Trong căn nhà thuê chưa đến 50 mét vuông ở một con đường nhỏ tại Q. 8, Tp. HCM, không gian riêng của bà Vân chỉ là một chiếc ghế xếp làm chỗ ngủ ngoài thềm nhà; còn bên trong, bà giành cho những “đứa con” đặc biệt – những chú chó được bà cứu hoặc nhận nuôi. Trong đó, có những con vô chủ, bị bỏ rơi hoặc bạo hành. Tất cả đều được bà nuôi dưỡng, yêu thương như con mình.
Một trong những người hỗ trợ và giúp đỡ bà Vân nhiều nhất là chị Thanh. Chị chia sẻ, nhờ đặc thù công việc (kinh doanh tự do – PV) mà chị luôn có điều kiện về thời gian cũng như tài chính để tham gia cứu hộ và nuôi dưỡng. Hiện tại, chị cũng đang nhận gần 10 chú chó về nuôi dưỡng, và song song với việc giúp đỡ bà Vân cũng như các trạm cứu hộ động vật khác.
Từng được biết đến thông qua việc hỗ trợ động vật, nhưng chị Thanh cũng hứng chịu rất nhiều lời nói ác ý. Nhẹ thì nói chị bị khùng, rỗi hơi, lo chuyện bao đồng, sao không dành công sức và tiền ấy đi cứu người; ác miệng hơn thì có người nói chị lấy chó về để bán lại, hay cố tình để được nổi tiếng.
Vì từng có những kẻ xấu rình rập xung quanh nhà rình bắt chó nên lâu dần bà Vân hạn chế tiếp xúc với người lạ, ngôi nhà cũng luôn đóng cửa và che bạt kín mít. Cho đến khi chúng tôi ra về, bà vẫn luôn miệng dặn: “Đừng để ai biết địa chỉ nhà nhé, không thì người ta đến bắt con bà đi mất!”. Cũng chính vì hạn chế tiếp xúc với người lạ, mà rất ít tổ chức cứu trợ động vật hoặc những nhà hảo tâm có thể tiếp xúc và giúp đỡ bà.
Không gia đình, không họ hàng, giờ đây người thân nhất của bà là chị Thanh và những chú chó. Thậm chí, di nguyện cuối cùng của bà là mong chị Thanh có thể tiếp tục chăm sóc chúng sau khi bà qua đời.
Tết đã về với mỗi người, mỗi nhà trong khung cảnh đoàn viên, vui vầy. Nhưng Tết nào sẽ về với người đàn bà còn mải mê xem những chú chó như chính cuộc sống của mình?