Cánh diều vẫn tiêu điều - Tạp chí Đẹp

Cánh diều vẫn tiêu điều

Review

“Thần tượng”, “Thuyền giấy” bội thu “Diều vàng”    

Lễ trao giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam vào tối 15/3/2014 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội vô tình trở thành nơi chia giải của hai phim ở hai hạng mục Điện ảnh và Truyền hình. Ở các hạng mục của “Phim hài và… các thể loại còn lại” thì “Thần tượng”, một tác phẩm điện ảnh hướng đến khán giả tuổi teen, giành chiến thắng áp đảo.

Ngoài đoạt giải quan trọng nhất – Cánh diều vàng thì “Thần tượng” còn chiếm tới 3 giải cá nhân là: Đạo diễn, Nam diễn viên phụ, Quay phim. Đây là kết quả vượt ngoài dự đoán từ đa số các ý kiến trước đó của báo chí và người trong nghề, cho dù phim này còn được giải của Báo chí – Phê bình.

Đoàn làm phim “Thần tượng” thắng lớn tại Cánh diều

Việc “Thần tượng” vượt qua “Những người viết huyền thoại” – quán quân của Bông sen vàng vừa qua – đã là điều “lạ”, phim này còn được BGK trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Nguyễn Quang Huy còn bất ngờ hơn. Mấy ai dám tin, giải của Hội nghề nghiệp lại thuộc về “tay ngang” Huy Wepro, dù bộ phim đầu tay này tương đối nuột!

Kết quả này chứng tỏ BGK Cánh diều đang muốn tạo sự bất ngờ, tìm đến sự trẻ trung hơn. Xét ở góc độ nào đó, điều này tốt trong cảnh ngộ giải thưởng này đang bị “lão hoá” sớm. Có điều, trong một năm mà điện ảnh Việt chỉ đa phần là “đũa mốc” (phim “thảm hoạ”) và “đũa cả” (vài phim tạm được) thì việc cố đôn “Thần tượng” lên làm “cột cờ” khác nào việc cực chẳng đã. Bởi thế, khép lại mùa này, đến mùa sau, hẳn giải Cánh diều vẫn sẽ khó có thể bay lên.

Một điều thú vị khác, khi giải thưởng thuộc về “Thần tượng”, điều đó có đồng nghĩa với sự thua cuộc thuộc về “Tèo Em”. Bộ phim của đạo diễn Charlie Nguyễn chỉ mang về một giải cá nhân duy nhất dành cho Thái Hoà. Ở hạng mục Nam diễn viên chính, anh Hù của “Quả tim máu” gần như không có đối thủ.

Còn nhớ, khi “Thần tượng” ra rạp thì “Tèo Em” cũng đồng thời xuất hiện, cả hai rơi vào thế cạnh tranh. Dẫu “Thần tượng” được báo chí, giới làm nghề dành nhiều thiện cảm hơn về nội dung và chất lượng chuyên môn thì phim này vẫn thua xa “Tèo Em” về mức độ ăn khách.

Doanh thu phòng chiếu của “Tèo Em” đã được công bố là không dưới 80 tỷ đồng, một kỷ lục lúc bấy giờ, trước khi có “Quả tim máu” (không tham gia giải Cánh diều). Còn “Thần tượng”, tuy con số doanh thu cụ thể được “giấu kín”, nhưng đạo diễn kiêm nhà sản xuất Nguyễn Quang Huy tiết lộ mức lãi khoảng 10% trên tổng chi phí. Phim có lãi đã là mừng, nhưng rõ ràng chiếc xe đời mới của “Thần tượng” đã tuột xa chiếc xe cà tàng của “Tèo Em” về tốc độ kiếm tiền. Chỉ đến giải Cánh diều, “xe cà tàng” mới bị… bỏ rơi.

Ở giải thưởng dành cho phim truyền hình, đoàn làm phim “Thuyền giấy” ra về toàn thắng. Liên tiếp những hạng mục quan trọng nhất đã thuộc về bộ phim của nhà sản xuất M&T Pictures, đó là: Cánh diều vàng cho phim, Đạo diễn, Nam và Nữ diễn viên chính.

Khoảnh khắc xúc động của Ngọc Lan khi nhận giải cho vai diễn trong “Thuyền giấy”

Xem ra, loạt “Diều vàng” dành cho “Thuyền giấy” là khá thuyết phục, đồng thuận, khác với tranh cãi có thể xảy ra với kết quả của phần giải thưởng dành cho phim điện ảnh. Ở “Thuyền giấy”, đạo diễn Nhâm Minh Hiền mang đến câu chuyện về cuộc sống của người dân nhập cư, trong đó có câu chuyện cảm động về nghị lực vượt qua nghịch cảnh bị chồng ruồng bỏ của cô gái trẻ Hương Thảo (Ngọc Lan đóng).

