Họa sĩ Uyên Huy – Ảnh: Quang Huy
Gần đây nhất, 12 bức tranh khỏa thân của cố KTS Trần Tiến Đạt bị từ chối cho treo trong triển lãm Làng quê Việt và Tấm (từ ngày 10 đến 19-10 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM). Từ phía gia đình, bà Nguyễn Thị Thúy Nhiên – vợ của KTS Trần Tiến Đạt – chia sẻ bà cảm thấy buồn vì nếu có những bức tranh khỏa thân kia thì triển lãm tưởng nhớ chồng bà sẽ trọn vẹn hơn. Bà cũng băn khoăn không hiểu tại sao những bức tranh này đã được triển lãm tại Hà Nội năm 2006, nhưng ở TP.HCM lại bị cấm?
Sự việc trên như xới lên một lần nữa nỗi bức xúc âm ỉ lâu nay của những người ở Hội Mỹ thuật TP.HCM rằng phải chăng cơ quan quản lý thường tỏ ra “dị ứng” với thể loại tranh khỏa thân? Họa sĩ Uyên Huy trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này:
– Thưa ông, phải chăng 12 bức tranh của cố KTS Trần Tiến Đạt là “vi phạm thuần phong mỹ tục”, hoặc “trái với pháp luật” nên không được treo?
– Không phải. Đó là những bức tranh đẹp. KTS Đạt không vẽ đặc tả, bút pháp của anh phóng khoáng, chấm phá, bỏ lửng… Anh là một người tài hoa thật sự. Những bức tranh bị cấm của anh dưới góc độ thẩm định của hội chúng tôi là đẹp hoàn toàn.
– Vậy thì quan điểm của ông ra sao về “lệnh cấm” của Sở VH- TT&DL TP.HCM trong trường hợp này? Phải chăng những bức tranh bị từ chối đơn giản vì nó là… tranh khỏa thân?
– Tôi thấy quyết định này chưa thỏa đáng, chưa thuyết phục. Có thể những người cấp phép không đủ hiểu về tranh, tượng khỏa thân. Tôi nhắc lại rằng trên thế giới, tranh tượng khỏa thân là một ngành nghệ thuật chính thống. Nhà trường cũng đào tạo về vẽ khỏa thân. Họa sĩ chuyên nghiệp ai cũng vẽ khỏa thân. Cho nên nếu cấm tranh, tượng khỏa thân sẽ là một việc làm không giống ai.
Một trong những bức tranh của cố KTS Trần Tiến Đạt bị từ chối cấp phép trong triển lãm Làng quê Việt và Tấm – Ảnh: Q.T. (chụp lại)
– Hội cũng là một tổ chức chuyên môn, vậy đâu là tiếng nói của hội trong việc bảo vệ những tác phẩm khỏa thân có giá trị thẩm mỹ trước những thành kiến quy tất cả vào sự dung tục?
– Về mặt quản lý, Sở VH-TT&DL có quyền đó, nghĩa là cho treo hoặc không cho treo. Có những tác phẩm sở yêu cầu phải có ý kiến của hội thì chúng tôi cũng có ý kiến, nhưng họ vẫn không cho treo thì… đành thôi. Bản thân ở khâu đầu vào chúng tôi đã loại nhiều tác phẩm dung tục rồi. Ở đây, điều tôi muốn nói là cần có sự đồng bộ về thẩm mỹ giữa cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn.
Nhà nước cấm tác phẩm đồi trụy, vi phạm thuần phong mỹ tục, trái pháp luật… là đúng, là thỏa đáng. Nhưng không phải cứ vẽ khỏa thân là xấu, là đồi trụy. Tôi nghĩ có những người làm quản lý không kinh qua môi trường mỹ thuật, không hiểu và cảm thông với hoạt động sáng tạo. Người làm quản lý không định giá được thẩm mỹ tranh, tượng khỏa thân nên sợ trách nhiệm. Nhưng người làm quản lý cũng cần xem lại thẩm mỹ về khỏa thân, bởi vì cứ cấm như vậy là áp đặt.
– Vậy việc cấm hay không cấm tranh khỏa thân có dựa trên một quy chế cụ thể nào từ phía cơ quan quản lý không, thưa ông?
