#Cannes2025 – Thế hệ nữ đạo diễn phá vỡ thế độc tôn của nam giới

Trong gần 80 năm lịch sử, Liên hoan phim Cannes từng được xem là một “vũ đài” điện ảnh thuộc về nam giới. Dẫu đã có những bóng hồng xuất hiện và tỏa sáng, nhưng sự hiện diện của họ vẫn thường được nhắc đến như hiện tượng, thay vì một phần tất yếu. Tuy nhiên, Cannes 2025 đang mở ra một kỷ nguyên mới, nơi tiếng nói của nữ giới không đơn thuần là điểm nhấn mang tính biểu tượng, mà đang định hình nên bản chất của ngôn ngữ điện ảnh đương đại.

Sự trỗi dậy của phái nữ trong điện ảnh 

Câu hỏi về “bản lĩnh” của nữ đạo diễn trong việc cầm trịch những dự án lớn đã trở nên lỗi thời. Trong số 22 phim tranh cử Cành cọ vàng năm nay, có đến 7 tác phẩm do nữ đạo diễn thực hiện, chiếm tỷ lệ 33.3%. Đây là con số chưa từng có tiền lệ kể từ năm 2019, bởi vì tỷ lệ này thường dao động từ 18% đến 25%. Sự gia tăng này phản ánh sự thay đổi trong cách nhìn nhận và đánh giá vai trò của phụ nữ trong ngành công nghiệp điện ảnh. Tại các hạng mục “Un Certain Regard” hay “Directors’ Fortnight”, sự trỗi dậy của các nhà làm phim nữ càng thêm ấn tượng, vượt xa những con số thống kê đơn thuần để khẳng định chất lượng và cá tính điện ảnh độc đáo, cho thấy một sự chuyển biến sâu sắc trong cách nhìn nhận và đánh giá tài năng.

Juliette Binoche đảm nhận vị trí Chủ tịch Ban giám khảo cho mùa giải năm nay.

Những tác phẩm như “Alpha” (Julia Ducournau), “Jeune mères” (anh em Dardenne giao toàn quyền cho nữ biên kịch Marie-Hélène Dozo dựng phim), hay “Homebound” (Neeraj Ghaywan – với dàn nữ diễn viên và nhân vật trung tâm là phụ nữ) đã chứng minh rằng góc nhìn nữ giới không gói gọn ở một sự lựa chọn mang tính bổ sung, mà chúng đã trở thành ngôn ngữ điện ảnh thiết yếu, mang đến những lăng kính mới mẻ và sâu sắc cho nghệ thuật thứ bảy.

Cannes 2025 đang mở rộng sân chơi giúp thế hệ nữ đạo diễn khai phá được giới hạn bản thân và ngày càng phát triển.

Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, những nỗ lực bền bỉ của các phong trào nữ quyền và sự kêu gọi bình đẳng giới trong ngành công nghiệp điện ảnh đã dần mang lại những tác động tích cực. Các quỹ hỗ trợ, chương trình đào tạo và mạng lưới kết nối dành cho nữ giới ngày càng được chú trọng, tạo điều kiện cho họ phát triển sự nghiệp và hiện thực hóa những dự án điện ảnh cá nhân. Thứ hai, bản thân các nhà làm phim nữ đang ngày càng tự tin thể hiện tiếng nói riêng, khai thác những chủ đề đa dạng và phức tạp, mang đậm dấu ấn cá nhân. Họ không còn bị bó buộc trong những khuôn mẫu hay kỳ vọng truyền thống, thay vào đó mạnh dạn thử nghiệm các hình thức kể chuyện mới, đem đến những góc nhìn độc đáo về thế giới và con người.

Các nhà làm phim nữ đang ngày càng tự tin thể hiện tiếng nói riêng, khai thác những chủ đề đa dạng và phức tạp, mang đậm dấu ấn cá nhân.

