Thay vì hành động để đạt được điều mình muốn, chúng sẽ lười biếng, động tí là sai bảo, nhờ cậy người khác” – chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga, Trưởng phòng tư vấn tâm lý Trường Phổ thông liên cấp Olympia.
Bố mẹ ra quyết định dựa trên nỗi sợ hãi
Chưa bao giờ những thông tin tai nạn, rủi ro, đâm giết, cướp, hiếp… lại được đưa lên báo chí nhiều như mấy năm gần đây. Có lẽ một phần vì đánh vào nỗi sợ hãi sẽ gây chú ý hơn nói về cái đẹp, điều tốt trong cuộc sống.
Bố mẹ luôn thấy con mỏng manh cần bảo vệ. Ảnh minh hoạ
Từ khi sinh con ra, bố mẹ đã luôn cảm thấy con mình là một thực thể mỏng manh nhỏ bé, cần được bảo vệ.
Xã hội hiện đại phức tạp, nhiều cạm bẫy, sự phát triển của Internet với cả mặt tốt lẫn mặt xấu, thông tin nhan nhản về tệ nạn… càng khiến nỗi lo lắng, bất an trở nên mạnh mẽ.
Điều có thể khiến nhiều bố mẹ ứng xử, ra quyết định dựa trên nỗi sợ hãi.
Ths Phương Hoài Nga cho rằng không thể kết luận rằng bố mẹ Việt bảo bọc con quá mức, khiến con không tự lập nếu chỉ dựa vào việc bố mẹ đưa đón con hàng ngày.
Việc các em tự đi chơi, đi học chỉ là một biểu hiện của sự tự lập chứ không phải là mục đích cuối cùng, kết quả của sự tự lập.
Mặc dầu vậy, bố mẹ cũng nên tự hỏi mình, không chỉ trong việc đưa đón con mà còn nhiều quyết định khác: Liệu có phải mình đang hành xử với con dựa trên nỗi lo lắng?
Một số mẹ không cho con chơi với bạn vì sợ đó là bạn xấu, không cho con ra ngoài vì sợ không kiểm soát được hành động của con, không cho con thân thiết với bạn bè vì sợ con sẽ quay lưng lại với gia đình.
Khi bố mẹ ra các quyết định dựa trên những sợ hãi, lo lắng của mình thay vì dựa trên sự quan tâm, tin tưởng vào khả năng của con, điều đó sẽ tạo ra sự áp đặt, căng thẳng cho mối quan hệ.
Sự lo lắng của bố mẹ cũng là điều cần thiết để giúp con nhận ra những khía cạnh rủi ro, không an toàn của cuộc sống.
Tuy nhiên, nếu sự sợ hãi này không đi kèm với niềm tin rằng “con sẽ thích nghi được”, ‘con sẽ vượt qua”, “con có khả năng tự bảo vệ mình” có thể khiến đứa trẻ sợ hãi không dám làm gì, không dám đi đâu, nhút nhát và thụ động trước cuộc sống – Ths Phương Hoài Nga kết luận.
Cho con thêm tự do, dạy con tự bảo vệ mình
“Cách đây ít lâu, ở trường tôi có một buổi dạ tiệc cuối năm dành cho toàn trường, nơi học sinh có thể ăn mặc đẹp, khiêu vũ với bạn bè. Tôi hỏi một cô bé lớp 10 “Em có đi không?” Cô bé trả lời: “Còn tùy xem bố mẹ em có vui không”.
Rõ ràng em không thể tự mình ra một quyết định đơn giản, dù đó là hoạt động cho tất cả học sinh, hôm đó em rảnh, em đã có váy đẹp và em biết sẽ rất vui. Thay vì em có thể tự mình quyết định, lên kế hoạch trước một việc đơn giản trong cuộc sống của em, mọi thứ lại phụ thuộc vào điều em hoàn toàn không thể kiểm soát được”.
Câu chuyện nhỏ kiến tôi thấm thía hơn một điều: “Bên cạnh việc định hướng, đồng hành, bảo vệ con, bố mẹ cũng nên cho con chút tự do, tạo cho con những giây phút riêng tư nhất định, để con tự quyết định cuộc sống của mình trong giới hạn có thể, thay vì cấm đoán, bảo bọc con như công chúa cấm cung”.
Theo Ths Phương Hoài Nga, bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho con gái, câu chuyện “con gái không tự chơi, ngủ đêm ở nhà bạn” cũng phản ánh quan niệm giới tính ăn sâu vào văn hóa Á Đông
Chính các con cũng muốn tự lập. Ảnh minh hoạ
“Con gái thì không được…, con trai thì không sao” là câu nói quen thuộc mà nhiều cô bé vẫn phải chấp nhận một cách ấm ức khi họ còn nhỏ. Nhiều cô bé ao ước được là con trai, nghĩ rằng con trai thì sẽ tự do, làm mọi điều mình muốn.
Thay vì coi con gái cũng là một cá thể độc lập, giúp con ý thức về các giới hạn, biết cách tự bảo vệ bản thân trước các nguy cơ, tình huống, một số bố mẹ sẽ chọn cách dễ dàng nhất là cấm đoán.
Cho con gái đi học võ, học các biện pháp phòng vệ, thảo luận về các tình huống nguy hiểm và cách ứng xử… vừa giúp con tránh rủi ro, vừa tăng cường sự tự tin, độc lập để con tự do khám phá cuộc sống, phát triển ý chí, trở thành một người phụ nữ hiện đại, phát huy các tiềm năng của bản thân mà không bị giới hạn bởi những định kiến giới tính.
Ở nước ngoài, học sinh nữ được trang bị những sản phẩm giúp tự bảo vệ mình trong trường hợp cần thiết. Các ông bố thường đưa cho con như cây dí điện, thuốc xịt hơi cay…, hướng dẫn con sử dụng trước khi đi ra ngoài.
Các em cũng được học cách tự vệ ở trường học, được hướng dẫn và thực hành những động tác phòng vệ. Rõ ràng, ở bất cứ quốc gia nào trong xã hội hiện đại, việc ý thức về đảm bảo an toàn và cách bảo vệ mình là điều tối cần thiết.
Ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ cần nói chuyện với con về vấn đề an toàn. Với con học mẫu giáo, bố mẹ cần hướng dẫn con không đi theo, đi chơi với người lạ, không nhận quà bánh từ người lạ mà không được sự đồng ý của bố mẹ, không cho ai sờ vào bộ phận sinh dục của con, nếu có ai làm vậy hoặc đánh con thì cần phải nói với bố mẹ…
Khi con lớn lên, bố mẹ có thể đọc, trao đổi cùng con thông tin về tệ nạn, hiếp dâm, bắt cóc… trên báo chí, trao đổi về tình huống, cách thức phòng tránh cũng như bảo vệ mình. Tránh trường hợp chỉ dùng thông tin đó để đe nẹt, dọa dẫm con, khiến con sợ hãi mà không biết cách phòng tránh, ứng xử.
Nếu nhà gần và giao thông từ nhà đến trường không quá phức tạp, bố mẹ có thể cùng con luyện tập để thích nghi với đường sá, giao thông.
“Kể cả khi bố mẹ đưa đón, con vẫn có sự tự do đưa ra quyết định, lên kế hoạch về việc mình sẽ đi đâu, tham gia hoạt động gì, nhận biết về những nguy hiểm và cách phòng tránh… thì con vẫn có sự tự do và tự lập cần thiết để phát triển”, Ths Phương Hoài Nga khẳng định.
Theo Bee