Siêu thực và hy hữu, cực quang được xem là món quà vô giá của tạo hóa dành cho các tín đồ “cuồng chân” và đam mê kết nối với vũ trụ. Cùng Đẹp chinh phục những dải sáng rực rỡ trên nền trời đêm Bắc Âu với bộ cẩm nang đi săn dành riêng cho hiện tượng thiên văn kỳ thú này.
Cực quang thường được người phương Tây nhắc đến nhiều hơn với tên gọi “Aurora Borealis” – một cái tên mang đậm âm hưởng thần thoại – được ghép từ tên của nữ thần bình minh Aurora trong thần thoại La Mã, và thần Boreas đại diện cho những cơn bão từ phương Bắc trong thần thoại Hy Lạp. Yếu tố huyền bí được lưu truyền như một phần không thể tách rời trong các sự tích xa xưa về cực quang. Ở mỗi nền văn minh, người ta lại có cách lý giải riêng cho thiên tượng độc đáo này.
Người Thụy Điển cổ gọi cực quang là “Sillblixt” (tạm dịch: ánh sáng từ cá trích) và quan niệm rằng những dải sáng rực rỡ trên nền trời đêm là hình ảnh phản chiếu từ vây của một đàn cá trích lớn dưới biển cả. Trong khi đó, cộng đồng người Gaels tại Scotland lại diễn giải về cực quang như những vũ công lấp lánh “Na Fir Chlis” – một phép ẩn dụ thú vị về cuộc chiến đầy máu lửa giữa các thiên binh thiên tướng, hoặc các thiên thần sa ngã trên bầu trời.
Tuy rằng khoa học hiện đại và chủ nghĩa duy vật đã mở ra cho người ta một góc nhìn thực tế và tỏ tường hơn về hiện tượng cực quang – thường xuất hiện tại hai vùng cực của địa cầu do tác động của các cơn bão mặt trời; nhưng sức hút của cực quang đối với các “nhà thám hiểm” của thế kỷ 21 dường như chưa bao giờ thuyên giảm.
Nếu ở thời cổ đại, sự may mắn, hay một duyên lành theo cách nói hoa mỹ, được xem là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội để con người bắt gặp cực quang; thì các tín đồ “cuồng chân” thời nay hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này qua những chuyến đi săn chuẩn chỉnh về thời gian lẫn địa điểm, theo kinh nghiệm được đúc kết bởi cư dân bản địa Bắc Âu.
Thời điểm từ tháng 9 đến giữa tháng 4, được đánh dấu bởi mùa Đông tại Bắc Âu, sẽ là giai đoạn thích hợp nhất cho những chuyến săn cực quang. Vào thời gian này, ban đêm thường kéo dài hơn và thậm chí là vô tận ở một số vùng cận cực. Sự hạn chế của ánh sáng mặt trời là một trong những điều kiện lý tưởng giúp cho chúng ta quan sát cực quang rõ nét và sống động hơn.
Địa điểm ngắm cực quang thường được giới hạn ở những khu vực có vĩ độ cao trên địa cầu. Tuy nhiên, càng gần Bắc cực thì mùa Đông càng lạnh giá, vì vậy chúng ta nên chọn những quốc gia nằm trong vĩ tuyến 60 đến 75 như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland để thực hiện chuyến đi săn lý thú, song vẫn đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Bên cạnh đó, những nơi ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ánh sáng cần được ưu tiên hàng đầu, bởi ánh đèn thị thành về đêm sẽ gây trở ngại lớn đến quá trình theo dõi cực quang.
Để ghi lại hành trình săn cực quang một cách chân thực nhất, chúng ta nên chuẩn bị sẵn một chiếc máy ảnh có độ phân giải cao, kèm theo phụ kiện là chân máy trong hành trang đi săn của mình. Các thông số của máy ảnh khi chụp vào ban đêm cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp. Sau đây là một số lưu ý về thông số:
1/ Tốc độ màn trập: Khoảng 10 đến 20 giây tùy thuộc vào cường độ và tốc độ chuyển động của cực quang.
2/ Khẩu độ: f/2.8 hoặc mức tối ưu nhất mà ống kính cho phép.
3/ ISO (độ nhạy sáng): Giá trị ISO càng thấp thì chất lượng ảnh càng tốt vì độ nhiễu của ảnh được hạn chế hơn.
4/ Hẹn giờ chụp ảnh: Nên hẹn giờ khoảng 2 giây để tránh rung máy khi ta nhấn nút, rời tay khỏi máy ảnh ngay sau khi nhấn nút chụp.
Những chuyến săn cực quang tại Bắc Âu thường được ví von là hành trình tìm lại kết nối thiêng liêng giữa tâm hồn con người và vũ trụ. Ngắm nhìn những dải sáng rực rỡ trên nền trời đêm không chỉ mang lại cảm giác thỏa mãn vì đã chinh phục được thiên tượng kỳ thú, mà còn khơi dậy cho chúng ta những cảm hứng bất tận trong thế giới tinh thần.
Ảnh: Tổng hợp