“1Q84”, Haruki Murakami
(NXB Văn học)
Sẽ không quá khó hiểu nếu những từ ngữ bí hiểm trong “1Q84” (tập I, II và III; Lục Hương dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn) dần trở thành cửa miệng đối với fan hâm mộ Haruki Murakami: nhộng không khí, người tí hon, thể trung gian, mẫu thể, tử thể… Những hình ảnh mang tính comic xuất hiện khá dày đặc trong cuốn tiểu thuyết đồ sộ với tham vọng kết tụ các sở trường bấy lâu của vị tác giả Nhật, người nhiều năm nay “lĩnh hụt” giải Nobel văn chương. Ngoài mạch truyện lôi cuốn, người đọc tìm thấy gì trong đó: ký ức đan xen trong màu sắc xưa cũ, các nhân vật bơ vơ giữa hư và thực, trinh thám có, lãng mạn có, và xen lẫn cả một vài kiến giải về giải phẫu học.
Hai tuyến nhân vật mở ra với kíp nổ tưởng chừng không liên quan đến nhau. Tengo, một giáo viên toán và nhà văn thời vụ, được nhờ viết lại bản thảo “Nhộng không khí” trong cuộc thi Tác giả mới mà không ngờ anh bị hút vào thế giới của Fukaeri, cô gái 17 tuổi mắc chứng khó đọc (dyslexia). Còn Aomame, chuyên gia xoa bóp và phục hồi chức năng, vô tình rơi vào thế giới 1Q84 (khi đang ở năm 1984) trong lúc nghe bản giao hưởng “Sinfonietta” của Leos Janacek trên đường thực hiện một “đặc vụ”. Tâm ý của Aomame và Tengo, vốn đã có sợi dây gắn kết trong tuổi thơ ám ảnh của cả hai, rồi sẽ tương thông khi họ nhìn thấy một dấu hiệu kỳ lạ: hai mặt trăng cùng xuất hiện trên bầu trời.
Để tìm thấy nhau và thoát khỏi 1Q84, mục đích của Tengo và Aomame (đến tập III sẽ có thêm tuyến nhân vật nữa: tay thám tử tư dị hợm Ushikawa) là khám phá thực tại đã mất nhờ những điều nhỏ nhặt, tầm thường, chẳng hạn “chú hổ trên tấm biển quảng cáo của hãng Esso, tay cầm vòi bơm xăng, nở nụ cười như đã biết hết thảy, nhìn hai con người đang nắm chặt tay nhau” (tập III, tr. 489). Với ý định ấy, cùng sự đan xen những hồi ức chủ tâm và không chủ tâm, Murakami chịu ảnh hưởng không nhỏ từ Marcel Proust, người cũng vừa có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt, “Bên phía nhà Swann” – tập I của bộ tiểu thuyết kinh điển “Đi tìm thời gian đã mất”. Đó là thời gian biến tấu và đầy chất thơ, thời gian mơ mộng chồng lên trên thời gian văn bản.
Tác giả đã có lần dẫn chiếu đến Proust. Sau “đặc vụ” cuối cùng liên quan đến lãnh tụ giáo đoàn Sakitage, Aomame ẩn náu trong một căn hộ biệt lập để lẩn tránh sự truy lùng của đối phương. Tại đó cô bầu bạn với hai thứ: cây gậy đánh bóng bằng kim loại và bộ “Đi tìm thời gian đã mất” của Proust. Một vật dụng nặng nề kim khí giúp nàng giữ thói quen vận động; một thiên tiểu thuyết dây leo, rối mù, phù phiếm (dài gấp ba lần “1Q84”) giúp nàng đắm chìm trong bầu không khí siêu tưởng, phi thời gian.
