Cái bóng “to đùng” của văn hóa Trung Hoa

Made For China?

Vừa qua, tại bữa tiệc thời trang lớn nhất trong năm – Met Gala 2015 – với chủ đề “China: through the looking glass”, mọi người đã được chứng kiến những “màn trình diễn” ngoạn mục từ những mẫu thiết kế mang cảm hứng Trung Hoa cực kỳ ấn tượng. Không chỉ vậy, qua triển lãm “China: through the looking glass” tại Viện Bảo tàng Metropolitan, New York, mọi người sẽ thấy rõ được tầm ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong các thiết kế thời trang của những thương hiệu hàng đầu như Chanel, Christian Dior, Roberto Cavalli,… và cả những tác phẩm nghệ thuật trưng bày. Câu chuyện về sức ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đã được viết lên từ lâu và cho đến bây giờ vẫn chưa tới hồi kết.

Đọc thêm

Cả thế giới trở thành TTTM cho người Trung Quốc?

 

Châu Á là “điểm nóng” đối với tất cả những nhãn hiệu thời trang lớn trên thế giới. Sức mua và lượng tiêu thụ tại các thị trường trong khu vực Châu Á luôn mang đến sự kinh ngạc đối với các nhãn hiệu này. Mới đây, Chanel đã tổ chức buổi trình diễn show Cruise 2016 tại Seoul với những thiết kế lấy cảm hứng từ văn hóa Hàn Quốc rất sáng tạo và thú vị. Hàn Quốc hiện đang là thị trường lớn thứ ba tại Châu Á, đứng sau Trung Quốc và Nhật Bản. Và trước khi đến với Seoul, Chanel cũng từng ghé qua Thượng Hải (Trung Quốc) để giới thiệu bộ sưu tập Méteir d’Art Paris-Shanghai hồi tháng 12 năm 2009.

Cùng với sự trợ giúp của Conde Nast, Yahoo, buổi trưng bày triển lãm năm nay tại Viện Bảo tàng Metropolitan đã nhận được sự đóng góp của rất nhiều nhà sưu tập hảo tâm Trung Quốc với những món đồ cực kỳ quý giá, thể hiện được đúng tinh thần của văn hóa Trung Hoa. Có thể nhìn thấy hình ảnh của Trung Hoa qua các món đồ như tranh ảnh, đồ gốm sứ, tác phẩm nghệ thuật, và dĩ nhiên bao gồm cả những thiết kế thời trang. 

Cách bố trí của triển lãm cũng thể hiện rõ nét sức ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa trong các tác phẩm được trưng bày. Ví dụ, chiếc bình cổ từ thế kỷ 15 đời nhà Minh đặt kế bên thiết kế đầm dạ hội của Roberto Cavalli với những họa tiết xanh dương và trắng được ra mắt 10 năm về trước. Hoặc, phong cách mang tính ẩn dụ của nhà thiết kế đồ nam Craig Dean đến từ London gợi đến trường phái thiền và đặc biệt là những mẫu đầm couture của Dior được thực hiện bởi nhà thiết kế John Galliano đều “nhuốm” đẫm màu sắc Trung Hoa đặc trưng. 

Những họa tiết lấy cảm hứng từ đồ gốm sứ thời nhà Minh xuất hiện trong các thiết kế được trưng bày tại Viện Bảo tàng Metropolitan

Thế kỷ 20, không thể không nhắc đến trào lưu Chinoiserie hay Japonisme – các thuật ngữ bằng tiếng Pháp nói đến sức ảnh hưởng của Trung Hoa hay Nhật Bản tới quan điểm về gu thẩm mỹ phương Tây. Giới thượng lưu Châu Âu thời bấy giờ vẫn luôn săn lùng những món đồ mang dấu ấn phương Đông để sưu tập bởi họ trân trọng giá trị tinh thần từ tư duy thẩm mỹ ấy. Thẩm mỹ phương Đông dần dần đi vào cuộc sống của người phương Tây và là nguồn cảm hứng dồi dào bất tận trong các bộ sưu tập gần đây của những nhà mốt hàng đầu. Và thế là không chỉ có nền ẩm thực độc đáo, các dấu ấn thẩm mỹ đậm nét Trung Quốc đã trở thành những điểm không thể thiếu trong cuộc sống của người dân phương Tây, hiện diện rất rõ rệt trong các bộ sưu tập thời trang hiện đại. 

