Tất cả chúng ta đều biết câu chuyện Rùa và Thỏ, biết về cuộc bại trận của chú Thỏ chạy nhanh như tên bắn trước chú Rùa ì ạch. Ở đó, cô giáo rút ra cho bao nhiêu thế hệ học trò bài học về sự mưu trí của Rùa và chê cười chú Thỏ ngạo mạn, (trong khi đúng ra, kẻ đáng chê cười, đáng “nghỉ chơi” phải là con Rùa chạy chậm ăn gian, dùng mưu mô bất hợp pháp để thắng đối thủ và kẻ đáng thương phải là chú Thỏ có thực lực nhưng khờ khạo, tin vào một cuộc tỉ thí fair-play chứ nhỉ?).
Trong thế giới công sở hiện đại, hầu như mỗi ngày, mỗi nơi đều ngấm ngầm diễn ra những cuộc chạy đua, từ nhẹ nhàng đến khốc liệt, từ giấu mặt đến “hiện nguyên hình” kiểu Rùa-Thỏ như vậy. Và kết cục cũng thường rất chi… cổ điển, nghĩa là Rùa thắng Thỏ thua!
Như cuộc chiến thầm lặng
Những nấc thang danh vọng cao nhất cũng giống như những mỏm núi cao nhất vậy, ở đó chỉ có đại bàng và loài bò sát mới lên đến được.
Và cũng chật hẹp như mỏm đá, mỗi chiếc ghế ở cơ quan chỉ đủ cho một người ngồi. Thế là đại bàng vỗ cánh và loài bò sát bám chặt vào những gì chúng bám được, bắt đầu cuộc đua. Trong cuộc đua này, đôi khi những tiểu xảo được “tung chiêu”…
Tin H.B nghỉ việc, chuyển sang làm việc cho một công ty Media quy mô nhỏ làm cả cơ quan bất ngờ, ngay cả bạn bè của cô cũng hoang mang không hiểu vì sao.
Cơ quan nơi H.B mới rời bỏ là một công ty lớn vào loại nhất nhì nước trong lĩnh vực hoạt động của nó. H.B làm việc ở đây từ khi mới ra trường và cô đã khẳng định được năng lực của mình chỉ sau hai năm làm việc. Cô được Ban giám đốc chấm để đào tạo cán bộ nguồn. Chính cơ quan giúp cô săn lùng được một suất học bổng du học ở Anh một năm rưỡi và trong thời gian này vẫn trả lương cho cô. H.B lên đường du học, với một chức vụ đã được biết trước khi mình hoàn thành khóa học trở về, một chiếc ghế trước giờ thường chỉ dành cho những vị từ bốn mươi lăm tuổi trở lên.
Từ Anh trở về với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, cô về lại cơ quan mình và được bố trí một vị trí tạm thời, chờ sắp xếp lại nhân sự. Vị trí được hứa trước đây của cô đã được Tổng giám đốc bố trí một quyền giám đốc thay vào.
Có điều là vị quyền giám đốc này, một người đàn ông hơn H.B chỉ 3 tuổi nhưng già dặn và thạo về đối nhân xử thế hơn H.B nhiều lần, lại không muốn rời bỏ chiếc ghế mà mình đã “quen hơi bén tiếng”. Thậm chí, anh ta còn muốn gạt luôn chữ “quyền” phiền phức sang một bên, chỉ để lấy hai chữ “giám đốc” gọn gàng đẹp đẽ.
Thế là anh ta biến thời gian bàn giao công việc thành thời gian của một cuộc cách mạng lật đổ, bền bỉ, say mê, hàng ngày, hàng giờ, với mỗi cuộc tiếp xúc, với những câu chuyện phiếm tưởng như vô tình. Cô H.B trẻ trung, duy lý, luôn đặt hiệu quả công việc lên trên hết và quá nhạy cảm mỗi ngày khóc độ vài lần với những tin đồn nhắm vào mình.
