Cấm hút thuốc: Sẽ mạnh tay!

Vô tư hút thuốc trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai

Theo bà Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Văn phòng Heathbridge Canada, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe và phòng chống thuốc lá, nhìn những hình ảnh tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm và con số hơn chục ngàn người chết vì TNGT mỗi năm ở nước ta, ai cũng sợ. Thế nhưng, tỉ lệ người chết vì TNGT chưa bằng 1/4 số ca tử vong mỗi năm do khói thuốc gây ra.

Dễ ung thư, chết sớm

TS Lý Ngọc Kính, chuyên gia cao cấp Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế, cho rằng dù hút thuốc có hại cho sức khỏe nhưng đây là thói quen rất khó bỏ của nhiều người. Với 15,3 triệu người hút thuốc và 33 triệu người không hút nhưng “bị” hít khói thụ động, Việt Nam đang đứng thứ ba ở Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) về tỉ lệ người hút thuốc. Hiện Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc cao nhất thế giới. Trung bình, cứ 2 nam giới thì có một người hút thuốc.

Những công bố mới nhất đã chỉ ra rằng thuốc lá chứa khoảng 7.000 chất độc, trong đó 43 chất là nguyên nhân gây ra 25 loại bệnh về ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, các bệnh tim mạch…, gây bệnh bất lực và tăng nguy cơ vô sinh cho cả 2 giới. Theo một nghiên cứu tại Bệnh viện K – Hà Nội, những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp gần 7 lần so với người không hút. Họ cũng chết sớm hơn người không hút đến 20 năm.

Khách hút thuốc, phạt cả chủ

Từ năm 2005 đến nay, đã có không ít quy định về việc xử phạt và nghiêm cấm hành vi hút thuốc lá tại nhiều điểm công cộng được ban hành nhưng đến nay, người ta vẫn thi nhau nhả khói giữa chốn công cộng (trường học, nhà ga, bến xe, bệnh viện…). Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế, cho rằng ý thức cộng đồng của một số người còn rất kém trong việc thực thi các quy định. Trong khi đó, ông Kính cho rằng việc xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe.

“Ở Hồng Kông, hút thuốc nơi công cộng có thể bị phạt 5.000 đô la Hồng Kông (khoảng 11 triệu đồng) và họ có hẳn một đội ngũ chuyên đi phạt những ai vi phạm. Còn ở Việt Nam, hiện người có thẩm quyền xử phạt hành vi hút thuốc nơi công cộng là lực lượng thanh tra chuyên ngành về y tế và chủ tịch UBND các cấp” – ông Kính nói. “Với 300 người là thanh tra, hầu hết chỉ làm kiêm nhiệm, thì không thể đủ sức đi tới tận hang cùng ngõ hẻm để phạt người hút thuốc nơi công cộng” – ông Quang phân trần.

Theo ông Quang, có thể từ nay đến ngày 1-5-2013 (thời điểm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực), việc xử phạt người hút thuốc nơi công cộng sẽ giậm chân tại chỗ bởi nghị định hướng dẫn, xử phạt vẫn đang được Bộ Y tế xây dựng và lấy ý kiến. “Hiện nay, chế tài xử phạt hành vi hút thuốc nơi công cộng 50.000 – 100.000 đồng/lần được cho là quá nhẹ. Vì thế, cũng có nhiều đề xuất tăng mức xử phạt, trong đó mức phạt có thể tăng gấp đôi ở những TP lớn như Hà Nội, TPHCM. Đồng thời, sẽ xử phạt cả lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các điểm cấm hút thuốc lá nếu họ không thực hiện nghiêm quy định cấm hoặc để khách hút thuốc tại khu vực cấm” – ông Quang khẳng định.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc thực thi môi trường không khói thuốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì đây là sản phẩm được phép lưu hành, sản xuất. “Không thể cấm hút thuốc lá như cấm thuốc phiện mà chủ yếu là cần phải tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe để thay đổi hành vi. Điều đó cũng giống việc người dân khi tham gia giao thông cảm thấy không yên tâm khi thiếu mũ bảo hiểm, chứ không phải đội mũ là để đối phó với công an” – bà Hoàng Anh nhận định. 

Theo NLĐ

Cảnh báo gây sốc: Còn phải chờ!

Những cảnh báo “Hút thuốc lá gây ung thư phổi” hoặc “Hút thuốc lá có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính” chiếm 30% diện tích vỏ bao thuốc lá, chữ đen trên nền trắng được cho là đã quá lạc hậu. Theo bà Hoàng Anh, cảnh báo tác hại thuốc lá bằng hình ảnh sốc chiếm diện tích lớn trên vỏ bao sẽ tác động rất lớn đến người hút thuốc, nhất là những thanh thiếu niên chưa hoặc đang có ý định hút thuốc lá. “Nhờ việc in cảnh báo bằng cả lời và hình ảnh trên vỏ bao thuốc mà mỗi năm, các quốc gia như Canada, Úc, Thái Lan, Singapore, Brazil… đã hạn chế được những ca tử vong vì thuốc, đồng thời giúp tăng động lực bỏ thuốc”- bà Hoàng Anh cho biết.

Tuy nhiên, theo một đại diện Bộ Y tế, để những hình ảnh rùng rợn có thể xuất hiện trên vỏ bao thuốc thì vẫn phải chờ đến ngày 1-11-2013, vì từ nay tới đó là khoảng thời gian để các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc tiêu thụ hết sản phẩm có lời cảnh báo cũ.


From the same category