Cảnh báo nguy cơ đuối nước ở trẻ nhỏ trong mùa hè nắng nóng


Hiện trường một vụ đuối nước khiến 9 học sinh thiệt mạng. (Ảnh minh họa: Vĩnh Trọng/Vietnam+)

Hiểm họa từ bãi tắm tự phát

Trong đợt nắng nóng đầu tiên của mùa Hè, không khí ngột ngạt khiến nhiều điểm bể bơi, khu vui chơi tắm nước ở Hà Nội đông nghịt người, nhất là vào dịp nghỉ cuối tuần. Bên cạnh đó, mỗi buổi chiều, hàng trăm người dân Thủ đô lại đến các bãi tắm tự phát ven sông, hồ: sông Hồng, hồ Tây, hồ Linh Đàm… bơi lội giải nhiệt. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về đuối nước, đặc biệt đối với trẻ em.
Đi qua khu vực hồ Tây tầm khoảng 17 giờ những ngày gần đây dễ dàng nhận thấy một phần diện tích hồ trở thành một bãi tắm tự phát, thu hút khá đông người dân đến tắm. Những người đến đây không phân biệt độ tuổi, thậm chí cả gia đình có con nhỏ cũng cho các bé đến tắm ở hồ. Không gian thoáng đãng, mát mẻ, mọi người tha hồ được bơi lội, không phải chen chúc nhau như ở các bể bơi công cộng, và không mất một khoản phí nào nên lượng người đổ về đây rất đông. Mặc dù ngay ở trên bờ hồ là tấm biển cảnh báo, khu vực nguy hiểm, cấm bơi, tắm, giặt tại đây nhưng mọi người đều phớt lờ.
Mang theo hai con đến hồ Tây bơi lội, chị Nguyễn Thị Thanh (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Mùa Hè nắng nóng vài tháng liền, đến bể bơi hằng ngày thì tốn nhiều chi phí, gia đình tôi chưa đủ điều kiện đáp ứng. Hơn nữa, bể bơi nhỏ mà có đến hàng trăm người cùng xuống tắm, phải chen chúc nhau thì rất mệt mỏi. Vì thế, vào buổi chiều tối vợ chồng tôi thường đưa con đến đây để các cháu nghịch nước vừa mát mẻ vừa vui, tất nhiên vẫn phải có sự quản lý của bố mẹ để các cháu được an toàn.”
Anh Nguyễn Văn Kiên (đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) cho biết: “Nhà ở gần hồ Tây nên tôi biết, đáy hồ ở đây khá bằng phẳng và không có hố sâu vì thế tôi không quá lo ngại khi cho con ra đây bơi. Trời nóng, nhà lại bí bức thì tội gì bắt các cháu ở nhà. Bơi lội là môn thể thao có lợi cho sức khỏe mà.”
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những bãi tắm tự phát hầu như không có phương tiện, lực lượng cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người bơi. Nếu xảy ra tình huống xấu như bị chuột rút hoặc bị cảm đột ngột, nguy cơ đuối nước không chỉ ở trẻ nhỏ mà cả người lớn đều rất cao.
Theo thống kê, trung bình Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm, cao thứ 2 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Gần 70% số trẻ bị chết, suýt chết do đuối nước đều ở độ tuổi dưới 15 và phổ biến nhất vẫn là độ tuổi từ 5 đến 9. Đây là độ tuổi vô cùng hiếu động, thích tò mò, chưa đủ sức khỏe… nên rất dễ gặp tai nạn. 
Điển hình là mới đây, mới đầu kỳ nghỉ Hè nhưng đã có liên tiếp các vụ trẻ em bị đuối nước xảy ra trên khắp cả nước như vụ đuối nước tập thể tại Quảng Ngãi khiến 9 học sinh lớp 6 tử vong; 3 học sinh lớp 1 chết đuối dưới kênh ngày 6/5 ở Long An; 4 nữ sinh lớp 7 chết đuối ngày 4/5 ở Khánh Hòa; 3 học sinh lớp 11 tử vong khi tắm biển ở Nam Định ngày 8/5…

Tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 5/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND, triển khai thực hiện Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của kế hoạch là nâng cao nhận thức, cam kết trách nhiệm của các cấp, các ngành đồng thời nhằm chuyển đổi hành vi của cộng đồng theo hướng tích cực về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Kế hoạch đặc biệt quan tâm đến tai nạn đuối nước với một số nội dung: phát động phong trào học bơi, dạy bơi an toàn trên toàn thành phố; tổ chức dạy bơi cho trẻ em trong dịp Hè; tổ chức tập huấn cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; rà soát, bổ sung các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn… tại các khu vực có nguy cơ đuối nước cho trẻ em…
Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có khá nhiều bể bơi đạt chất lượng cao được xây dựng tại các khu chung cư, khu vui chơi,… phù hợp và an toàn cho trẻ em. Các bậc phụ huynh nên cân nhắc, lựa chọn cho con bơi tại các bể bơi có nguồn nước chất lượng, lực lượng cứu hộ thường xuyên túc trực, có như vậy mới đảm bảo an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, cần phải tạo điều kiện cho các em tiếp cận với những hình thức vui chơi giải trí an toàn và lành mạnh khác, như tổ chức nhiều hơn các sân chơi thiết thực, rèn luyện thể chất, kỹ năng sống cho các em.
Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng chống đuối nước trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân cần tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là những vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao. Đặc biệt, chính quyền các cấp cũng cần siết chặt công tác quản lý, không để các bãi tắm tự phát hoạt động nhộn nhịp như hiện nay, để bảo đảm an toàn tính mạng cho mọi người.
Thêm vào đó, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm lo nơi vui chơi, cũng như quản lý trẻ em trong những ngày hè để con trẻ có một mùa Hè bổ ích, an toàn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa có văn bản yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục, tuyên truyền phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh. 
Bộ yêu cầu các Sở Giáo dục và đào tạo tham mưu với địa phương đầu tư xây dựng bể bơi tại các trường hoặc cụm trường với quy mô phù hợp đồng thời tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy và học bơi cho học sinh. Các trường tổ chức dạy bơi chính khóa và ngoại khóa nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích đuối nước. Các Sở kiểm tra, giám sát thường xuyên việc phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em, học sinh đồng thời báo cáo kết quả về Bộ mỗi năm 2 đợt.

Thêm vào đó, để tăng cường công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã đưa ra các khuyến cáo: Không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm; nên rào quanh ao, hồ nước, hố vôi đang tôi; nhà gần sông nước cần làm cửa chắn và rào quanh nhà; lấp kín các hố và rãnh sau khi đã sử dụng; mùa mưa lũ, người lớn nên đưa trẻ đi học. Khi phải qua sông, suối bằng thuyền, người dân mảng phải mặc áo phao cho trẻ, quan trọng nhất là phải tập cho trẻ biết bơi.

Theo VietnamPlus

From the same category