Đòn dứt điểm là cái tin lan truyền trong cả công ty: H.B được tổng giám đốc đỡ đầu vì trước cả khi bước chân vào đây, cô đã là “bồ nhí” của ông. Không ai biết cái tin ấy từ đâu ra, nhưng ai cũng nhiệt tình bàn tán một cách bí mật và… sung sướng. Vấn đề năng lực của cô gái chưa tròn ba mươi tuổi đã bước một chân vào Ban giám đốc được nhìn lại và một số người kết luận “Công nhận là H.B rất giỏi, về nhiều lĩnh vực, trong đó nổi trội nhất là kỹ thuật phòng the” (!?)
Đúng một tháng rưỡi kể từ khi trở lại công ty làm việc, cô xin nghỉ, và ba hôm sau đi làm ở một công ty Media bé tẹo như đã nói ở trên.
Trong tối cà phê với nhóm bạn thân, H.B mới cười cay đắng kể lại câu chuyện ấy. “Sao không ở lại đó, lật mặt loài bò sát hôi hám đó ra, đòi lại những gì là của mình!?” một cô bạn gào lên. Để trả lời, H.B đọc một câu danh ngôn quen thuộc: “Trong cuộc chiến của loài người chống lại loài chuột, thì điều lo ngại nhất là nếu có thắng chuột, chúng ta cũng sẽ có mùi chuột và suy nghĩ giống như chuột”.
Rùa thắng, thỏ thua và ai mất mát
Câu chuyện của H.B khá li kỳ nhưng là tiêu biểu cho những kiểu chơi xấu đội lốt cạnh tranh trong công sở. “Thỏ” đã thua trong cuộc chiến này, vì Thỏ đã không làm gì để chống lại “Rùa” và lật mặt Rùa. Kiểu phản ứng của H.B trong tình huống này, theo thăm dò 72.000 nam độc giả của tạp chí Askmen.com, được đến 52% lựa chọn với hy vọng “trời cao có mắt”!
H.B ra đi, vì sợ nhiễm mùi chuột, và vì tin vào năng lực của bản thân, cô luôn bảo “Thế giới này đủ chỗ cho tất cả chúng ta, việc gì phải giẫm gót giày lên chân nhau”. H.B có lý và kẻ thiệt thòi nhất trong vụ này rõ ràng là công ty nơi đã xảy ra cuộc lật đổ ngấm ngầm nọ. Không kể số tiền họ đầu tư cho H.B đi học, thì mất mát lớn nhất chính là biếu không cho nơi khác một người trẻ, có năng lực và đặc biệt rất chính trực, luôn đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu và làm hết mình cho nó. Thiệt thòi hơn, một anh chàng có lương tâm đen và bàn tay bẩn như anh chàng “quyền giám đốc” nọ lại còn lại với họ, đang leo lên một vị trí cao hơn và rất có thể, đây không phải là vụ chơi xấu cuối cùng của anh ta trong công ty!
Nhiều cơ quan, công sở, chính vì có những “bàn tay lông lá” này tung hoành mà nhân sự xáo trộn liên miên, không sao ổn định được tổ chức. Và như thế thì cũng không mong gì phát triển. Đây là điều đang diễn ra ở một cơ quan phân phối sản phẩm S. ở TP.HCM. Ba năm nay, cơ quan người nộp đơn vào, kẻ nộp đơn ra có thể tính bằng tuần. Mất người giỏi, người chấp nhận ở lại thì làm việc trong tâm trạng bị đè nén và dè chừng, sức cạnh tranh của công ty liên tục giảm. Nhưng khốn nỗi “bàn tay đen” lại quá mạnh về quan hệ, thế là những người đã đi lẫn còn ở lại chỉ biết khấn Trời khấn Phật, mong chờ sự xuất hiện của một nhân vật cực kỳ giỏi, có trình độ, có tâm và cũng đầy… tính chiến đấu, ít nhất là ngang bằng với “bàn tay đen” kia, để “trả lại bầu trời xanh” cho họ! (Rõ ràng người Việt chúng ta, đặc biệt là người tốt, rất giàu khả năng mơ mộng. Chỉ có việc hợp sức lại, viết đơn phản ảnh lên cấp cao hơn để họ có biện pháp thì lại không ai chịu tiến hành).