Cuối cùng, sự cởi mở và đón nhận của các liên hoan phim như Cannes, thể hiện qua việc tăng cường sự hiện diện của các tác phẩm do nữ đạo diễn thực hiện trong các hạng mục quan trọng, đã góp phần khẳng định giá trị và sức ảnh hưởng của điện ảnh nữ trên toàn cầu đã cho thấy sự ghi nhận về số lượng, cũng như đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật và tiềm năng khai phá những chân trời mới cho ngôn ngữ điện ảnh.

Cannes 2025 không còn là “vũ đài” điện ảnh của nam giới, giờ đây sàn đấu này nhấn mạnh về bình đẳng giới.

Dễ dàng nhận thấy, Liên hoan phim Cannes không thay đổi khẩu hiệu, không thông cáo rầm rộ về việc ủng hộ đạo diễn nữ. Nhưng bằng việc chọn lựa những bộ phim thực sự tốt, kể cả khi chúng đến từ những tiếng nói từng bị xem là bên lề, Cannes đang góp phần vào một sự dịch chuyển sâu sắc hơn: điện ảnh không còn là lãnh địa của một giới tính. Nó là không gian cho những câu chuyện thật sự cần được kể.

Từ “hiện tượng” đến hiện diện

Cannes 2025 chứng kiến một sự chuyển dịch đáng chú ý trong cách nhìn nhận về điện ảnh nữ. Thay vì câu hỏi quen thuộc là: “Có bao nhiêu nữ đạo diễn tranh giải?”, mối quan tâm giờ đây sâu sắc hơn: “Điện ảnh nữ đương đại đang kể những câu chuyện gì và bằng ngôn ngữ điện ảnh nào?”. Đáng nói, sự góp mặt của Kristen Stewart, Payal Kapadia, Coralie Fargeat, Jessica Hausner hay Andrea Arnold trong danh sách tranh Cành cọ vàng không còn là dấu mốc chính trị về sự đa dạng giới.  Nó đã mở ra một chương mới phức tạp và đa tầng ý nghĩa: những nhà làm phim nữ ngày nay không còn gánh vác vai trò đại diện cho bất kỳ ai, thậm chí cả chính mình. Họ chọn sự hiện diện như một bản thể độc lập, không hoàn hảo và không cần đến những lời giải thích.

Sự góp mặt của Kristen Stewart, Payal Kapadia, Coralie Fargeat, Jessica Hausner hay Andrea Arnold trong danh sách tranh Cành cọ vàng mở ra một chương mới phức tạp và đa tầng ý nghĩa.

Qua nhiều thập kỷ, các nữ đạo diễn thường bị trói buộc vào sợi dây vô hình: chống lại định kiến, làm phim về nữ quyền để “đáp trả”, hoặc dựng tác phẩm như một hình thức phê phán thế giới nam trị. Tuy nhiên, làn sóng các nhà làm phim nữ tại Cannes năm nay đang dần thoát khỏi logic này. Vì nhiều nữ đạo diễn chuyển hướng làm phim như hành vi kiến tạo không gian cá nhân, một hình thức viết tiếp tiếng nói riêng không cần đối chiếu với khuôn mẫu giới tính nam.

Các bộ phim của nữ đạo diễn chọn đi vào những khía cạnh phi kịch tính nhất: hậu ly hôn, mâu thuẫn nội tại, các vùng xám tâm lý, thậm chí hành trình tìm lại bản ngã, cho phép nhân vật yếu đuối – do dự – mâu thuẫn. Chính điều đó khiến câu chuyện trở nên sống động hơn.

