Hơn 50 năm sống ở thủ đô, cùng với tâm hồn nhạy cảm của một người làm nghệ thuật, họa sĩ Lê Thiết Cương thấu hiểu hơn ai hết sự thay đổi của Hà Nội. Cho đến bây giờ, trong con mắt của họa sĩ, những gì là hay của cuộc sống và con người nơi đây đã mất gần hết.
Họa sĩ Lê Thiết Cương. |
Theo họa sĩ Cương, những “thay đổi” này là hệ quả của đời sống văn hóa đã xuống cấp trầm trọng.
Họa sĩ Cương phân tích: “Nói chính xác nhất thì không có khái niệm người Hà Nội mà chỉ nên nói đến khái niệm người sống ở Hà Nội. Có rất nhiều người sống ở Hà Nội mấy thế hệ vẫn vô văn hóa và ngược lại. Cho nên vốn dĩ của vấn đề nằm ở chỗ: đời sống văn hóa của cả nước, chả cứ Hà Nội hay các vùng miền khác, đã xuống cấp trầm trọng”.
“Điều khó hiểu là thời chiến tranh gian khổ, thời hậu chiến nghèo đói thì lòng người lại yên, văn hóa còn giữ được. Thế mà ngày nay lòng người lại loạn, ai ai cũng bấn loạn vì tiền, cả xã hội chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, tư tưởng tôn thờ vật chất lên ngôi, coi trọng vật chất, coi thường các giá trị văn hóa tinh thần. Cứ tưởng thời nay cuộc sống vật chất đã khá hơn, xe cộ, nhà cửa, quần quần váy váy xanh đỏ hơn, bát cơm bát phở đầy hơn, miếng thịt to hơn thì văn hóa tinh thần cũng phải cao hơn hoặc ít ra cũng phải bằng thời chiến tranh nghèo đói. Thế mà…”, họa sĩ Cương nói thêm.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp trầm trọng về văn hóa, họa sĩ Cương cho rằng nguyên nhân chính là do sự phát triển không đồng bộ giữa kinh tế và văn hóa. Đất nước chỉ chú trọng phát triển kinh tế, đổi mới kinh tế nên văn hóa bị lạc hậu, thụt lùi so với thời thế.
“Đáng nhẽ song song với đổi mới kinh tế phải là, bắt buộc phải là đổi mới văn hóa. Thậm chí phải xây dựng văn hóa vững đã rồi mới nghĩ đến làm ăn kinh tế. Nói cách khác, phải biết “văn hóa đổi mới” thì mới có thể phát triển bền vững, mới không sinh ra hạng người trọc phú, giàu xổi, có tiền mà ngu dốt, vô văn hóa. Chính họ là những người đang làm bộ mặt xã hội bẩn hơn, nhếch nhác hơn”, họa sĩ Cương nói.
Kiếm tiền bao giờ cũng dễ hơn “kiếm văn hóa”
Mấy chục năm đổi mới kinh tế đã phát triển vượt bậc, văn hóa bị lãng quên nên ngày càng thụt lùi, mà theo họa sĩ Cương chưa thể bằng với thời kỳ những năm 70 của thế kỷ trước.
Giờ đây, khi văn hóa đã xuống cấp trầm trọng, “nếu bỗng dưng cả xã hội biết sám hối, từ trên xuống dưới đồng tâm hiệp lực muốn vực dậy văn hóa để bằng với thời kỳ những năm 70 của thế kỷ trước, tức là cách nay khoảng 50 thì không phải chỉ mất 50 năm mà chí ít phải mất 100 năm nữa mới có thể làm được”, họa sĩ Cương nói.
Bởi vì để có văn hóa, đòi hỏi phải có quá trình bồi đắp mỗi ngày một chút. Không như kinh tế, mới có mấy chục năm từ khi đổi mới đến nay mà kinh tế đã phát triển vượt bậc. Kiếm tiền thì bao giờ cũng dễ hơn “kiếm văn hóa”.
Họa sĩ Cương cho rằng, chủ nghĩa vật chất đã trở thành một căn bệnh khó chữa trong xã hội. Vì chạy theo vật chất, thích hưởng thụ, tiêu xài nên lười học, lười đọc, văn hóa càng kém đi.
“Nếu người ta đi xem triển lãm tranh, ảnh, tượng, đi bảo tàng, đi nghe ca trù, nghe nhạc cổ điển châu Âu thì không phải vì xã hội mà vì chính bản thân người ta. Đó là khi người ta muốn làm đẹp tâm hồn mình, muốn nâng cao đời sống tinh thần của mình để cuộc sống của người ta có ý nghĩa hơn.
Còn vật chất đâu phải là tất cả, những kẻ sống theo chủ nghĩa vật chất suy cho cùng là một loại bệnh, đáng thương hơn đáng ghét. Tất nhiên để thưởng thức nghệ thuật cũng phải học, ăn còn phải học nữa là. Thế mà những người sống kiểu tôn thờ vật chất thì lại lười đọc, lười học. Họ thích sáng sủa vật chất và tăm tối về tinh thần thì quả là khó chữa”, họa sĩ Cương khẳng định.
Theo Vietnamnet