"Siêu sao chơi xấu" gặp nhà quản trị cao tay
Chơi xấu chính là biểu hiện của tính cạnh tranh, nhưng là biểu hiện mặt trái của nó.
Trong quản trị, nhất là quản trị theo thuật trị người, dùng người của Trung Quốc mà người Việt vốn hay nghiên cứu, rất nổi tiếng nguyên tắc “Tay trắng, tay đen đều dùng cả”. Bởi vậy, trừ một số sếp đôi khi vì vô tâm, quá nhiều việc hoặc quan liêu, xa rời quần chúng, còn thì trong công ty, nhất là ở cấp quản lý, ai là “tay đen” họ biết cả. Nhưng vẫn dùng, dùng vào những việc chỉ có “tay đen” mới làm được.
Ở một công ty quảng cáo với quy mô khoảng hai trăm nhân viên, ông sếp là người Pháp, nổi tiếng văn minh, lịch lãm, nhã nhặn, từ với cấp phó cho đến bà lao công. Ông rất được lòng nhân viên. Chỉ có một điều người ta hay thắc mắc là tại sao ông tuyệt vời đến thế mà lại dùng một “con mẹ trưởng phòng” gớm ghiếc như vậy.
Cô trưởng phòng này như một thùng thuốc súng nén đầy những ghen tức, so bì và tham vọng quyền lực. Giữ ghế ở phòng phát triển khách hàng, nhưng không một phòng ban nào lọt khỏi cặp mắt giám sát của cô ta, không một ai được sếp yêu hay ghét mà cô ta không biết. Trong cô có tố chất của một kẻ làm “tay sai” bẩm sinh. Cô thường nghe ngóng, gợi chuyện và đưa ra những thông tin bất lợi cho người thứ ba trong câu chuyện với sếp một cách hết sức khéo léo. Trong ba năm cô ta làm việc, có ít nhất năm người đã “bay”, tự “bay” hoặc bị cho “bay” khỏi công ty vì sự “vận động bí mật” của cô.
Thôi thì dân tình căm hờn, ghét bỏ, chửi bới… sau lưng không tiếc lời (nhưng không ai dám đấu tranh trực diện vì “nó” hay kề cận sếp và thấy sếp hay… nghe lời “nó” quá).
Nhưng, đùng một cái, trước khi ông sếp hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, chuyển qua Philippines, ông cho cô ta… thôi việc, vì một lý do khá mông lung và mơ hồ.
Những bà nhân viên già sống lâu hiểu nhiều lúc này mới nhếch mép cười, về một cái kết cục mà họ biết trước. Theo mấy bà, ông sếp này “cà chớn”, dùng cô ta như dùng một cái ra đa thám thính và một con dao. Dùng cô ta, tai mắt ông như có mặt khắp nơi, dò xét không thiếu chỗ nào, muốn “xử” ai, ông chỉ việc im lặng để cho cô ta tùy nghi hành động. Thế là công việc vẫn được giải quyết mà ông thì vẫn luôn được tiếng là một ông sếp “dễ thương hết sức”. Khi đã “xử” hết những người cần xử, và cũng sợ mang tiếng với người kế nhiệm, thì đích thân ông xử luôn “bàn tay đen” đắc lực của mình.
Một kết thúc có hậu! (Xin nói thêm, nếu bạn quyết định làm bàn tay đen với ai đó thì hãy suy nghĩ kỹ. Đành rằng tay trắng tay đen sếp đều dùng cả, nhưng tay trắng sếp dùng lâu dài, tay đen chỉ dùng có giai đoạn, hoàn thành sứ mệnh thì sếp “xử”, kẻo gây độc hại môi trường công sở, và người thất thu là công ty).