Khác với cái nhìn nam tính tập trung vào khát vọng chinh phục, định danh và quyền lực, cách nữ đạo diễn kể chuyện thường thiên về cảm giác, bản năng, sự thấu hiểu và nhiều tầng xúc cảm. Họ cho phép nhân vật yếu đuối, do dự, mâu thuẫn, và chính điều đó khiến câu chuyện trở nên sống động hơn. Các bộ phim của nữ đạo diễn chọn đi vào những khía cạnh phi kịch tính nhất: hậu ly hôn, mâu thuẫn nội tại, các vùng xám tâm lý, thậm chí hành trình tìm lại bản ngã. Trong tác phẩm “All We Imagine as Light”, đạo diễn người Ấn Độ Payal Kapadia nhẹ nhàng dẫn dắt khán giả vào cuộc sống của hai nữ y tá giữa lòng đô thị náo nhiệt. Không kịch tính, chẳng thông điệp đao to búa lớn, bộ phim chỉ đơn thuần khắc họa dòng chảy đời thường với những cảm xúc nén chặt, tựa như cuộc sống của bao phụ nữ nơi phố thị châu Á. Kapadia không “nhào nặn” họ thành biểu tượng đấu tranh hay những cá nhân phi thường. Họ hiện hữu, yêu thương, gánh chịu, và có những khoảnh khắc chìm trong lặng im.

Dưới lăng kính của Payal Kapadi, “All We Imagine as Light” tô vẽ người phụ nữ thành biểu tượng đấu tranh hay những cá nhân phi thường. Họ hiện hữu, yêu thương, gánh chịu, và có những khoảnh khắc chìm trong lặng im.

Nữ đạo diễn chia sẻ: “Tôi không cho rằng phụ nữ cần phải mạnh mẽ hay mang tính biểu tượng mới xứng đáng được kể câu chuyện. Tôi chỉ muốn tái hiện sự tồn tại, đôi khi nhạt nhòa, đôi khi lại dữ dội đến mức không ai thấu hiểu”. Dù nhân vật trung tâm đều là nữ giới, Kapadia kiên quyết không gắn nhãn “nữ quyền” cho điện ảnh của mình. Với cô, được sống và thể hiện theo cách riêng, không cần bất kỳ sự hợp lý hóa nào, đó chính là cách thể hiện nữ tính hiện đại nhất.

video
play-rounded-fill

Xuất hiện tại Cành vọ vàng năm nay, Scarlett Johansson và Kristen Stewart là hai cái tên nhận nhiều sự quan tâm từ người yêu điện ảnh và giới phê bình phim. Không còn đứng trước máy quay ở vai trò “nàng thơ” hay “nữ chính phòng vé”, hai nữ nghệ sĩ lần đầu tiên xuất hiện tại “Un Certain Regard” với vị trí đạo diễn. Góp mặt tại mùa giải này, Scarlett Johansson ra mắt bộ phim đầu tay “Eleanor the Great”, xoay quanh một phụ nữ 90 tuổi rời bỏ cuộc sống cũ để bắt đầu lại tại New York. Với cốt truyện dung dị và thấm đẫm tính nhân văn, cô đã ghi dấu ấn tại hạng mục “Un Certain Regard”. Đồng thời, “Eleanor the Great” chinh phục giới phê bình bởi sự chân thành và lối kể chuyện tiết chế, phản ánh đúng tinh thần khám phá lại chính mình qua lăng kính của người khác. “Tôi không muốn kể chuyện về người phụ nữ mạnh mẽ theo kiểu cliché”, Scarlett chia sẻ. “Tôi muốn kể về một người phụ nữ không biết mình muốn gì. Và tôi thấy điều đó… cũng rất thật”.

Cởi bỏ hình tượng “nữ chính phòng vé”, Scarlett Johansson ra mắt bộ phim đầu tay “Eleanor the Great”, xoay quanh một phụ nữ 90 tuổi rời bỏ cuộc sống cũ để bắt đầu lại tại New York.
video
play-rounded-fill

Ngược lại, Kristen Stewart chọn hướng đi thể nghiệm với “The Chronology of Water,” chuyển thể từ hồi ký của Lidia Yuknavitch – một hành trình về danh tính, tình dục và tổn thương thời thơ ấu. Phim không có cấu trúc tuyến tính rõ ràng, tập trung lột tả nội giới hỗn loạn, làm thành điện ảnh bằng chính nhịp đập của nỗi cô độc, thay vì nhịp trống của kháng cự. “Tôi không muốn lên tiếng chống lại đàn ông. Tôi muốn nói chuyện với cô gái trong tôi, người mà tôi từng bỏ rơi đã từ rất lâu”, nhà làm phim 9X bộc bạch. Stewart không cố chứng minh mình đủ bản lĩnh như đàn ông. Cô làm phim bằng trực giác, cơ thể và ký ức. Dường như sự lựa chọn này không phải là sự vắng lặng. Đó là một khúc ca riêng, ngân lên không cần nốt trầm đối vị. Ở đó, người phụ nữ hiện hữu bằng chính nhịp đập trái tim mình, không cần so sánh, chẳng cần đối chiếu, tự mình vẽ nên thế giới cảm xúc độc đáo.

