Cách chi tiêu khôn ngoan khi trả tiền bằng ví điện tử

Trả chi phí bằng ví điện tử và thẻ ngân hàng là phương thức thanh toán phổ biến hiện nay. Kiểu thanh toán “không chạm” này được ưa chuộng vì tính tiện lợi, an toàn, ngoài ra các đầu ví trực tuyến cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hoặc hoàn tiền. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng sử dụng ví điện tử để thanh toán khiến người dùng… hoang phí hơn. Liệu điều này có đúng không? Và làm cách nào để chi tiêu thông minh khi sử dụng ví điện tử?

Ví điện tử kích cầu mua sắm 

Cho đến thời điểm hiện tại, có khoảng 43 loại ví điện tử ở thị trường Việt Nam, nhu cầu thanh toán không tiếp xúc cao gấp 8 lần so với 6 năm trước đây, đặc biệt bùng nổ kể từ khi đại dịch bắt đầu. Theo nghiên cứu của Decision Lab, có tới 61% khách hàng Việt Nam sử dụng từ hai ví điện tử trở lên, 35% người dùng sử dụng ví điện tử 3-5 lần một tuần và 30% người dùng sử dụng ví điện tử hàng ngày.

Mặc dù được ưa chuộng vì có nhiều chính sách ưu đãi giảm giá, tiện lợi và an toàn, người sử dụng ví điện tử lại có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, khi sử dụng ví điện tử, người tiêu dùng thanh toán nhiều hơn 2,4%. 

Lí do cho sự hoang phí này chính là tiền mặt thì hữu hình, còn tiền điện tử thì… vô hình. Người dùng không ý thức được mình đang tiêu bao nhiêu tiền, khó theo dõi khoản ngân sách. Thêm vào đó, việc thanh toán quá dễ dàng chỉ bằng cách nhập mã pin và xác thực OTP khiến người tiêu dùng dễ vung tiền quá trán. Một số ví điện tử còn cho phép thanh toán sau, người dùng tự do ứng tiền nên cảm thấy bớt mất mát hơn khi không phải chi tiền ngay lập tức. Chính vì những nguyên nhân trên, ví điện tử quả thực đã khiến chúng ta tiêu xài “vô trách nhiệm” và “vô thức” hơn. 

Thế nhưng, sự tiện lợi của thanh toán qua ví điện tử là không thể phủ nhận. Vậy làm sao để vừa hưởng lợi vừa không bị sa đà vào trường hợp tiêu xài phung phí?

3 bước quản lí chi tiêu

Dù là thanh toán bằng tiền mặt hay ví điện tử, ý thức được mình đang có bao nhiêu tiền và mình đang sử dụng cho cái gì chính là hai yếu tố quan trọng nhất trong quản lý chi tiêu. Theo Global News, bạn sẽ dần chi tiêu khôn ngoan hơn nếu nắm vững được 3 chìa khóa:

  1. Thu nhập ròng: Số tiền bạn có được mỗi tháng từ mọi nguồn thu nhập
  2. Các khoản chi tiêu thiết yếu: Những khoản tiền bắt buộc phải bỏ ra trong mỗi tháng như chi phí ăn ở, đi lại,…
  3. Các khoản chi tiêu khác: Bao gồm chi phí phát sinh, hoặc các khoản chi lặt vặt như mua một ly cà phê, ăn một bữa ăn ngoài,…

Hãy theo dõi thu chi trong tháng bằng cách giữ lại toàn bộ hóa đơn, ghi chép trong sổ tay, tự lập một bảng sheet trong excel hoặc sử dụng các app quản lý tài chính. Ngoài ra, nếu thực sự cảm thấy không quản lý được ví điện tử, hãy tắt nó đi và chọn sử dụng tiền mặt. 

Nếu bạn không muốn trở thành một người… làm bao nhiêu cũng không đủ, thì chi tiêu thông minh là điều cần phải làm ngay lúc này. Ví điện tử quả thực rất tiện dụng, nhưng hãy để nó là công cụ hỗ trợ chi tiêu thay vì một “cỗ máy” ngốn hết tiền của bạn. 


From the same category