cười. Và chúng tôi gần như luôn đan tay vào nhau mỗi khi có thể. Ông ấy từng có thời gian đi lính và vì vậy phải xa nhà rất lâu. Vậy nên mỗi lần ông ấy về thăm nhà, chúng tôi luôn nắm tay nhau không rời”. “Và hãy luôn thể hiện tình cảm với người mình yêu” – cụ ông thêm vào. Có một điều quan trọng mà hai vợ chồng cụ ông không quên nhắn nhủ đó là: “Hãy luôn bên cạnh đối phương và sẵn sàng làm chỗ dựa cho họ trong những thời điểm khó khăn nhất”. Và cho đến ngày cuối đời, không chỉ là cái nắm tay mà họ vẫn thường xuyên trao cho nhau những nụ hôn đầy trân trọng.
Trong ngày tang lễ, những người con của vợ chồng cụ ông cho biết tình yêu sâu sắc của hai ông bà đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho họ trong suốt cuộc đời: “Thật tuyệt vời và hạnh phúc khi thấy ba mẹ yêu thương, trân trọng nhau trong suốt 71 năm qua và giờ họ lại cùng gặp nhau ở thiên đường. Tình yêu của ba mẹ mới thật kỳ diệu làm sao…”. Cụ ông đã qua đời vào lúc 2 giờ 20 phút sáng và cụ bà cũng trút hơi thở cuối cùng vào đúng 2 giờ 20 phút chiều cùng ngày. Trong suốt cuộc hôn nhân hạnh phúc của mình, hai ông bà đã có với nhau 6 người con, 16 đứa cháu, 25 đứa chắt và 3 đứa chút.
Dù cụ ông và cụ bà đã giã biệt cõi đời nhưng chuyện tình đáng ngưỡng mộ của họ sẽ sống mãi trong lòng con cháu của hai cụ. Và vì thế câu chuyện này sẽ còn được nhiều người biết đến và những thông điệp tích cực, giàu cảm xúc về cách chúng ta nên nỗ lực yêu thương một người ra sao sẽ được lan tỏa. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên ngừng hoài nghi “mãi mãi là bao xa”, mà hãy dũng cảm sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, cố gắng vì nhau và hết lòng yêu thương đối phương. Vì chỉ có hai tấm lòng chân thành luôn hướng về nhau, không đo đếm thiệt hơn mới là điều giữ hai người yêu nhau mỉm cười đến ngày cuối của cuộc đời.