Làm phim như giải Cánh diều thì… “tiêu”!

Không được truyền hình trực tiếp như mọi năm, điều đó có nghĩa lễ trao giải Cánh diều, cũng là dịp kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam, đã thể hiện sự “mất giá” và đứng trước nguy cơ… đứt dây. Có mặt tại Lễ trao giải mới rõ, nếu chương trình này được truyền hình trực tiếp, thì chính nó là “thảm hoạ”.

Trong thời buổi kinh phí làm phim được tính toán từng đồng và thời gian cũng được coi như tiền bạc thì ở đây, lễ trao giải đã nhiều “sạn” lại còn dài. Tổng thời lượng hết 3 tiếng rưỡi, từ 20h20 đến 23h45 khiến nhiều người bỏ về. Nếu bây giờ có ai còn làm phim rườm rà, dông dài, tẻ nhạt như Giải Cánh diều thì có mà… sập tiệm.

Ngoài cách tổ chức, kịch bản và sự lê thê chưa được cải thiện thì Lễ trao giải còn có một số chuyện dễ gây “ngơ ngác” khác. Vì phải “cắn răng” đẩy “Những người viết huyền thoại” khởi vị trí cao nhất có thể đạt được nên phim này đã được thay thế bằng giải Đặc biệt của Hội Điện ảnh dành cho Phim truyện phản ánh xuất sắc đề tài chiến tranh cách mạng. Chợt nghĩ, ở điểm này, khi trao giải Oscar, liệu rằng Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Điện ảnh Hoa Kỳ có nên học tập Hội Điện ảnh Việt Nam?

Phần vinh danh và tưởng nhớ chưa trọn vẹn

Điểm “lạ” nữa là dẫu tìm ra được Cánh diều vàng và phim “Thần tượng” hứng một cơn mưa giải thưởng nhưng Ban tổ chức đã công bố: Không có giải cho kịch bản xuất sắc nhất! Nghe đồn, đáng lẽ giải vô cùng quan trọng này thuộc về kịch bản phim “Âm mưu giày gót nhọn”, nhưng vì có lời ra tiếng vào rằng kịch bản phim này “hao hao kịch bản Hollywood” nên cuối cùng giải bị rút lại. Có phải vậy chăng mà Kathy Uyên, đồng nhà sản xuất kiêm biên kịch phim này, cho dù đoạt Cánh diều vàng cho Nữ diễn viên chính vẫn “không thèm” đến nhận giải?

Có một giải nữa tự dưng lặn mất tăm là Giải của khán giả dành cho phim được yêu thích nhất. Bỗng dưng không thấy MC Phan Anh và Thuỳ Linh nhắc tới, dù các mùa giải trước đều có qua việc lấy phiếu bình chọn của khán giả sau các buổi chiếu miễn phí trong khuôn khổ sự kiện. Thực tế, việc bỏ giải này là hợp lẽ vì doanh thu bán vé nói lên tất cả, chỉ cần hỏi Tổng cục Thuế sẽ rõ! Nếu Hội còn muốn trao thì chắc khó thoát khỏi tay của “Tèo Em” và như thế là “huề cả làng”!

Điều còn đọng lại ở Cánh diều năm nay là phần vinh danh và tưởng nhớ cố đạo diễn Nguyễn Văn Khoa, đạo diễn của “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Chị Dậu”... Ngày Điện ảnh Việt Nam cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người đã để lại nhiều cống hiến cho nền điện ảnh cách mạng một thời và cũng là đạo diễn luôn hết lòng trăn trở, suy tư về thế hệ làm phim kế cận. Tuy nhiên, chỉ tiếc rằng đến cả phần này Ban tổ chức giải Cánh diều vẫn để lại “sạn” khi nhầm hình đạo diễn, NSND Nguyễn Văn Khoa thành hình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng!

Bài và ảnh: Danh Anh

>>> Có thể bạn quan tâm: Trên tổng thể, “Thần tượng” là một bộ phim “đủ”. Dàn diễn viên đẹp đủ, diễn xuất đủ coi, nhạc nghe đủ hay, kết thúc đủ hồng, tình tiết đủ hiểu nên nó dễ coi cho tất cả mọi người có nhu cầu coi phim thần tượng. Tuy nhiên, do chọn cách kết thúc làm hài lòng fan hâm mộ của các ca sĩ trên phim (thường là lứa tuổi mộng mơ) nên bộ phim bị rơi vào điểm trừ là… “sến”.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

16/03/2014, 11:42