Càng giàu càng ít đồng cảm - Tạp chí Đẹp

Càng giàu càng ít đồng cảm

Sống
Một loạt những nghiên cứu và thử nghiệm mới đây đã cho thấy những người thuộc tầng lớp nghèo đọc được cảm xúc trên khuôn mặt người khác tốt hơn những người ở tầng lớp giàu. Michael Kraus, tiến sĩ trường ĐH California tại San Francisco – tác giả của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi thấy được rất nhiều điểm khác nhau giữa người tầng lớp giàu và những người tầng lớp nghèo hơn – trong đó có sự đồng cảm, sẻ chia”.

Tại sao lại như vậy? “Môi trường sống của những người tầng lớp thấp có rất nhiều điểm khác biệt với những người tầng lớp cao. Người ở tầng lớp thấp phải đối phó với rất nhiều những mối đe dọa từ thâm căn cố đế (nhà cửa, việc làm…) và dễ bị tổn thương. Họ sống phụ thuộc vào người khác và có nhu cầu sẻ chia với những người xung quanh về những mối đe dọa hay cơ hội đang tới. Đối với những người đồng cảnh ngộ, họ cũng có mối cảm thông sâu sắc” – Kraus giải thích.

Một tác giả khác của nghiên cứu – Dacher Keltner – giáo sư tâm lý trường ĐH California, Berkeley cũng tán thành rằng những người dân có đời sống kinh tế xã hội thấp hơn “sống trong rất nhiều mối đe dọa, lo lắng. Họ chịu áp lực bởi môi trường, bởi thế chế và những mối quan hệ khác. Một trong những “chiến lược” thích ứng nhất để đối phó với những mối đe dọa là phải rất thận trọng, quan tâm chu đáo tới người khác và cố gắng để xây dựng mối quan hệ mật thiết với những người xung quanh”.

Ở một nghiên cứu tương tự trước đó, kết quả cũng cho thấy rằng những người có đời sống thấp hơn thường giúp đỡ nhau và rộng lượng hơn. Kraus cho biết: “Đến từ một môi trường bạn dễ bị tổn thương hay xúc phạm, bạn tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách nhờ vả người khác”. Điều này làm tăng sự thông cảm lẫn nhau và gắn chặt các mối quan hệ xã hội.

Ở nghiên cứu mới, Kraus và các cộng sự đã tiến hành ba thí nghiệm khác nhau. Đầu tiên là với 200 nhân viên trường đại học, một số có trình độ đại học và một số không. Những người này được yêu cầu nhìn vào các bức ảnh khuôn mặt và đọc cảm xúc được mô tả trên đó. Kết quả, những người chỉ có trình độ trung học đã đọc được cảm xúc tốt hơn những người trình độ đại học.

Thí nghiệm thứ hai có sự tham gia của các sinh viên. Họ được yêu cầu tự định giá cấp bậc của mình. Lần này, những người tự đánh giá mình thấp hơn đã vượt trội trong việc đọc cảm xúc so với những người tự đánh giá mình thuộc tầng lớp giàu trong xã hội.

Thí nghiệm thứ ba là các sinh viên được yêu cầu lựa chọn để so sánh bản thân với một người ở tầng lớp giàu hơn hoặc một người cho rằng ở tầng lớp nghèo hơn. Kết quả cho thấy, những người lựa chọn so sánh bản thân với một người ở tầng lớp nghèo hơn đọc cảm xúc kém hơn những người lựa chọn so sánh bản thân  với một người ở tầng lớp giàu.

Ngoài những yếu tố về mối đe dọa xã hội và tâm lý dễ bị tổn thương, ảnh hưởng của quyền lực cũng có thể giúp người ở tầng lớp nghèo đọc được cảm xúc người khác tốt hơn. Các nhà nghiên cứu đưa ra một ví dụ rằng, khi công việc của bạn phụ thuộc vào sếp – bạn sẽ phải bận tâm về việc sếp tức giận hay không nhiều hơn là sếp phải lưu tâm, lo lắng về điều đó ở bạn. Sếp quan tâm tới nhiều thứ khác hơn là cảm xúc của bạn.

Một người có khả năng đọc được cảm xúc của người khác là điều quan trọng, vì nếu bạn không thể nhận ra những gì người khác đang trải qua, đang cảm nhận, bạn không thể cảm thông hay thấu hiểu được họ. Trong một nền kinh tế mà càng ngày càng có nhiều người giàu thì càng giảm đi sự đồng cảm.


Bài: Tink (theo Time)
Ảnh: S.T

Thực hiện: depweb

03/12/2010, 17:11