Cảm ơn chú dế mèn của Tô Hoài! - Tạp chí Đẹp

Cảm ơn chú dế mèn của Tô Hoài!

Review

“Tôi sống độc lập từ thuở bé”. Câu mở đầu của cuốn sách, cũng như là lời tuyên bố về cách sống với cuộc đời của một chú dế mèn. Câu văn ấy, ai đã từng đọc “Dế mèn phiêu lưu ký”, hẳn khó quên. Dế mèn của Tô Hoài được phát triển nhân cách theo đúng tôn chỉ này: Độc lập và khát khao trải nghiệm.

Theo nhà văn Tô Hoài, khi viết “Con dế mèn” (tên ban đầu của “Dế mèn phiêu lưu ký”), ông có hai cuốn sách gối đầu giường là “Gulivơ du kí” (Jonathan Swift) và “Con chim xanh” (Maeterlinck). Đây chính là hai tác phẩm đã khơi gợi cảm hứng cho ông về một cuộc phiêu lưu không giới hạn, bằng cách vượt qua những giới hạn đã trở thành định kiến trong xã hội đương thời.

Vì thế, chú dế mèn nhỏ bé mà dám đương đầu với chim Cốc, chim Chả.

Vì thế, hiệp sĩ dế mèn hết cứu chị em Nhà Trò, lại dạy bảo võ sĩ Bọ Ngựa kiêu ngạo, đánh lại cả Châu Chấu Voi và lãnh đạo một cuộc đại chiến với nhà Kiến Lửa.

Vì thế, thậm chí Dế mèn đã dám truyền đi một thông điệp về thế giới đại đồng…

Cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” mà tôi đọc thuở nhỏ, cứ đến đoạn cao trào, thì lại bị ngắt quãng đi. Rồi thay vào đó dòng chữ: “Đoạn này bị thực dân Pháp kiểm duyệt cắt bỏ”… Mới thấy rằng, vượt qua hình thức một cuốn sách thiếu nhi, vượt qua đôi cánh của một chú dế mèn, cuốn sách đã thực sự là một hiện tượng văn học, nhen lên một ngọn lửa về lý tưởng mà những kẻ áp bức phải lo sợ.

Có người đã từng so sánh chú dế mèn của Tô Hoài với chú dế trên bệ lò sưởi của Buratino, chú dế lương tri của Pinocchio. Tôi cho rằng, đó là một sự so sánh không hợp lý, đơn giản vì những chú dế kia vốn đã được mặc định là quá tốt đẹp rồi.

Chú dế của nhà văn Tô Hoài sinh ra như một con dế, và trưởng thành như một con người. Chú dế ấy hấp dẫn bao thế hệ, không chỉ vì cái hay cái tốt, mà còn vì những cái xấu, cái dở, những lỗi lầm.

Chú dế mèn ấy cũng tràn trề khát khao chinh phục, cũng ngựa non háu đá, cũng ngang tàng liều lĩnh, cũng anh hùng mã thượng, cũng hèn nhát thủ đoạn, cũng ỷ mạnh hiếp yếu, cũng va vấp và cũng thành công. 

Vì thế, chú gần gũi và thân quen, không giáo điều và sáo rỗng.

Mãi mãi, chú là một con dế tự do và khí khái!

***

Viết cho trẻ em là điều cực khó. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng thừa nhận, sau này lớn lên, ông không tài nào viết nổi những dòng thơ trong vắt như thuở bé nữa. Tô Hoài, ngoài “Dế mèn phiêu lưu ký” ra, còn có “O chuột”, “Đôi ghi đá”, “Mụ Ngan”… đều là những tác phẩm hay dành cho thiếu nhi, lấy các con vật gần gũi làm nhân vật. Nhưng nổi bật nhất, ấn tượng nhất vẫn là chú dế mèn có tuổi đời ngoài 70. Đó hẳn nhiên là một niềm tự hào cho tác giả. Nhưng nhìn lại, văn học cho thiếu nhi nước nhà, sau ngần ấy năm vẫn không qua được cái bóng của một chú dế, cũng là một điều đáng suy ngẫm. 

Chú dế mèn ấy, cho đến ngày hôm nay, mỗi khi một đứa trẻ tìm đến, vẫn có thể thổi vào tâm hồn chúng một niềm say mê khám phá. Và trước hết, là một niềm say mê đọc sách.

***

“Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, của Việt Nam đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ, đến với thiếu nhi gần 40 quốc gia trên thế giới. 

Xếp ngang hàng với những “Chú lính chì dũng cảm” của Đan Mạch, “Hoàng tử bé” của Pháp, “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” của Mỹ, Dế mèn khiến hàng triệu trẻ em Việt Nam tự hào và yêu Tổ quốc mình. 

Đã có một thời, những đứa trẻ chúng tôi tin rằng, ở ngoài kia là một thế giới rất rộng và rất đẹp. Tất cả những gì chúng tôi cần làm, là bước ra, và đi thôi. Như một chú dế mèn nhỏ bé đã từng làm…

Xin cảm ơn nhà văn Tô Hoài, chỉ riêng với chú Dế mèn của ông đã là quá nhiều cho những tuổi thơ.

Bài: Gia Hiền

Ảnh: sachtreem.blogspot


logo 

>>> Có thể bạn quan tâm: Những tủ sách “trao – nhận” của dự án Book Box đã trở thành những điểm hẹn, nơi mọi người có thể gặp gỡ, chia sẻ những cuốn sách hay và câu chuyện về sách của mình. 




Thực hiện: depweb

06/07/2014, 22:07