Các vĩ nhân Facebook - Tạp chí Đẹp

Các vĩ nhân Facebook

Review
Khi thực hiện chuyên đề “Người Việt @ xấu xí”, nhóm thực hiện của Đẹp Online có chung một băn khoăn: mình là ai mà đủ tư cách nói về những thói xấu của cư dân mạng?

Nhưng chúng tôi cũng chính là những cư dân mạng. Chúng tôi nói về chính mình, về những thói xấu của chính mình theo hướng nhìn thẳng, tích cực, xây dựng và có giải pháp.

Các bài trong chuyên đề:


– Người Việt sai lầm từ lúc lên mạng
Phỏng vấn độc quyền Cộng Đồng Mạng: “Tôi thích bị dắt mũi”
Những vĩ nhân Facebook
Hà Thủy Nguyên: Internet – kẻ thù của ngôn ngữ và tư duy


Tổ chức: Đinh Phương Linh

Thấy mặt tôi có vẻ ngơ ngác chưa bắt kịp ý nghĩ nhanh như ngựa ô của mình, bạn chỉ vào màn hình: “Đây nhé, có cái anh này nhé, mới ở đây anh ấy nói về y học, bên kia anh ấy lại nói về kinh tế, ở đây nữa thì bàn về luật, thế rồi ngay trên Facebook của tớ, anh ấy lại nói về văn chương và nhạc thính phòng! Sao lại có người tinh thông thế không biết!”.

Thực ra câu chuyện này rất quen. Trước đây, con người bi quan là tôi thường hay cho rằng người xung quanh mình hiểu biết hạn hẹp. Mà nói đâu xa, chính tôi đây cũng hiểu biết hạn hẹp. Tuy nhiên, từ dạo Facebook dần chiếm thế thượng phong, thay cho các quán trà đá vỉa hè thì quan điểm của tôi thay đổi hẳn. Hóa ra người Việt mình cũng hiểu biết lắm! Chỉ cần kéo chuột trên Facebook vài lần là đã tôi gom được bao nhiêu kiến thức từ những học giả mà trước đây không biết là ai.

Chẳng bao lâu sau khi mở tài khoản Facebook, tôi đã quen tên của một số người vì ở đâu cũng thấy họ xuất hiện, kiến thức chuyên ngành nào cũng có. Tôi phải gọi họ là vĩ nhân Facebook. Sự tốt đẹp quá mức ấy khiến tôi đâm nghi (tôi phải công nhận mình đa nghi thật). Thế rồi, có lần tôi đã thử copy lại một đoạn trong bình luận của một trong số họ, và rồi dán vào khung tìm kiếm của Google.

Quả là tài tình, chỉ một giây sau là đã thấy nguồn của những đoạn ấy từ bài nghiên cứu nào mà ra. Chỉ có điều, vị học giả Facebook kia hình như quên mất là phải trích dẫn nguồn. Nhưng dù sao, việc biến lời người ta thành lời của mình ấy cũng chẳng phải là gì quá lạ. Tôi chẳng phản đối việc ấy quá làm gì. Dù sao thì đây cũng là thời của Internet. Đi gom nhặt kiến thức từ thế giới mạng cũng là một điều hay, tốt hơn nhiều việc lần mò tìm sách ở các thư viện hay nhà sách, vừa đỡ phải hít bụi giấy vừa tiết kiệm thời gian.  

Chỉ có điều, cứ làm thế mãi người ta bỗng dưng trở thành người giấu dốt vĩ đại. Bạn nhỡ xây dựng cho mình một hình ảnh lung linh rực rỡ của một người hiểu biết, thì bạn sẽ luôn phải dè chừng kẻo có ngày lộ ra là mình chỉ tìm kiếm, copy và paste. Cảm giác bất an ấy gây hại cho bạn hơn bạn tưởng, vì nó sẽ cướp đi sự thoải mái mà bạn vốn đã có rất ít trong đời thật đầy rắc rối. Và không chỉ vậy, nó còn có thể đẩy chúng ta đến một thái cực khác của sự… ám ảnh được chú ý.