Murakami lồng vào tác phẩm đậm đặc chất hư ảo. Người đọc, người kể chuyện, và cả nhân vật khi đóng vai người kể chuyện (như Tengo khi kể về thành phố mèo), không ai biết hết mọi thứ. Dù được người quan sát (chính là “người tí hon”) dẫn dắt từ đầu đến cuối, nhưng sự gắn kết giữa hiện thực trong 1Q84 với những gì quan sát được chỉ là tương đối.
Với nhiều tham vọng, đến phần cuối “1Q84” tỏ ra bị đuối: nhạc tính không còn duy trì như ban đầu, tâm lý nhân vật thăng tiến vội vã. Người đọc có thể hụt hẫng tại đoạn kết chóng vánh: cách đưa nhân vật ra khỏi thế giới siêu tưởng, cách cô đặc mối quan hệ của Aomame và Tengo. Tác giả đóng vai trò chủ động, kéo người đọc ra khỏi thế giới siêu thực. Ông vận dụng mô-típ “trở lại và định hình” như Proust thể hiện trong tập cuối “Thời gian tìm lại”.
Một kết cục lỏng lẻo rõ là lệch tông với cả tác phẩm đồ sộ. Giá như tác giả một mực trung thành với hiện thực huyền ảo ở “1Q84”, để nhân vật và người đọc thất lạc trong thành phố mèo khi chuyến tàu cuối của “người tí hon” đi qua. Giá như để Tengo và Aomame ở lại trong sự thăng hoa xuất thần. Khác với “Rừng Nauy”, hay “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”, lần này Murakami có một vũ khí mới: sự đủng đỉnh. Phải chăng đó là cái bẫy dành cho nhà văn ở một giai đoạn có quá nhiều sự thong dong, từ tốn trong cuộc đời, không còn ham muốn thách đố, “không có sự mạnh mẽ dám bất chấp tất cả, xả thân vì tâm hồn người đọc” như cách ông mô tả văn chương của Tengo trước khi anh bắt tay sửa “Nhộng không khí”? Murakami không mơ. Ông rất tỉnh, ông sợ văn vận vào người.
“Bốn học thuyết truyền thông”, S.Siebert, T.Peterson, W.Schramm
(NXB Tri Thức)
Cung cấp những nền tảng lý luận và bộ quy tắc căn bản nhất, cuốn sách ra đời cách đây nửa thế kỷ cho đến nay vẫn là tài liệu không thể thiếu cho bất cứ sinh viên nào học khoa truyền thông, báo chí. Trong bốn loại hình của truyền thông phương Tây được các tác giả phân tích, quan trọng nhất ở thời hiện đại là học thuyết trách nhiệm xã hội, bao quát một nguyên tắc bất di bất dịch nhưng khó với tới nhất: đạo đức nghề nghiệp.
“Điếu cổ Hạ kim thi tập”, Nguyễn Liên Phong
(Cao Tự Thanh chỉnh lý và giới thiệu, NXB Văn hóa – Văn nghệ)
Sách thuộc dạng “Who’s Who” bao gồm tiểu sử của hơn 200 nhân vật Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc. Sau mỗi tiểu sử là bài điếu hay hạ của Nguyễn Liên Phong. Còn lấy biệt hiệu Giang hồ lão sư, tác giả viết về giới trí thức tân học, nhất là tầng lớp trung lưu địa phương, với giọng rạch ròi, khoáng đạt. Sách cung cấp cái nhìn dưới góc độ “nhân vật chí” về bối cảnh kinh tế-xã hội của một thời kỳ còn khuyết nhiều tư liệu trong lịch sử.
Bài: Trần Quốc Tân
>>> Có thể bạn quan tâm: “Bay đêm” mở đầu bằng tràn ngập hình ảnh so sánh, gợi lên ký ức về một miền cảm xúc chông chênh: chiều buông như mặt nước gợn nhẹ bên bến cảng, chàng phi công như mục đồng của những thành thị nhỏ xinh, bầu trời yên như một bể cá bằng kính, những cơn giông ẩn mình như con sâu chui vào quả ngọt.