Cái trượt dài về 2 thập kỉ trước của phụ nữ Afghanistan - Tạp chí Đẹp

Cái trượt dài về 2 thập kỉ trước của phụ nữ Afghanistan

Women Empower Women

Sau khi Taliban chiếm được thủ đô Kabul vào 15-8, phụ nữ ở đất nước này phải đối diện với tương lai mờ mịt. Không còn gì bảo đảm cho tính mạng, phẩm giá và nhân quyền của họ. Tất cả đều đã sụp đổ trong chớp mắt và bốc hơi cùng lúc với những lời hứa hẹn của Mỹ và các lực lượng quốc tế.

Ngày Kabul rơi vào tay Taliban, thế giới nhìn thấy sự sợ hãi trên gương mặt phụ nữ, và sự xấu xí trên gương mặt những gã đàn ông ghét phụ nữ. Họ đứng ngông nghênh trên đường, bắt đầu chế nhạo nhóm đàn bà đang tháo chạy. “Đi mà mặc burqa đi”, một kẻ kêu lên. “Đây là ngày cuối cùng cô được ra đường đấy”, một kẻ khác nói. “Tôi có thể cưới 4 người các cô trong một ngày”, một kẻ chế nhạo. Trong khi đó, những người phụ nữ thì đang cố thoát khỏi Kabul và đất nước này. “Tất cả những gì tôi có thể làm bây giờ chính là đốt bằng cấp và chạy đi tìm một cái burqa”, cô gái người Afghan nói với tờ The Guardian. Họ đã từng cố gắng vì một tương lai tươi đẹp. Và bây giờ, tương lai đó trở nên mù mịt như khói bụi Kabul.

Một cái trượt dài về 2 thập kỉ trước

Cuộc chiếm đóng của Taliban đã đẩy tương lai phụ nữ Afghan về 20 năm trước, thời Taliban chưa bị lật đổ do sức ép của các lực lượng quốc tế. Giai đoạn 1996-2001 là thời kì đen tối cho những người phụ nữ mưu cầu tự do và nhân quyền. Theo luật Sharia hà khắc mà Taliban đã áp dụng, phụ nữ không được đi làm và các bé gái không được đi học. Họ phải che kín mặt ở nơi công cộng và bị trừng phạt nếu ra ngoài mà không có nam giới đi cùng. Taliban còn cưỡng ép trẻ em gái kết hôn ở tuổi 12-15 và thực hiện các buổi hành quyết cực đoan, chẳng hạn như ném đá vì tội ngoại tình. Đằng sau cuộc tháo chạy trên sân bay Kabul và lớp áo burqa, chính là cái trượt dài của phụ nữ Afghanistan về 2 thập kỉ trước.

Vào thứ 2, chủ nhân giải Nobel hòa bình Malala Yousafzai đã chia sẻ với BBC rằng: “Tôi có cơ hội trò chuyện với các nữ hoạt động nhân quyền ở Afghanistan. Nhiều người trong số họ vẫn còn nhớ rõ sự thống khổ của những năm 1996-2001, vì vậy càng lo sợ hơn cho sự an toàn, quyền được bảo vệ, quyền được đến trường và làm việc của phụ nữ lúc này”.

Những hứa hẹn mơ hồ

Sau sự sụp đổ của Taliban vào năm 2001, những tiến bộ dân chủ ở Afghanistan đã dịch chuyển dù rất chậm. Rất nhiều phụ nữ được đi học đại học, có quyền bầu cử và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong tư pháp, truyền thông, chính trị và lực lượng an ninh. Tuy nhiên, sau ngày 15-8, tất cả những tiến bộ đó bỗng có nguy cơ biến mất.

Phụ nữ ở Afghanistan từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong xã hội.