Chẳng hạn có một lần kia khi đang tranh luận với một học giả Facebook về kịch, tôi nhỡ lời đem các chi tiết trong vở kịch ấy ra làm dẫn chứng, thì vị học giả đột nhiên im lặng. Hai ngày sau tôi quay lại, thì thấy học giả đã lẳng lặng xóa hết bình luận của mình, tôi bỗng dưng biến thành một kẻ dở hơi tự tranh luận với cái tường Facebook, thật xấu hổ không để đâu cho hết.

Tôi quyết đi theo học giả kia hỏi cho ra nhẽ, xem tôi có tội tình gì mà đến nỗi bị phạt tự bàn luận với cây cột. Và rồi tôi té ngửa, khi nhận ra học giả chuyên lượm lặt, thấy ai nói câu gì hay thì sẽ đem về đăng lại ở Facebook của mình, hoặc biến thành bình luận của mình, y nguyên chẳng sót chữ nào, chỉ trừ cái tên người nói. Lời nói hay sẽ được vài chục lượt “like”.

Và tất nhiên, người được “like” sẽ được chú ý. Họ sẽ được cho rằng họ thật sâu sắc và biết nói năng. Status đi mượn của họ cũng được vài chục lượt “share”, từ một người không ai biết là ai, họ sẽ được biết “là ai”. Chỉ có điều, là ai tức là ai? Tự bản thân họ biết mình chỉ là con ốc mượn hồn. Họ luôn là cái bóng của người khác. Và điều đó có mang lại cho họ niềm vui thực sự hay không? Nhất là khi họ sẽ luôn có cảm giác ai đó biết rõ mình đang đi ăn cắp lời người khác.

Chuyện này khiến tôi nghĩ đến bộ phim “Talented Mr. Ripley”, kể về một anh chàng có biệt tài bắt chước người khác. Tài năng đó đưa anh thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn, bước vào xã hội thượng lưu nhưng đồng thời đầy anh vào một vòng luẩn quẩn, nếu ai phát hiện ra chân tướng mình thì anh sẽ giết. Tất nhiên, các vĩ nhân Facebook sẽ không giết ai cả, họ chỉ giết đi sự tự tin trong chính họ mà thôi.

Nếu nghĩ ra cách bênh vực họ, thì tôi sẽ gật đầu: ai mà chẳng có ít nhiều mong muốn được chú ý và ghi nhận. Các vĩ nhân Facebook thực ra cũng có nhiều tác dụng. Ví dụ như thay vì phải lần mò tìm kiếm một thông tin nào đó, bạn chỉ cần chạy sang tường nhà họ để hỏi, thế là họ sẽ cho tôi rất nhiều kết quả tìm kiếm. Tôi chỉ khuyến cáo là làm thế nhiều thì thành… lợi dụng người khác, hãy suy nghĩ kĩ trước khi làm.

Và nếu chẳng may bản thân bạn có muốn được nhiều người yêu quý, “like” và nhờ vả tra cứu thông tin, thì có lẽ trước hết phải học được cách tỉnh táo. Bạn cứ google thoải mái, cứ tìm đọc những bài viết của người khác, chỉ nên nhớ, người xưa có bảo, nhất nghệ tinh nhất thân vinh, Google mà chuyên sâu vào một lĩnh vực cũng là một lựa chọn nghiên cứu hữu ích. Tuy nhiên, Google chỉ để cái gì cũng biết, cái gì cũng là mũi nhọn của mình thì chỉ thành… quả mít mà thôi.

Ông ngoại tôi sinh thời có lần bảo tôi ngồi cạnh mà bảo: “Tri vi tri chi, bất tri vi bất tri chi, thị vị tri dã” (Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, thế mới gọi là biết vậy). Không cần phải cố để giống một người hiểu biết, một người sâu sắc. Dù ta có dốt nát, nông cạn một chút, nhưng ta được là chính mình, cái niềm hạnh phúc ấy lớn lao, không dễ có gì so sánh được đâu, cần gì cứ phải làm vĩ nhân Facebook. Thế giới ấy với cái nút “like” vừa thật vừa ảo lắm, sao có thể tuyệt vời bằng sự nhận thức về chính bản thân của bạn được.

Bài: Phương Thanh


logo

 >>> Có thể bạn quan tâm: Phải rất khó khăn tôi mới hẹn gặp được anh Cộng Đồng Mạng trong một chiều mùa đông Hà Nội nắng nhẹ, ở một quán cà phê sang trọng bậc nhất Hà Thành.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

21/01/2014, 10:46