Cần rút khỏi BĐS càng nhanh càng tốt

Hầu như mọi nguồn lực đều tập trung giải cứu hệ thống doanh nghiệp đang suy kiệt. Tuy nhiên, hướng phát triển không phù hợp trong suốt thời gian qua đã tạo nên căn bệnh thập kỷ trong nội tại mỗi doanh nghiệp. Tại hội nghị đầu tư thường niên năm 2012, nhiều chuyên gia kinh tế đã tập trung chuẩn bệnh và đại phẫu căn bệnh này của doanh nghiệp.

Suy yếu vì đa ngành

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, “đầu tư đa ngành không phải là một ý tưởng tồi vì nó cũng mang lại nhiều lợi ích như đắp đổi chi phí tài chính. Tuy nhiên, rủi ro về phí thị trường là điều khó tránh khỏi, nhưng cách vận hành yếu kém của mỗi doanh nghiệp mới là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Mỗi khi thất bại thì chuyện vực dậy không phải đơn giản là ngày một ngày hai”.

Trên thực tế, đã có những thất bại do “nhiễm virus đa ngành” không phải là ít. Theo phân tích chủ yếu các công ty đầu tư cơ hội, không dựa trên các năng lực cốt lõi đều thất bại. Chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp thường không rõ ràng, nhất là chiến lược dài hạn. Chiến lược tài chính cũng không được coi trọng, quá phụ thuộc vào các đòn bẩy tài chính nên hầu hét không thể sống sót qua khủng hoảng khi ngân hàng siết chặt cho vay.

Trong khi đó, kênh tiếp cận vốn quốc tế dường như vẫn là cách tiếp cận quá sức. Trước tình hình đầu tư trái ngành đang lan rộng, đặc biệt là cơn say bất động đang còn ở đỉnh điểm, thì những lo ngại về những cuộc sụp đổ là hoàn toàn có cơ sở.

Thậm chí, ông Nguyễn Nam Sơn, thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt, còn khẳng định: “Trong vòng 2 năm tới, có khoảng 90% công ty chứng khoán sẽ phải đóng cửa, chỉ có 5-7 công ty tồn tại lâu dài. Cũng trong khoảng thời gian đó, đa số công ty bất động sản sẽ phá sản, những công ty sống sót được là những đơn vị nhanh chân sáp nhập để tăng quy mô và giá trị cốt lõi”.

Rút lui khỏi bất động sản đang là cách lựa chọn của nhiều DN để đảm bảo cơ cấu tài chính (ảnh minh họa)

Nhiều nghiên cứu cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản sụp đổ cũng là hệ quả tất yếu bởi nguồn cung quá lớn trong khi khả năng hấp thụ của thị trường quá yếu. Theo số liệu của Nielsen, số lượng căn hộ ở TP.HCM tăng từ 22.000 căn năm 2005 lên đến 80.000 căn vào năm 2012 (gấp 4 lần). Song, nếu năm 2005, tỷ lệ trống chỉ dưới 10% thì hiện tại có tới 17% số lượng căn hộ chưa bán được.

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, cho hay: “Thời gian cũng chính là tác nhân chính làm cho các doanh nghiệp có thể suy kiệt. Giả sử biên lợi nhuận ròng là 30%, nếu giá thị trường duy trì mức ổn định thì dự án sẽ bị lỗ nếu sau 2 năm mới bán được. Trong trường hợp giá vẫn tiếp tục giảm thì thời gian có thể còn rút ngắn hơn là khoảng 1 năm vẫn bán được thì doanh nghiệp đã bắt đầu lỗ”.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay chính là điểm yếu tài chính của các công ty Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, phân tích, tỷ lệ nợ phải trả của các doanh nghiệp Việt Nam là quá cao so với mặt bằng chung của thế giới. Trong đó, nhóm doanh nghiệp về lĩnh vực xây dựng và bất động sản đang ở trong tình trạng báo động với tỷ lệ 207%. Nguy cơ sụp đổ dây chuyền là rất dễ xảy ra.

Quay đầu là bờ

Giới hạn chịu đựng của doanh nghiệp đã không còn đủ khi đầu tư đa ngành trong khủng hoảng. Rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thu gọn, rút lui khỏi thị trường bất động sản để bảo toàn năng lượng cũng như tập trung trở về với giá trị kinh doanh cốt lõi.

Một minh chứng cụ thể là tập đoàn Hoa Sen, bên cạnh lĩnh vực logistics, bất động sản là mảng hứa hẹn sẽ gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho tập đoàn. Song, từ cuối năm 2011, tập đoàn này đã thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh. Hoa Sen quyết định rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Tập đoàn sẽ chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 3 dự án bất động sản và 1 dự án logistics (dự án cảng quốc tế Hoa Sen – Gemadept).

Theo ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, quyết định mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản trước đây xuất phát từ dự báo triển vọng khả quan về thị trường này, nhưng diễn biến từ năm ngoái đến nay cho thấy bất động sản không được khả quan như dự tính ban đầu. Vì thế, tập đoàn quyết định rút lui.

Cũng như Hoa Sen, Sacom từng khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì với lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, trong kế hoạch kinh doanh 2012, HĐQT Sacom đã dự tính chuyển nhượng khu đất tại 475/1 Điện Biên Phủ, TP.HCM và nhất trí giao cho ban điều hành thực hiện và báo cáo kết quả chuyển nhượng.

Do vốn đầu tư các dự án bất động sản chủ yếu đến từ nguồn vốn thặng dư (tức ít chịu áp lực lãi vay) nên năm 2011, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của Sacom chỉ là 10%. Trong khi đó, việc chuyển nhượng dự án trong lúc này không hề dễ dàng và khó có được giá tốt. Điều đó cho thấy việc muốn chuyển nhượng dự án tại đường Điện Biên Phủ có thể do công ty đã quá ngán ngẩm với bất động sản.

Ông Dominic Price, Tổng giám đốc J.P.Morgan Việt Nam, cho rằng, cách phục hồi duy nhất của doanh nghiệp chính là việc thu gọn mô hình đầu tư; đặc biệt, rút chân ra khỏi bất động sản càng nhanh càng tốt. Về mặt tài chính, cách tốt nhất là các doanh nghiệp nên lựa chọn đường đi phù hợp trong xu thế thoái nợ. Ngoài ra cân nhắc về việc sáp nhập đẻ tăng quy mô, đó chính là lợi thế để tiếp cận vốn quốc tế, đó chính là liều thuốc có thể sẽ giúp các doanh nghiệp đứng vững. Đây chính là phương thuốc chữa lành cơ cấu tài chính của doanh nghiệp.

Theo Vietnamnet


From the same category