Đầu năm 2024, “Beef” liên tiếp gặt hái nhiều thành công từ các giải thưởng danh giá của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới như Emmy, Critics’ Choice, Golden Globes… Thậm chí, series còn nhận được 99% điểm “cà chua tươi” từ các nhà phê bình trên Rotten Tomatoes – một thành tích đáng nể khi trang tin này nổi tiếng “khó tính”. Vậy điều gì đã khiến loạt phim này chiếm được cảm tình của công chúng?
“Beef” (“Bất hòa”) là series 10 tập được sản xuất bởi hãng phim dị biệt A24 . Vừa qua, “Beef” thắng đậm tại Emmy 2024 với loạt giải thưởng danh giá được trao cho biên kịch Lee Sung Jin, cùng hai diễn viên chính là Steven Yeun và Ali Wong. Trước đó, tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng 2024, tác phẩm cũng đã chứng tỏ sức hút mạnh mẽ khi được xướng tên trong hạng mục “Loạt phim ngắn tập hoặc phim điện ảnh chiếu truyền hình xuất sắc nhất”. Chưa kể, “Beef” cũng đại thắng tại Critics’ Choice Awards 2024, đặc biệt được xướng tên tại hạng mục “Loạt phim ngắn tập xuất sắc”. Tuyệt vời hơn cả, đây là lần đầu tiên những ngôi sao gốc Á đã làm nên lịch sử khi chiến thắng ở các hạng mục quan trọng này.
Với nghĩa đen là “thịt bò” một loại thức ăn chứa nhiều dinh dưỡng, nó ẩn chứa triết lý sâu sắc của bộ phim, như nhân vật Danny Cho (Steven Yeun) nói: “Cơ thể ta hấp thụ những chất dinh dưỡng để rồi thải ra toàn những thứ xấu xa”. Có thể thấy sự đầu tư tinh tế và đầy ẩn ý của ekip hiện rõ ngay từ cái tên, tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt.
“Beef” được chắp bút bởi cây viết gạo cội Lee Sung Jin, điều thú vị là kịch bản được lấy từ trải nghiệm của cá nhân anh. Tương tự như 2 nhân vật chính trong phim, anh cũng đã từng vướng phải một vụ va chạm trên đường và ý tưởng cho bộ phim dần được hình thành từ đó
Bộ phim mở đầu bằng cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai nhân vật chính Amy Lau (Ali Wong) – một doanh nhân thành đạt và Danny Cho (Steven Yeun) – người con cả trong một gia đình nhập cư Hàn Quốc, luẩn quẩn với nỗi lo kinh tế. Sẵn có những nỗi bực dọc trong người, họ nhanh chóng bị cuốn vào một vụ rượt đuổi chỉ vì xích mích nhỏ trong bãi đậu xe. Sau đó, những màn trả đũa dở khóc dở cười lần lượt diễn ra, kéo theo cả những người thân vào cuộc.
Từ những chất liệu hàng ngày trong cuộc sống, tác phẩm bóc tách trần trụi các vấn đề xã hội như khủng hoảng thế hệ, khoảng cách giàu nghèo, quan niệm trọng nam khinh nữ của người châu Á, hệ lụy của mạng xã hội… Ở một khía cạnh khác, “Beef” cũng phơi bày mặt trái của quyền lực, lột tả sự giả tạo và nịnh bợ… lại đem đến cho khán giả bài học đắt giá về cách kiểm soát cảm xúc, không để bản thân rơi vào tình huống “giận quá mất khôn”, học cách xin lỗi, thấu hiểu, đồng cảm và chăm sóc sức khoẻ tinh thần của bản thân,…
Ngoài ra, ekip “Beef” cũng cho thấy tham vọng của mình khi khéo léo pha trộn nhiều thể loại (genre-bending) từ hài kịch, lãng mạn cho đến kinh dị, tội phạm, báo thù,… khiến khán giả cảm thấy như đang xem hàng loạt phim ngắn cùng lúc nhưng lại vô cùng liền mạch.
Không chỉ khai thác về Danny và Amy, “Beef” cũng tinh tế trong việc vẽ nên những khía cạnh tổn thương và tối tăm của từng nhân vật phụ. Áp lực cơm áo gạo tiền của gia đình nam chính, hay mối quan hệ tình cảm không hạnh phúc của bố mẹ nữ chính đã tạo nên những vết rạn trong tâm lý họ, từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.
10 tập phim có nhịp độ tốt, không gây nhàm chán khi đan xen nhiều thể loại, từ những phân cảnh theo kiểu “50 shades of Grey” đến kinh dị, hành động, hài hước. Thậm chí, những trích dẫn sâu sắc từ nhà triết học Franz Kafka hay Carl Jung cũng được thêm vào để bổ sung tính triết lý cho bộ phim. Đặc biệt, A24 đã khéo léo sử dụng những chi tiết ẩn dụ – cũng là đặc sản của hãng phim, cụ thể là hình ảnh con quạ khiến người xem không ít lần lạnh gáy. Trong văn hóa đại chúng, con quạ thường mang đến điềm xấu. Lần đầu Amy đến nhà sếp Jordan, cô đã thấy một con quạ, và sau này điều không hay đã xảy đến với Jordan. Trong khi Danny đang tỉa cây, anh cũng nhìn thấy hình ảnh tương tự và suýt gặp nguy hiểm.
Theo dõi các tiểu phẩm hài độc thoại của danh hài Ali Wong, khán giả có thể nhận thấy hình tượng bà mẹ “ba đầu sáu tay”, luôn phải tìm cách cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, và cô đã có dịp thể hiện sở trường của mình thông qua vai diễn Amy Lau. Trong khi đó, tài tử gốc Hàn từng nhận đề cử Oscar – Steven Yeun luôn biết cách cài cắm những nét “điên ngầm” trong nhân vật của mình – bên ngoài duyên dáng giản đơn, nhưng nội tâm lại phức tạp. Điều này đã thể hiện rõ trong các dự án trước đó của anh, như “The Walking Dead” (2010), “Burning” (2018) và “Minari” (2021), “Nope” (2022)…
Ngoài ra, sự xuất hiện của nhiều diễn viên gốc Á khác như: Young Mazino (vai Paul), Joseph Lee (vai George), Ashley Park (vai Naomi),… cũng làm tác phẩm trở nên đặc biệt hơn. Một ngôi sao đã quá quen mặt với khán giả Việt Nam chính là nghệ sĩ Hồng Đào. Cô vào vai Hanh Trinh – mẹ của Amy Lau – xuất hiện trong tập 8 cùng với bát canh chua truyền thống khi khiến khán giả vô cùng hào hứng.
Có thể nói rằng, trong thời gian gần đây, sự xuất hiện của những ngôi sao châu Á trong phim Hollywood không phải là điều hiếm gặp. Nhưng bộ phim có dàn cast hầu hết là người Châu Á, lại còn càn quét đủ các giải thưởng lớn nhỏ ở xứ cờ hoa, thì vẫn là điều vô cùng hy hữu.
Tuy nhiên, thể loại hài gai góc này khá kén người xem, không phải ai cũng có thể thưởng thức và yêu thích do sự xuất hiện thường xuyên của nhiều cảnh nhạy cảm, như đánh nhau và sử dụng chất cấm… Nhưng nếu bạn là người hâm mộ thể loại hài đen (black comedy), từng yêu thích các tác phẩm như “After Hours” (1985), “Wild Tales” (2014) hay “Perfect Strangers” (2016) thì “Beef” là bộ phim không thể bỏ qua bởi những triết lý nhân sinh quan khiến người xem phải ngẫm nghĩ.