Với ông thợ cày thì con bò to hay đồng lúa xanh là đẹp. Với ông xích lô đạp thì chiếc xích lô máy đẹp tuyệt vời, với ông đạo diễn thì Chương Tử Di là nhất còn với Chí Phèo Thị Nở là tiên.
Tôi còn nhớ như in, cách đây mấy chục năm, hồi đất nước đang chiến tranh, tôi nhìn chiếc xe đạp Mifa của Cộng hòa dân chủ Đức sản xuất với lòng ngưỡng mộ tràn ngập với tâm trí tôi và các bạn tôi hồi ấy đó là một vật thể tuyệt mỹ không thể nào hơn. Bây giờ, nếu nhìn lại nó, tôi chắc chắn sẽ bật cười.
Cho nên chuyện Đẹp với người này mà không Đẹp với người kia là chuyện thường trong xã hội. Tất nhiên thiên hạ đều muốn đấu tranh hướng đến vẻ đẹp chung, hoặc đấu tranh để cái đẹp của riêng mình được công nhận là chung, (trong đấu tranh như thế, cũng chả từ thủ đoạn nào!). Tuy nhiên, xét cho cùng, sự phong phú, khác nhau, thậm chí xung đột nhau của cái đẹp là một ưu điểm. Nó khiến cho Đẹp đa dạng, Đẹp nhiều màu sắc và… ai cũng có thể sắm được Đẹp cho mình. Ai cũng có khả năng Đẹp trên phim, Đẹp trong lao động, Đẹp lúc đang tắm hoặc Đẹp lúc ra tòa!
Còn Đẹp trong chụp ảnh thì sao?
Nhiếp ảnh là một trong những phương tiện lâu đời nhất và thông dụng nhất để lưu giữ cái đẹp. Trước khi nhiếp ảnh ra đời, ai muốn khoe mình đẹp ra sao phải thuê họa sĩ vẽ. Vẽ thì phải ngồi lâu (có khi lâu tới mấy năm). Họa sĩ thì cũng có nhiều loại (chưa kể nhiều giá tiền). Và khiếp sợ nhất là họa sĩ càng nổi tiếng, vẽ ta càng… xấu.
Vì họa sĩ nổi tiếng không vẽ theo ta, mà vẽ theo ông ấy. Cho nên nếu bạn là tỷ phú, bạn thuê Picátsô vẽ chân dung của mình thì phải liệu hồn. Tranh ấy để bán thì không sao (chắc chắn có lãi) nhưng để nhận ra bạn thì đừng hy vọng! Bạn sẽ thành những hình tam giác, hình tròn, hoặc không ra tam giác lẫn tròn, hay bạn sẽ biến thành những mảng đen mảng đỏ được nối với nhau bằng những mảng xanh xanh.
Cho nên nhiếp ảnh ra đời thực là tiện quá. Chỉ cần đến tiệm là ai cũng má hồng, ai cũng đứng bên biệt thự hoặc đứng bên xe hơi, nếu là nhiếp ảnh phố huyện. Còn bây giờ, ai cũng như người mẫu, như tài tử nếu là nhiếp ảnh… Sài Gòn kèm theo “phô tô sốp”.
Chả có gì ví dụ hùng hồn hơn về sự lôi thôi của Đẹp khi các cô đi chụp ảnh. Yêu cầu đầu tiên khi chụp là phải giống mình. Nếu mặt cô Tèo mà nhìn như mặt cô Tý không thể được, không chịu trả tiền. Điều đó cũng hợp lý thôi, và nhiếp ảnh đầu tiên phải trung thực.
Nhưng mà giống quá cũng “toi” ông thợ ảnh nào chụp giống 100%, ông ấy chắc chắn phải đóng cửa tiệm sớm. Phải là em, nhưng lại Đẹp hơn em cơ!
Thế là sao? Thế là thế nào? Điên lên mất. Nhưng vậy đó, các cô cứ khăng khăng. Dù má em cao hoặc đen hoặc vừa đen vừa cao thì má trong hình cứ phải bầu bĩnh. Dù răng em có chĩa ra ngoài mấy thước thì răng của chính em trong hình phải đều tăm tắp như hạt bắp non. Còn nếu mắt em có nhỏ như sợi chỉ thì mắt trong hình cũng phải tròn và to như mắt bồ câu.
Tóm lại dù em đấy, nhưng anh phải chụp thế nào để em khác hoàn toàn, nhìn em cả nhân loại thấy Chương Tử Di, thấy Việt Trinh… Nhưng trên các nền tổng hợp đó, vẫn lại thấy em.
Ngày xưa điều ấy khó và khổ vô cùng. Các ông thợ ảnh, muốn trở nêu giàu khi chụp chân dung đều biến thành ông thợ… cạo. Nghĩa là chụp xong, gò lưng cạo ảnh, cạo phim. Chính vì thế, có những tiệm không cho phép khách đến lấy phim về nhà, vì nếu dùng phim ấy in ra, thì bức ảnh sao với bức tiệm giao khác một trời một… vực sâu thăm thẳm.
Từ hiện tượng vừa bực mình, vừa khôi hài lại vừa dễ thương đó, ta rút ra cái gì, hỡi các bạn tội nghiệp của tôi: Rút ra chân lý “Cái Đẹp là cái của mình nhưng lại mang trộn với người ta!”.