Người không tham vọng và vô hại: an toàn
Quá nửa những người khi được hỏi đều chọn thái độ “ngậm đắng nuốt cay, hy vọng “trời cao có mắt”, chịu không nổi nữa thì lẳng lặng rời bỏ chỗ làm, đầu ngẩng cao như một người đầy lòng tự trọng (trong khi đó thì “tiểu nhân gặp thời, tiểu nhân đắc ý, tiểu nhân cười hí hí”). Thế nhưng thái độ phản ứng này không được các sếp tán đồng vì tiêu cực và quá mềm yếu.
“Đây là thời buổi cạnh tranh khốc liệt, giữa công ty này và công ty khác, giữa cá nhân này và cá nhân khác, mà giữa cạnh tranh và chơi xấu khoảng cách chỉ là một sợi tóc, đặc biệt là giữa đồng nghiệp với nhau. Bạn càng có năng lực, con đường thăng tiến của bạn càng thuận lợi thì càng có nhiều đối thủ. Rất hiếm khi bạn tìm được một môi trường làm việc toàn những người ngay thẳng chính trực, không có lòng đố kỵ”. Đó là phát biểu của một nữ giám đốc tuổi bốn mươi, chưa gọi là thành công nhưng cũng có vài điều để kể về mình và công ty PR nhỏ của mình.
Theo lời chị kể lại, chị từng mất việc vì là nạn nhân của một kẻ chơi xấu. Công ty chị tổ chức cho khách hàng một event lớn, trong đó có cuộc hội thảo về dược phẩm rất quan trọng. Chị nhận nhiệm vụ lên danh sách khách mời và thảo thư mời. Đến hôm khai mạc hội thảo thì thiếu ngay vị khách VIP nhất. Ông ta xác định là không hề nhận được thư mời, bộ phận chuyển thư cũng bảo không hề có lá thư đó!
Chị biết ngay là mình đã bị chơi xấu, “kẻ đó” đã lén lấy và thủ tiêu bức thư vào một lúc chị sơ suất nào đó. Nhưng cũng chỉ nghi thế thôi, nên đành ngậm hột thị mà nhận cơn nóng giận lôi đình của ông sếp người Pháp hung hăng, thô lỗ và nóng nảy như một con bò tót. Ngay chiều hôm đó, chị nhận được phong bì tiền hỗ trợ tìm việc, thư giới thiệu và lời cảm ơn trân trọng “vì sự hợp tác của cô trong thời gian qua” từ sếp. Như thế có nghĩa là ra đường!
Chị cay đắng “Chỉ cần một động tác nhỏ có tính toán như thế thôi, là tôi bị đuổi việc, rất uất ức và bất công, nhưng chỉ biết khóc. Sau lần đó, sang cơ quan mới, tôi lại là đối tượng đố kỵ của vài người nữa, nhưng tôi đã “cứng” hơn và trụ vững hơn”. Bài học cụ thể từ người phụ nữ nhỏ bé và cứng cỏi này: nếu bạn không lật mặt được “tay đen” thì ít nhất, bạn cũng phải tự bảo vệ được mình, im lặng chịu đựng và tháo chạy chỉ có lợi cho “tay đen” mà thôi.
Người viết bài này, trong cuộc đời tám năm làm việc ở công sở của mình, may mắn là chưa “dính đòn” của “tay đen” nào, nhờ nghe theo lời dạy của bố. Ông bảo: “Trừ những lúc thật cần thiết, còn thì người giỏi thật sự nên giấu bớt mình. Tinh anh thường xuyên phát lộ vừa tổn tâm trí, vừa khơi dậy ở người khác lòng đố kỵ và ghen ghét, chỉ tổ là đích nhắm cho những trò tiểu nhân. Như vậy con cũng không sợ thiệt thòi, vì người chủ có con mắt xanh sẽ phân biệt được cái ngốc của người ngốc với cái ngốc của người… muốn trở nên ngốc.”
Đấy là kinh nghiệm riêng, hy vọng giúp ích được cho những bạn có cùng quan điểm với… bố tôi!/.
HỌ LÀM GÌ KHI BỊ CHƠI XẤU? Nếu bị chơi xấu trong công ty, bạn sẽ + 4% nói chuyện bằng chân tay với kẻ đã chơi xấu tôi. |