Nói dối
Con gái nằng nặc không chịu vào nhà trẻ. Bạn chỉ vào căn nhà cạnh nhà trẻ và dọa: “Đó là nhà của ông kẹ, hoặc là con đi học hoặc là mẹ cho con vào đó”. Con bé nghe lời, bạn hân hoan vì hoàn thành nhiệm vụ, nhưng rồi bạn té ngửa khi mấy ngày sau, cứ đi ngang căn nhà bạn từng dọa có “ông kẹ” là con bạn ù té chạy vì sợ. Con bé thậm chí nghĩ rằng… tất cả căn nhà quanh nhà trẻ đều có ông kẹ.
Đe dọa… suông
Con giành đồ chơi với bạn, bạn hét lên: “Con không trả đồ chơi cho bạn là mẹ tịch thu tất”, và bạn tiếp tục… quay ra tám chuyện. Con bạn thầm nghĩ: “Mình sẽ giành đồ chơi của bạn vài lần nữa cho tới khi mẹ phạt mình”. Một khi đưa ra lời cảnh báo hợp lý, nếu trẻ không nghe lời, hãy lập tức thực hiện hình phạt bạn đã tuyên bố. Lần sau khi con tái phạm, hãy nhẹ nhàng nhắc con về hình phạt này.
Bố mẹ không thống nhất ý kiến
Bạn và chồng dẫn con đi chơi, anh ấy hứa sẽ thưởng cho con nếu con chơi thật ngoan và ngược lại. Nhưng bé con của bạn hôm ấy không ngoan lắm, ấy vậy mà bạn vẫn vô tư mua ngay cho con một món đồ chơi. Thế là bạn đã vô tình làm giảm trọng lượng ý kiến của bố rồi. Các cặp vợ chồng nên cùng thảo luận kỹ những nguyên tắc nho nhỏ trước khi “công bố” với con.
Hối lộ con
Để dụ con ăn xong bữa cơm, bạn treo giải thưởng là một cây kẹo mút hay thanh chocolate to bự, bé con ăn hết ngay bữa cơm. Hôm sau, tới bữa. bé bất ngờ giở chiêu đòi kẹo, chocolate, thậm chí vòi vĩnh nhiều thứ khác. Được nước làm tới, có lúc bé chỉ ăn một ít cơm và chừa bụng để… ăn các món được thưởng. Thay vì để mình rơi vào cảnh này, có một bí quyết kỳ diệu dành cho các bố mẹ: Nhẹ nhàng khơi gợi sự đồng cảm của con. Bạn có thể nói: “Mẹ sẽ rất vui nếu con ngồi ăn hết veo bữa ăn tối mà mẹ đã dành cả buổi chiều để chuẩn bị cho cả nhà” hoặc “Mẹ thực sự thấy buồn khi con ăn uống lười biếng thế này”.
Dông dài
Trò chuyện với con cái dĩ nhiên là cần thiết, tuy nhiên, phải tùy vào lứa tuổi của con để có hình thức nói chuyện phù hợp. Đôi khi, cha mẹ quá ảo tưởng về khả năng thấu hiểu vấn đề của con mình dù chúng mới… lên 2. Trẻ em không phải là những “người lớn nhỏ” và việc nỗ lực giải thích lý lẽ với một đứa trẻ đôi khi giống như bạn đang nói một ngôn ngữ khác với “hắn ta” vậy. Thay vì đưa ra bài giảng dài dòng về việc ăn nhiều bánh kẹo trước khi ăn bữa cơm chính sẽ làm hại sức khỏe của bé thế nào, bạn chỉ cần nhẹ nhàng: “không ăn vặt khi sắp đến giờ cơm”. Bạn cũng có thể giải thích cho con hiểu nhưng nhớ chọn cách nói chuyện phù hợp.
Hình phạt ở… quá xa
Bạn chở con đi học về, đường kẹt xe và cu cậu không ngừng nhấp nhổm. Bạn cáu lên: “Con không ngồi yên là tối nay mẹ không kể chuyện cho con nghe trước khi đi ngủ đâu”. Bình thường, chiến thuật này rất có tác dụng nhằm yêu cầu con ăn tối và tự đánh răng, nhưng lần này, bé cứ trơ ra, tiếp tục ngọ nguậy, là vì… hình phạt còn ở quá xa.
Nói không ngừng
Không chỉ người lớn mới cần khoảng lặng khi bị chỉ trích. Hãy tôn trọng tâm hồn dễ tổn thương của các bé con bằng cách đừng quát tháo, ngừng nói lại, hít thở sâu, tìm cho mình một khoảng không để thở. Nếu không thể rời khỏi con, hãy đưa con di chuyển đến một căn phòng hoặc một khoảnh sân khác, sự di chuyển sẽ làm bạn nguội đi cơn giận. Mọi vấn đề sẽ được giải quyết tốt hơn khi bạn “hạ nhiệt”.
Vi phạm nguyên tắc của chính mình
Bạn và chồng răn con không được mạnh tay ném đồ chơi xuống đất, vậy mà hôm nọ, chồng bạn thẳng tay ném con gấu bông đã cũ vào góc tường vì vướng víu nhà cửa. Con bạn nhìn thấy cảnh này, điều đó đồng nghĩa với việc nguyên tắc của hai bạn đã không còn giá trị. Hãy nhớ là trẻ con rất dễ bắt chước và những nguyên tắc đặt ra trong nhà phải bình đẳng với mọi thành viên.
Theo Thế giới gia đình