Liên hoan phim lớn nhất hành tinh Cannes lần thứ 77 đã chính thức khép lại sau 8 ngày tổ chức. Những bộ phim xuất sắc được vinh dự xướng tên, nhiều ngôi sao nổi tiếng trong giới điện ảnh với trang phục rực rỡ trên thảm đỏ danh giá là những dấu ấn quen thuộc gắn liền với Cannes mỗi năm. Nhưng không chỉ có vậy, Cannes 2024 còn đóng góp tiếng nói về những vấn đề nhức nhối trong nền công nghiệp điện ảnh.
Liên hoan phim danh giá năm nay diễn ra trong bối cảnh ngành điện ảnh Pháp đang sôi sục về phong trào #metoo. Trước thềm Cannes, báo chí Pháp đưa tin về danh sách tố cáo 10 đạo diễn, diễn viên và các nhà sản xuất hàng đầu của nước này về tội danh quấy rối. Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng thông báo sẽ mở rộng các cuộc điều tra về bạo lực tình dục và giới tính trong lĩnh vực văn hóa – giải trí.
Vốn dĩ các năm trước, LHP Cannes đã không ít lần vướng phải ồn ào liên quan đến vấn nạn này. Từ những sự kiện bên lề như góc khuất “buôn phấn bán hương” trên những du thuyền xa hoa đến việc vinh danh nhiều tên tuổi nổi tiếng trong giới điện ảnh nhưng dính cáo buộc lạm dụng, quấy rối như Polanski hay Gerard Depardieu.
Năm nay, ban tổ chức Cannes đã cam kết đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh chống lại vấn nạn trên trong khuôn khổ diễn ra sự kiện. Trong buổi lễ khai mạc, Greta Gerwig, chủ tịch ban giám khảo năm nay, thẳng thắn lên tiếng: “Những ồn ào này đang đưa mọi thứ đi đúng hướng. Hãy tiếp tục duy trì những tranh luận đó một cách cởi mở”.
Giải thưởng danh giá nhất Cành cọ vàng (Palme d’Or) của Cannes năm nay gọi tên “Anora” của đạo diễn Sean Baker. Bộ phim kể về chuyện tình giữa hai con người tưởng chừng không thể có mối quan hệ nghiêm túc, một vũ nữ thoát y và con trai của tỷ phú người Nga. Với nhiều cảnh quay nóng bỏng, đạo diễn muốn thông qua tác phẩm, xóa bỏ kỳ thị của xã hội về những người làm việc trong ngành lao động tình dục.
Bên cạnh “Anora”, một số tác phẩm được xướng tên khác cũng có những yếu tố gây bất ngờ. Điển hình là tác phẩm đoạt giải Kịch bản xuất sắc “The Substance”, thuộc thể loại kinh dị thể xác (body horror), với phân cảnh rùng rợn như nội tạng rơi khỏi cơ thể. “Kinds of Kindness”, bộ phim giúp Jesse Plemons đoạt giải Nam chính xuất sắc nhất, cũng lấy chủ đề về giáo phái và tục ăn thịt người.
Ngoài ra, LHP năm nay cũng tôn vinh, bảo vệ những người yếu thế. “All We Imagine As Light”, bộ phim đoạt Giải thưởng lớn (“Grand Prix”), kể về cuộc đấu tranh giành hạnh phúc, tự do của 3 nữ y tá ở Ấn Độ. Hay bộ phim ngắn “Moi Ausisi” (tiếng Anh: “Me too”) công chiếu trong hạng mục “Un Certain Regard” đã gây cú nổ lớn khi tập hợp lời kể của khoảng 1.000 nạn nhân bị lạm dụng.
Trong số 9 giám khảo của LHP năm nay, có tới 5 người là phụ nữ, gồm: Ebru Ceylan, Nadine Labaki, Greta Gerwig, Eva Green và Lily Gladstone. Trong đó, Greta Gerwig, nữ đạo diễn của bộ phim đình đám “Barbie” (2023), giữ vị trí chủ tịch ban giám khảo Cannes được coi là bước đi mang tính biểu tượng trong việc tôn vinh nữ giới trong ngành điện ảnh.
Bên cạnh đó, giải Nữ chính xuất sắc nhất của LHP năm nay đặc biệt ở điểm không chỉ trao cho cá nhân, mà dành cho dàn diễn viên của bộ phim “Emilia Pérez” gồm: Adriana Paz, Zoe Saldaña, Karla Sofía Gascón và Selena Gomez.
Tận dụng sức ảnh hưởng của Cannes và danh tiếng của bản thân, Cate Blanchett và Bella Hadid đã thể hiện quan điểm cá nhân một cách khéo léo thông qua thời trang. Nữ diễn viên Cate Blanchett diện chiếc đầm dạ hội trễ vai cut-out, với ba màu đen, trắng và xanh lá cây được phối một cách hài hòa. Trang phục tinh tế kết hợp với tấm thảm đỏ rực rỡ dưới chân như ngầm thể hiện quan điểm của cô đối với tình hình thời sự hiện tại ở Israel và Palestine.
Ở chiều ngược lại, Bella Hadid không trực tiếp thể hiện quan điểm của mình trên thảm đỏ. Sau 2 năm vắng bóng, nữ siêu mẫu ngay lập tức “chiếm spotlight” tại Cannes với bộ đầm xuyên thấu, khoe trọn đường cong cơ thể. Tuy nhiên, trong hoạt động bên lề của LHP, Bella Hadid thu hút ống kính truyền thông khi diện chiếc váy lấy cảm hứng từ khăn Keffiyeh, đặc trưng của văn hóa Palestine.