Cách bài trí những tác phẩm tại triển lãm ở Metropolitan lần này mang đến cái nhìn hết sức đa dạng về văn hóa và thẩm mỹ Trung Quốc. Giám đốc nghệ thuật của triển lãm không ai khác chính là đạo diễn Vương Gia Vệ nổi tiếng với tác phẩm điện ảnh “In the mood for love”. Đặc biệt, ban tổ chức cũng đặt riêng nhà thiết kế mũ lừng lẫy Stephen Jones thực hiện hơn 100 chiếc mũ lấy cảm hứng từ phương Đông huyền bí cho những mannequin trưng bày trong triển lãm lần này.

Nữ ca sĩ Rihanna gây chấn động tại Met Gala 2015 với chiếc áo khoác của NTK Guo Pei nặng 25kg

Ngoài Met Gala 2015, chúng ta vẫn có thể thấy rõ sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong những sáng tạo của các nhà mốt hàng đầu thế giới. Và điều ấy không chỉ gói gọn trong các mẫu thêu rồng, phượng. Năm 2008, nhãn hiệu cao cấp Hermès ra mắt thương hiệu mang cái tên “100% Trung Quốc” Shang Xia (Thiên Địa) với những sáng tạo được thực hiện bởi kỹ nghệ thủ công Trung Hoa lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay, Shang Xia có 3 cửa hàng trên toàn thế giới (ở Bắc Kinh, Thượng Hải, và Paris). 

Những sản phẩm của Shang Xia được bán ra với giá rẻ hơn so với các thiết kế mang thương hiệu Hermès, một chiếc vòng cổ bằng bạc có giá tầm 900 bảng hay một chiếc túi xách bằng tre và da thuộc có giá khoảng 3000 bảng. Hermès cũng không kỳ vọng thương hiệu Shang Xia sẽ sinh lời trong thời gian này, sớm nhất cũng phải đến năm 2016. Để xây dựng và phát triển một thương hiệu đòi hỏi rất nhiều yếu tố, và một trong số đó là sự đầu tư “mạnh tay”. 

Cửa hàng Shang Xia tại Paris, Pháp

Một số thương hiệu khác cũng bắt đầu để ý tới việc gắn liền sản phẩm của mình với thị trường Châu Á. Đặc biệt, Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn trong năm của nhiều nước Châu Á, do đó, các hãng thời trang tên tuổi như Burberry, Ralph Lauren, Loewe, Lalique, hay Diane von Furstenberg đều tranh thủ thời điểm này để đưa ra những thiết kế độc đáo của mình. Thậm chí, Fendi còn cho ra mắt cả một bộ sưu tập dành riêng cho dịp Tết Nguyên đán vừa qua với những tông màu truyền thống: đỏ và vàng ánh kim. 

Mẫu túi xách Cara màu đỏ của Mulberry cho dịp Tết Nguyên đán vừa qua

Những mẫu khăn lụa của Salvatore Ferragamo dành cho năm Mùi (con dê)

Burberry cho ra mắt những mẫu khăn cashmere có thêu chữ Trung Quốc nhân dịp Tết Nguyên đán

Trở lại với buổi triển lãm vừa qua tại Metropolitan, đó có thể được coi là một tổng kết, mang tính “nhắc nhở” về tầm ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc tới ngành thời trang. Và chắc chắn, sẽ còn rất nhiều điều bất ngờ nữa về “nguồn cảm hứng” bất tận này đang chờ đợi được khai phá trong tương lai.

Một thiết kế của NTK Trung Quốc được trưng bày tại triển lãm ‘China: Through the looking glass’ tại Viện Bảo tàng Metropolitan

Bài: Tuấn Anh

logo 


From the same category