Trong buổi họp báo vào 17-8, người phát ngôn của Taliban nói rằng họ đã khác trước, và sẽ cho phép phụ nữ được làm việc, học tập và hoạt động “trong khuôn khổ luật Sharia”. Giới truyền thông thế giới chỉ ra rằng, lời hứa này của Taliban là một “lời hứa lặp lại”, khi họ cũng đã tuyên bố như thế sau khi giành quyền kiểm soát Kabul vào năm 1996. Kết quả cho lời hứa đó là sự sợ hãi của người dân, các chương trình truyền hình và âm nhạc bị cấm, phụ nữ không được học hành, buộc phải ra ngoài với trang phục burqa. “Họ hứa sẽ bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Và tôi biết họ đang nói dối. Phiến quân đi khắp nơi trên đường phố. Kể cả khi tôi đã mặc burqa, họ vẫn nhìn như thể tôi không phải con người, như thể họ đang chiếm đoạt cuộc đời tôi, như thể tôi là rác rưởi”, một phụ nữ người Afghan kể lại với BBC như thế.

Mặc cho những hứa hẹn của Taliban trong buổi họp báo, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy phụ nữ ở Afghanistan được an toàn và tự do hoạt động xã hội. Cả thế giới đều đang đổ dồn về những gì đang xảy ra ở Kabul lúc này. Nhưng một khi nó bị lãng quên bởi hàng ngàn sự kiện khác, đó mới là lúc ác mộng bắt đầu.

Những gã đàn ông… ghét đàn bà

Những phụ nữ người Afghan đã thúc đẩy nữ quyền, vì tương lai họ và tương lai của những thế hệ sau. Nhưng tất cả những nỗ lực đó đều không còn nữa. “Tôi sắp hoàn thành xong hai bằng học tại những trường đại học tốt nhất Afghanistan. Vào tháng 9 sắp tới đây đáng lẽ là lúc tôi tốt nghiệp. Nhưng sáng hôm nay, mọi thứ bỗng dưng biến mất. Chị gái tôi đã lội bộ hàng dặm từ thị trấn về nhà, chị ấy đau đớn bảo rằng đã tắt chiếc máy tính từng cùng chị phục vụ cộng đồng trong suốt 4 năm qua. Và rồi chị nói lời tạm biệt với các đồng nghiệp trong nước mắt, vì ai cũng biết đó là ngày cuối cùng họ được làm việc”, một người phụ nữ Afghan nói với tờ The Guardian, cô giấu đi danh tính vì sợ phiến quân Taliban sẽ trả thù.

Và điều buồn bã nhất, chính là gương mặt xấu xí của những gã đàn ông ghét đàn bà. Họ không thích phụ nữ được đi học, làm việc và có được tự do. “Trong khi chúng tôi hoảng sợ, họ lại cười vui vẻ và nhạo báng chúng tôi. Thay vì đứng về phía phụ nữ, họ lại ủng hộ Taliban và cho phiến quân này thêm nhiều sức mạnh”.

Nhiều phụ nữ ở Afghanistan trốn ở trong nhà, khóa mạng xã hội và chôn điện thoại dưới đất. Vì sợ rằng phiến quân Taliban sẽ lùng ra dấu vết từ đấy, họ buộc phải giấu nhẹm danh tính của mình. “Tôi chăm chỉ cả ngày đêm để trở thành tôi hôm nay, và sáng hôm nay khi về nhà, điều đầu tiên tôi và chị gái làm chính là giấu đi ID, chứng chỉ và bằng cấp. Điều đó rất đau đớn. Tại sao chúng tôi phải giấu đi niềm tự hào của mình? Ở Afghanistan bây giờ đây, chúng tôi không được phép sống cuộc đời mình. Tôi không còn được cười nói rộn ràng, không còn hò hẹn bạn bè ở quán café yêu thích, không còn được mặc cái váy vàng xinh đẹp hay tô son môi hồng. Và tôi không còn được làm việc hay hoàn thành bằng đại học mà tôi đã từng nỗ lực. Như một người phụ nữ, tôi có cảm giác mình là nạn nhân trong chính cuộc chiến của những gã đàn ông”, cô nói.

Tác giả: Hằng Trần

23/08/2021, 11:32