Kristen Stewart chọn hướng đi thể nghiệm với “The Chronology of Water,” chuyển thể từ hồi ký của Lidia Yuknavitch – một hành trình về danh tính, tình dục và tổn thương thời thơ ấu. Đây là một trong những bộ phim được kỳ vọng làm nên chuyện tại Cannes 2025.
video
play-rounded-fill

Bên cạnh Johansson và Stewart, sự trở lại của Julia Ducournau – chủ nhân Cành cọ vàng 2021 với “Titane” – càng chứng minh rằng nữ đạo diễn không còn là “ẩn số”, mà là lực lượng sáng tạo mạnh mẽ. Tác phẩm mới “Alpha” của cô tiếp tục dấn sâu vào vùng đất bản năng, ranh giới sự sống và hoang dại, giữa giới tính và giống loài. Với Ducournau, cơ thể con người là nơi xung đột giữa dục tính, ký ức và bạo lực. Và cô dùng điện ảnh để phơi bày điều đó chân thật và không sợ hãi. Hơn hết, “Alpha” không phải câu chuyện về phụ nữ, mà là phim nhìn từ cảm quan nữ giới. Điều đó đã đủ để định nghĩa lại cách chúng ta hiểu về tầm nhìn phái nữ trong điện ảnh đương đại.

Chủ nhân Cành cọ vàng 2021 – Julia Ducournau mang đến Cannes 2025 với tác phẩm “Alpha”. Lần trở lại này, cô tiếp tục dấn sâu vào vùng đất bản năng, ranh giới sự sống và hoang dại, giữa giới tính và giống loài. 

Một điểm sáng đáng chú ý là thế hệ đạo diễn hiện tại – từ Jessica Hausner đến Andrea Arnold – đã vượt ra khỏi mọi “hình mẫu nhân vật nữ” đóng khung. Thế giới nhân vật của họ đa dạng đến bất ngờ: có người đáng mến, kẻ gây khó chịu, có những tính cách đầy mâu thuẫn, thậm chí cả những tâm hồn dường như chai sạn. Nhưng tựu trung, tất cả đều xuất hiện như những cá thể chưa được định hình hoàn toàn, song cũng không có nhu cầu phải được thấu hiểu một cách trọn vẹn. Việc các nhân vật không còn bị gán cho bất kỳ sứ mệnh đạo đức hay vai trò đại diện xã hội nào đã khiến những tác phẩm này trở nên khó đánh giá bằng thước đo cũ. Chính điều đó đã vô hình trung lại giải phóng bản thể ra những khuôn mẫu cứng nhắc mà sự “tiến bộ” trước đây vô tình tạo ra.

Cannes 2025 đã cho thấy một cuộc đua kịch tính và không khoan nhượng giữa tác phẩm đậm tính nghệ thuật lẫn các màn chào sân của những thế hệ làm phim tài năng.

Điện ảnh nữ tại Cannes 2025 không mang tính phong trào và chẳng phải một lời tuyên ngôn. Đây là một sự chuyển động sâu sắc trong ngôn ngữ điện ảnh, một sự phân rã bản sắc của cấu trúc truyện và những cung bậc cảm xúc. Bởi lẽ, phụ nữ không còn cần “đại diện” để được nhìn nhận. Họ chỉ đơn giản cần được tự do sống là chính mình – một bản thể thô mộc, không hoàn hảo, không dễ chịu, nhưng chân thực đến tận cùng.


From the same category