Cám cảnh nghề môi giới chứng khoán

Vẫn 8h30 sáng hàng ngày có mặt ở công ty, chị Hương, nhân viên môi giới một công ty chứng khoán trên đường Kim Mã, Hà Nội chia sẻ: “Hôm nào thị trường nhộn nhịp thì vui, chứ có phiên chẳng khớp được lệnh nào, giao dịch thưa thớt, ngồi nhàn tản rất buồn”.

Một ngày làm việc của chị Hương bắt đầu khi sàn chứng khoán mở cửa, chị và các đồng nghiệp cùng nhận lệnh của khách hàng trong phiên cho đến khi kết thúc vào 14h30. Sau đó, chị bắt đầu làm chứng từ cho khách.

“Hôm nào có chứng từ thì mới bận rộn, chứ hôm không có gì chúng tôi lại giết thời gian bằng việc xem phim, tám chuyện, ra phố ăn quà vặt, ngồi không thì buồn lắm”, chị Hương thành thật. Cũng theo chị, mức lương cứng hiện tại của công ty là 2,5 triệu mỗi tháng. “Từ tháng 4 đến nay, thu nhập hằng tháng của chúng tôi chỉ dao động 2,5-2,7 triệu đồng do lượng khách ngày một hẻo. Đã vậy, công ty còn nợ lương cứng từ tháng 5 tới tận bây giờ”.

Các sàn giao dịch chứng khoán ngày một vắng bóng khách. Ảnh: Nhật Minh

Thu nhập không đủ bù chi phí ăn uống trong ngày, cũng như sinh hoạt khiến nhiều môi giới chứng khoán của công ty chị Hương phải chuyền nghề, hoặc kiêm thêm nhiều việc khác nhau. “Ngày ngày làm môi giới, mình còn chào bán hàng đa cấp, tối về thì làm thêm kế toán”, chị tiết lộ.

Từ đầu năm tới nay, công ty chứng khoán của chị đã có 5 nhân viên chính thức và 14 cộng tác viên bỏ việc, hiện giờ chỉ còn 12 nhân sự, gồm cả giám đốc.

Chỉ vài năm trước, khi chứng khoán còn đang ở đỉnh cao, nhân viên môi giới được xem là nghề “hot”. Những cú sốc thị trường và khủng hoảng kinh tế kéo dài chưa thấy điểm dừng đang khiến nghề môi giới trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.

Anh Hoàng, nhân viên môi giới có thâm niên tại một công ty chứng khoán thuộc tốp 10 về thị phần chia sẻ: “Chỉ những ai thực sự yêu nghề và am hiểu thị trường mới tiếp tục môi giới đến nay.”

Theo anh, thu nhập hiện tại của nhân viên môi giới không ổn định nếu không muốn nói là rất thấp. Thậm chí, nhiều môi giới còn không có thu nhập vì khách hàng đã quá chán nản với thị trường, trong khi đó nguồn khách mới lại vô cùng khan hiếm. “Có thời điểm trong năm nay, anh em môi giới chúng tôi chỉ nhận lương 1,5 triệu đồng” – anh Hoàng tâm sự, “hơn nữa, nếu không hoàn thành chỉ tiêu tháng, môi giới ở công ty tôi còn bị phạt 1 triệu đồng, thậm chí trưởng phòng cũng bị phạt 500.000 đồng.”

Thị trường liên tục đón nhận tin xấu, ngay phiên hồi đầu năm, Vn-Index đã suy yếu và loanh quanh ở mốc 350 điểm. Tới nay, chỉ số này vẫn không lên nổi 400 điểm như nhiều chuyên gia từng kỳ vọng trước đó.

Giao dịch ảm đạm, nhà đầu tư thờ ơ với chứng khoán khiến các công ty phải gồng mình giành khách, áp lực lại dồn sang nhân viên môi giới. Phần lớn những đơn vị này thường ra chính sách áp chỉ tiêu doanh số cho nhân viên. Dù công ty vẫn hỗ trợ một phần bằng cách giữ nguyên lương cơ bản, hành động này dường như chưa đủ làm dịu lòng cánh môi giới.

Chị Linh, chuyên viên phân tích một công ty chứng khoán có trụ sở chính tại TP HCM cảnh báo, “đám nhân viên môi giới bây giờ cứ như tổ kiến lửa, đụng vào họ rất dễ bị trút bực tức”. Nguyên nhân chủ yếu là họ phải chịu áp lực quá cao, lo tìm khách, lo thu hồi nợ từ những khoản margin cũ do khách chây ì không chịu trả. Chưa kể, họ còn bị cắt giảm một số khoản hỗ trợ như chi phí xăng xe, tiền điện thoại di động hằng tháng, chị Linh bày tỏ.

Không chỉ riêng nhân viên môi giới mới có cuộc sống bấp bênh về thu nhập, hiện nay, những vị trí tưởng chừng “an phận” như chuyên viên phân tích, bảo lãnh phát hành, kế toán.. cũng bị đe dọa.

Chị Linh tiết lộ: “Do những bộ phận này không bị áp doanh số, cũng không mang lại lợi nhuận nhiều cho công ty nên việc giảm biên chế là quy luật tất yếu. Nhiều công ty chứng khoán tôi quen, ngày xưa phòng phân tích rất hùng hậu, lên đến 7-8 người. Tuy nhiên vì khủng hoảng mà lãnh đạo công ty cắt giảm, giờ chỉ còn 3-4 người, bộ phận của tôi cũng không phải ngoại lệ.”

Trao đổi với VnExpress.net, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán SJC cho biết, “với diễn biến ảm đạm trên thị trường hiện nay, chúng tôi cũng có thể cắt giảm nhân sự một số bộ phận giấy tờ như kế toán, giao dịch viên. Tuy nhiên, nhân viên môi giới vẫn được ưu ái nhất công ty do đây là đơn vị mang về lợi nhuận về trực tiếp.”

Tổng giám đốc SJC cũng nhận định, để đánh giá năng lực một nhân viên môi giới trong bối cảnh thị trường còn khó khăn cho tới năm 2013, ông tập trung vào trình độ, kiến thức, lượng tài sản khách hàng tích lũy do môi giới quản lý.. chứ không chỉ riêng về doanh số.

“Áp lực nặng nề nhất của môi giới chứng khoán nằm ở khâu tìm kiếm khách và tư vấn. Nếu nhân viên nào làm tốt công việc tư vấn nhưng không đạt chỉ tiêu, chúng tôi vẫn tiếp tục trả lương”, ông Tuấn chia sẻ.

Còn tại Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc cho biết, từ đầu năm tới nay, doanh nghiệp đã tuyển thêm 80 nhân sự cho vị trí môi giới chứng khoán.

“Dù thị trường không có nhiều giao dịch, nhưng chúng tôi vẫn đánh giá cao nhân viên môi giới nếu họ đảm bảo sự tăng trưởng về trị giá tài sản ròng cho khách hàng. Hơn nữa, công ty cũng hỗ trợ đội ngũ môi giới bằng cách đào tạo nghiệp vụ, củng cố năng lực để giúp họ có cơ hội vượt qua sóng gió thị trường.”

Theo VnExpress

From the same category