Với tâm lý ưa chuộng những món đồ nhanh, gọn, tiện, tôi hay sử dụng những miếng mặt nạ giấy đóng gói để thư giãn và chăm sóc cho da sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Thế nhưng, sau một thời gian dài sử dụng các sản phẩm mặt nạ có sẵn, tôi nhận ra chúng có quá nhiều cồn và hương liệu – đây đều là những hóa chất không có lợi, đẩy nhanh sự lão hóa và khiến da tôi ngày càng mẫn cảm. Chỉ cần một chút tác động nhỏ như thay đổi thói quen sinh hoạt, stress…da cũng dễ dàng bị nổi mụn, các vết thâm mụn cũng ở lại rất lâu cho dù tôi đã sử dụng đủ các loại thuốc, kem dưỡng làm mờ.
Cuối cùng, tôi phải tự mày mò vào các trang web, diễn đàn làm đẹp và tìm một loại mặt nạ đơn giản nhưng an toàn hơn, đó là cao bí đao.
(Ảnh: mynuong)
Trước khi sử dụng, không phải là tôi chưa từng nghe về công dụng làm đẹp của cao bí đao. Đây được xem là một “bài thuốc” dân gian phổ biến của người xưa có tác dụng làm trắng, tươi nhuận sắc da và đào thải các độc tố.
Thành phần chủ yếu của cao bí đao là bí đao, mật ong và rượu trắng nếp cái hoa vàng. Theo truyền thống, cao bí đao được chế biến dựa trên yếu tố “phi kim” tức là từ khâu cắt gọt, chưng cất và chứa đựng đều không được sử dụng các vật liệu bằng kim loại. Qua tìm hiểu, tôi biết nôm na rằng, việc cách li kim loại sẽ giúp cao phát huy công dụng, giữ được lâu ở điều kiện thường mà không cần đến chất bảo quản.
Tôi chọn mua cao bí đao của một thương hiệu làm mỹ phẩm handmade Việt Nam. Cao được đóng trong một lọ thủy tinh nhỏ, có nắp vặn và trên bao bì ghi rõ thành phần, cách sử dụng cũng như các thông tin cơ bản về ngày sản xuất, hạn dùng.
Theo nhưng những gì nhà sản xuất khuyên dùng thì nếu muốn điều trị vết thâm, nám tôi có thể sử dụng cao bí đao hàng ngày, bôi lên mặt khi da ẩm và để tối thiểu khoảng 30 phút trước khi rửa sạch mặt. Còn sau đó, khi thấy sự thay đổi rõ rệt thì có thể sử dụng cao như mặt nạ, duy trì đắp từ 2-3 lần/tuần.
Điều khiến tôi cảm thấy e ngại là đã có rất nhiều trường hợp trong khoảng một tuần đầu sử dụng, cao bí đao sẽ đẩy các nhân mụn chìm lên hết trên bề mặt da rồi sau đó mới làm lành các thương tổn, làm mờ vết thâm. Vì vậy, tôi quyết định dùng theo cách của riêng mình, coi cao như một loại mặt nạ, sử dụng xen kẽ từ 2-3 lần/tuần trong quá trình chăm sóc da và thời gian đắp không quá 20 phút.
Quả nhiên, tôi không hề gặp phải hiện tượng nổi mụn. Da có phần mịn và se hơn bình thường. Cảm giác mỗi khi bôi cao khá nóng cũng do cao được làm từ rượu và mật ong cũng là một trong những điểm khiến tôi chưa thực sự hài lòng. Vì vậy, trước khi bôi cao tôi thường để da ẩm, sử dụng một lượng rất ít và dàn mỏng khắp mặt. Bù lại với sức nóng, hương thơm ngọt ngào của mật ong khiến tôi thấy khá thư giãn.
Sau khoảng một tháng sử dụng, tôi nhận thấy lượng dầu trên da được điều tiết tốt hơn. Da tôi vốn là da hỗn hợp, lỗ chân lông to và thường đổ dầu khi gặp nhiệt độ cao. Sau khi đắp cao, hiện tượng đổ dầu có dấu hiệu giảm. Và điều vui hơn cả là trong suốt một tháng sử dụng, da mặt không hề nổi thêm bất cứ một cái mụn nào.
Bằng cảm nhận từ bên trong, tôi nghĩ da đã được nuôi dưỡng và tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, sự cầu toàn của tôi gần như vẫn chưa được đáp ứng khi những vết thâm chỉ mờ đi một chút chứ không thể biến mất hoàn toàn. Có lẽ, chỉ có thời gian và sự kiên nhẫn mới giúp tôi giải quyết được vấn đề này.
Hướng dẫn cách làm cao bí đao tại nhà
* Nguyên liệu:
– 500g bí đao bỏ vỏ và ruột
– 1,5 lít rượu
– 1 lít nước
– 0,5kg mật ong
* Chế biến:
Bí đao cắt miếng cho vào hỗn hợp rượu + nước. Đun vừa lửa chừng 6 tiếng cho đến khi nước trong nồi còn lại khoảng một bát ô tô thì đổ tất cả ra nghiền bằng muôi gỗ. Nghiền kỹ rồi lọc qua vải màn cho mịn. Đổ lại nồi và cho thêm mật ong vào đun chừng 3 tiếng cho hỗn hợp cô lại sền sệt là được.
Bảo quản cao trong tủ lạnh hoặc nhiệt độ thường. Cao có hạn sử dụng từ 3-6 tháng sau khi nấu.
Bài và ảnh: Mỹ Hà