“Cần gì phải tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm?”

Ghi nhận tại địa bàn TP. Đà Nẵng chiều ngày 21/1 hầu hết những người bán hàng rong đều trả lời chưa nghe gì về quy định mới về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cụ thể là những quy định tại Thông tư 30 của Bộ Y tế, bắt đầu có hiệu lực từ 20/1. Thậm chí nhiều chủ hàng rong thản nhiên hỏi lại: “Hàng rong thì cần gì đi tập huấn ATVSTP?”.

 
Hàng rong: “Chưa nghe quy định mới về ATVSTP”
 
Khi được hỏi về quy định vệ sinh an toàn thực phẩm mới đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, một chị đang đẩy xe bán dạo trên đường Ngô Gia Tự (Đà Nẵng) cho biết chưa hề nghe nói tới.

Chị cho biết đã mưu sinh với xe hàng rong này từ hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ đi tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, và “củ khoai củ sắn thì mua về cứ bán chứ cần gì đi tập huấn ATVSTP”.

Trong khi đó, nếu đối chiếu với quy định tại Thông tư 30 của Bộ Y tế thì hàng rong này đã “dính” nhiều vi phạm như: người bán không có găng tay, thức ăn chín chế biến xong (khoai nướng, bắp xào…) không được che đậy kỹ lưỡng…

ở hầu hết các hàng rong, thức ăn chín chế biến xong không được che đậy kỹ lưỡng ...

Ở hầu hết các hàng rong, thức ăn đã chế biến bày lộ thiên…

và người bán không đeo găng tay khi chế biến các món
…và người bán không đeo găng tay khi chế biến các món

Một chủ hàng rong khác tên Bé đang dừng bán trước trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) nói “lý”: “Tôi chưa bao giờ đi tập huấn về ATVSTP cả. Cần gì phải đi tập huấn. Mà tôi cũng biết có đi tập huấn thì người ta cũng bảo phải đeo găng tay, hàng bán phải có nhãn mác đàng hoàng. Nhãn mác hàng hóa thì cứ kiểm tra đi thì biết, có đầy đủ cả. Còn đeo găng tay thì chịu. Tan trường là học sinh ùa ra mua, tay không đây còn không kịp bán chứ đừng nói là đeo găng tay, khó lắm”.

Hỏi tiếp một người bán bánh mì dạo ngay trước trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), chị này cho biết có đi tập huấn, có đi khám sức khỏe mỗi năm một lần để đủ điều kiện bán hàng. Nhưng thực tế là hàng rong này vẫn vô tư bày bánh bánh mì và các chảo nhân (pa tê, trứng…) mà không hề có khung kính che đậy.

Đề xuất quản lý hàng rong từ gốc

Trao đổi với PV Dân trí chiều 21/1, ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đà Nẵng cho biết: “Ngay từ khi nhận được Thông tư 30 của Bộ Y tế, trong tháng 12/2012, chúng tôi đã triển khai tổ chức hội nghị phổ biến, tập huấn các quy định trong Thông tư 30 đến các cán bộ chuyên trách công tác ATVSTP, cũng như đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Rà soát trên địa bàn TP, có 5.384 cơ sở thì đã có hơn 5.100 cơ sở đủ điều kiện được chứng nhận đảm bảo ATVSTP, tỷ lệ 95%. Trong đó, riêng các cơ kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có 3.078 cơ sở, thì có hơn 2.900 cơ sở được chứng nhận đảm bảo ATVSTP, tỷ lệ gần 95%.”

Những quy định về ATVSTP trong Thông tư 30 của Bộ là phù hợp với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, và có thể triển khai quản lý, thanh kiểm tra… để đảm bảo ATVSTP, bảo vệ người tiêu dùng được.

Tuy nhiên, ông Tiến cho biết, số liệu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên chưa bao gồm hàng rong. Ông Tiến thừa nhận, việc quản lý ATVSTP đối với hàng rong là khó khăn chung của lực lượng chức năng khi triển khai Thông tư 30 của Bộ Y tế không riêng gì Đà Nẵng, trong đó có những bổ sung sửa đổi để phù hợp với Nghị định 38 về Luật An toàn thực phẩm. Nguyên nhân do hàng rong không cố định về địa điểm cũng như thời gian hoạt động kinh doanh, rất khó quản lý.

và người bán không đeo găng tay khi chế biến các món
Theo ngành chức năng, việc quản lý, kiểm soát để đảm bảo ATVSTP đối với hàng rong gặp khó do các quầy hàng di động này không cố định về địa điểm cũng như thời gian hoạt động buôn bán

Trước khó khăn trên, ông Tiến cho biết sắp tới ngành sẽ có đề xuất với cấp trên là thành lập các đội quy tắc kiểm tra, nhắc nhở hàng rong ở trước các cổng trường, khu công nghiệp… về các quy định đảm bảo ATVSTP.

Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với ngành chức năng rà soát những người bán hàng rong trên địa bàn, yêu cầu họ đăng ký hoạt động kinh doanh, tập hợp họ tham gia các lớp tập huấn về ATVSTP, cũng như khám sức khỏe định kỳ. Theo ông Tiến, đây là cách quản lý hàng rong chặt chẽ từ gốc.

Cũng theo ông Tiến, riêng đối với hàng rong thì không cần phải có giấy chứng nhận ATVSTP mà chỉ cần được tập huấn, phổ biến các quy định về ATVSTP và khám sức khỏe định kỳ. Và cho dù họ tham gia đầy đủ việc tập huấn, khám sức khỏe…, nhưng khi lực lượng chức năng phát hiện có sai phạm không đảm bảo ATVSTP thì vẫn xử phạt. Theo quy định, mức phạt tối thiểu là 500 nghìn đồng, tối đa là 3 triệu đồng.

Theo Dân trí

From the same category