– Không có một quy chế nào cụ thể, mà tiêu chí cũng không rõ ràng. Cho nên cơ quan quản lý cấm mà chúng tôi cũng không biết giải thích sao với anh em hội viên. Năm 2010, họa sĩ lão thành Trang Phượng (nguyên phó Ban tư tưởng Thành ủy TP.HCM) bị từ chối cho trưng bày một bức tranh vẽ thiếu nữ tắm suối từ xa xa. Đến khi họa sĩ Trang Phượng phản ứng dữ, họ mới xin lỗi ông. Năm 2011, tranh khỏa thân của họa sĩ Việt kiều Nguyễn Huy Khuê cũng bị từ chối. Sau khi điều đình, Sở VH-TT&DL mới quyết là Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM tổ chức phải chịu trách nhiệm. Như tôi đã nói, vấn đề là cơ quan quản lý ngại trách nhiệm.
Hội rút hay do sở yêu cầu? * Tìm hiểu lý do 12 bức tranh khỏa thân của KTS Trần Tiến Đạt bị “từ chối cấp phép”, chúng tôi đã gặp ông Lê Quang Vinh – trưởng phòng văn hóa – gia đình của Sở VH-TT&DL TP.HCM. Ông Vinh cho biết Sở VH-TT&DL TP.HCM có hai hội đồng mỹ thuật gồm một hội đồng của sở (đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) và một hội đồng của Hội Mỹ thuật TP.HCM. Theo từng triển lãm, hội đồng nghệ thuật nhận xét bước đầu, phòng văn hóa theo đó hoàn tất hồ sơ đề xuất ký quyết định cấp phép. Trường hợp của KTS Trần Tiến Đạt, ông Vinh giải thích: “Hồ sơ xin cấp phép do Hội Mỹ thuật TP.HCM gửi đến, ban giám đốc xem qua thấy một số bức có nội dung không phù hợp với tên gọi triển lãm nên đã trao đổi lại với hội. Sau đó hội rút lại hồ sơ, tự rút ra một số bức tranh và gửi danh sách chính thức lên sở gồm 95 bức. Sở đã cấp phép tất cả 95 bức theo đúng danh sách của hội gửi lên, hồ sơ lưu vẫn còn đây. Như vậy, nếu nói chúng tôi không cấp phép tranh khỏa thân là không đúng. Về quy trình, chúng tôi đã cấp phép đúng danh sách mà Hội Mỹ thuật đưa lên”. * Xung quanh vấn đề này, bà Lê Thị Minh Loan – chánh văn phòng Hội Mỹ thuật TP.HCM – đã đưa ra hai hồ sơ: một danh sách ngày 12-9 của hội gửi lên sở gồm 107 bức tranh của KTS Trần Tiến Đạt và một giấy phép số 60/TLMT-VHTTDL-VHGĐ của sở ký ngày 28-9 cấp phép cho 95 bức tranh triển lãm. Bà Loan nói: “Những bức tranh khỏa thân của KTS Đạt trong danh sách ngày 12-9 được đánh số thứ tự từ 1 đến 12. Vì những lần trước xin cấp phép tranh khỏa thân hay bị sở gạt nên chúng tôi cẩn thận in ra 12 bức khỏa thân này, còn những bức phong cảnh thì không in. Y như rằng sở gọi chúng tôi lên yêu cầu tự rút 12 bức tranh khỏa thân. Họ cũng từng nói với chúng tôi rằng đã là tranh khỏa thân thì thôi đừng đưa lên nữa, không được duyệt đâu. Những yêu cầu này chỉ nói miệng, không nêu lý do gì, không có văn bản nào. Vì sợ chậm thời gian triển lãm, ảnh hưởng tác giả nên chúng tôi phải chấp nhận như những lần trước đó mà thôi. Nhìn danh sách tranh trong giấy phép số 60/TLMT-VHTTDL-VHGĐ cấp phép cho triển lãm KTS Đạt sẽ thấy những bức tranh bắt đầu từ thiếu nữ 13 trở đi, với tổng cộng 95 bức. Trong vụ việc này chúng tôi đã bị sở kêu lên hướng dẫn, yêu cầu phải rút, không phải chúng tôi tự ý rút như bên sở đã nói”. |
Theo Tuổi trẻ