Mẫu Thượng Thiên |
Quả thật nhiều năm giao kết với họa sĩ Lương Xuân Đoàn, tôi nhận thấy những bấn loạn của hoàn cảnh dường như chẳng thể nào động chạm tới anh, một thân phận thật thanh nhã.
Đáng để tâm hơn nữa là trong con người Đoàn cái Thiện tính vẫn đồng hành với cái sáng Trí như duyên như phận. Cái Thiện không làm cho cái Trí nhạt nhòa. Cái Trí, phần thân chủ lộ ra, cũng là vừa đủ để cái Thiện nhuần tưới.
Mọi vận động của thân phận này đều hướng đến nhu nhuận, hài hòa. Tư cách ấy một kẻ lỗ mỗ như tôi quả thật không dám lạm bàn thêm một chữ. Tôi chỉ dám lặng lẽ ngắm, rón rén cảm nhận mối giao cảm trong sáng giữa một nhân cách nghệ sĩ và những bức tranh Đoàn vẽ về đề tài đạo Mẫu.
Là người rất kỹ tính, Đoàn vẽ rất ít và dường như chỉ vẽ khi các trạng thái tự nhiên vụt đến, khi bị những cảm hứng phiêu lãng lôi kéo. Vẽ như có Mẫu giáng, nhập.
Vẽ tranh đạo Mẫu, Đoàn chọn thể hiện mầu nước trên giấy dó. Đoàn vẽ không có phác thảo trước, cái thao tác nhúng, day, miết hay phóng bút là tùy theo vô thức. Cái loang chảy, tẩm thấm của màu vào bột giấy không bị lý trí hay sự khéo léo kiểm soát.
Mẫu Thượng ngàn |
Ông Hoàng Bảy |
Ngờ rằng Đoàn vẽ như được ông Hoàng Mười ban cho cái tư chất hào sảng. Vẽ đấy mà dáng tay, nhất là ngón út cứ cong lên thật giống các ông bà đồng tung tăng múa trong giá cô Bắc Lệ hay mỗi lúc thánh xa giá hồi cung. Có lúc Đoàn như vẽ ra từ cái vô ưu, tươi trẻ của cậu Bé…
Vì lẽ ấy mà tranh của Đoàn có thể chưa tài cao nhưng nhiều khi lại đạt tới độ thăng thoát hơn một vài “Điệu múa cổ” của Nguyễn Tư Nghiêm. Nó gần gũi hơn so với cái quá khéo khi chồng xếp các lớp màu trong tranh bột màu của Thành Chương hay cách đẩy các chi tiết của đời sống thành biểu tượng trong sơn dầu của Đặng Xuân Hòa.
Tranh của Đoàn “Việt” hơn những “Bố cục có màu” của Nguyễn Quân. Bám vào đề tài truyền thống mà thấy tranh của Đoàn không vướng cái nệ cổ, không lạm dụng những “mô típ văn hóa Á Đông” như vô khối họa sĩ đương đại vốn rất giỏi ỡm ờ với quá khứ, khai thác văn hóa dân tộc như một kênh tiếp thị đắc dụng…
Cậu Bé |
Chầu Mười |
Vậy là từ khi xuất hiện trên Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm cái tên Liễu Hạnh đã được tái hiện như thế nào?
Ngày trước, hình ảnh đạo Mẫu trở nên rực rỡ là nhờ điêu khắc ở đền phủ, là nhờ chầu văn, múa hầu đồng cùng tranh Hàng Trống… tất cả đều là công trình của tập thể.
Bây giờ làm sáng danh đạo Mẫu, danh sách của các nhà nghiên cứu thì khá dài từ Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Ngọc Khánh, Đặng Văn Lung, Ngô Đức Thịnh. Thi phú, tiểu thuyết thì có “Liễu hạnh công chúa diễn âm” của Nguyễn Công Trứ, “Người nữ tỳ của bà chúa Liễu” của Lưu Trọng Lư, “Mẫu Thượng ngàn” Nguyễn Xuân Khánh.
Trong mỹ thuật đương đại thì có thấp thoáng trong tranh giấy dó, tranh trục của Phan Cẩm Thượng, tranh khắc gỗ của Lê Quốc Việt hay một vài bức của Nguyễn Xuân Tiệp. Vậy là sự tiếp biến giá trị văn hóa đạo Mẫu tới mỹ thuật đương đại còn lựa chọn nào khác…