Các vận động viên thể thao đã trải qua "bóng ma" tâm lý như thế nào? - Tạp chí Đẹp

Các vận động viên thể thao đã trải qua “bóng ma” tâm lý như thế nào?

Giải Trí

Trong giai đoạn dịch bệnh, giữ tinh thần lành mạnh cũng quan trọng như chăm sóc sức khỏe thể chất. Thậm chí, một vận động viên, vốn có thể trạng khỏe mạnh, vẫn dễ bị tổn thương trước những bóng ma tâm lý. Nếu bạn đang ở trong giai đoạn tăm tối, câu chuyện của 4 vận động viên dưới đây có lẽ sẽ mở ra nguồn sáng tích cực cho bạn.

Simone Biles

Simone Biles là ứng cử viên cho ít nhất 2 huy chương vàng bộ môn thể dục dụng cụ tại kỳ Thế vận hội năm nay. Tuy nhiên, nữ vận động viên đã chủ động dừng chân tại Tokyo Olympic 2020 để tập trung vào sức khỏe tinh thần. Trên Twitter, liên đoàn thể dục dụng cụ Mỹ cũng đã đưa ra thông báo: “Sau khi cân nhắc kĩ về tình trạng hiện giờ, Simone Biles đã chính thức rúi lui khỏi Thế vận hội Tokyo để cải thiện sức khỏe và tinh thần”. Liên đoàn cũng nói thêm rằng, sự ưu tiên sức khỏe của Simone Biles là một điều đáng khen ngợi, và sự dũng cảm đó đã lí giải vì sao cô được coi là hình mẫu cho nhiều người trẻ.

Trước khi rời đi, Simone Biles đã chia sẻ rằng cô hi vọng “nước Mỹ vẫn còn yêu tôi”. Và quả thật, mọi người vẫn rất yêu quý Simone Biles, có khi là nhiều hơn nữa sau quyết định dừng chân tại Olympic 2020. “Chúng tôi vẫn quý mến bạn. Vẫn ngưỡng mộ bạn. Vẫn hi vọng ở bạn. Và hơn tất cả, chúng tôi đồng cảm với bạn”, trên Twitter, hàng loạt nhắn nhủ tương tự thế đã gửi về cho nữ vận động viên tài năng Simone Biles. Trong buổi phỏng vấn với ESPN, người đồng đội Aly Raisman cũng chia sẻ rằng cô tự hào trước quyết định của Simone Biles. “Vì chẳng mấy ai đủ dũng cảm để nói rằng, tôi không thể làm được hôm nay đâu”, cô nói.

Naomi Osaka

Trong kì Thế vận hội Tokyo 2020, nữ vợt thủ số 1 thế giới đã bị đối thủ Marketa Vondrousova đánh bại với các tỷ số 6-1 và 6-4 sau hơn một giờ đồng hồ thi đấu. Trả lời báo chí sau màn trình diễn gây thất vọng, Naomi Oska nói rằng mọi thứ đều tệ khiến cô không thể chơi ở phong độ bình thường. Và theo tờ South China Morning Post, trong thất bại của Naomi Oska có bóng ma của “tinh thần bất ổn”, khiến ngôi sao quần vợt Nhật Bản không thể kiểm soát áp lực từ trận đấu.

Lần chia sẻ với tạp chí Time chính là lần hiếm hoi Naomi Oska nhắc về “bóng ma” đó, Naomi Oska cho biết cô là người hướng nội và không thoải mái khi thu hút quá nhiều chú ý: “Chuyện sức khỏe tâm lý của các vận động viên ấy, tôi không thích phải làm người phát ngôn đâu, bởi vì mọi thứ còn mới mẻ và chính tôi còn chẳng có câu trả lời nào. Nhưng Michael Phelps nói rằng, có lẽ việc lên tiếng sẽ cứu được ai đó ngoài kia. Nếu thật là vậy thì chuyện nói ra cũng là đáng giá. Tôi mong mọi người hiểu rằng, chẳng sao cả nếu bạn cảm thấy mình không ổn, cũng chẳng sao cả nếu bạn nói ra điều đó. Ngoài kia vẫn sẽ có người giúp được bạn, và hãy nhớ rằng cuối đường hầm luôn là ánh sáng”.

Michael Phelps

Michael Phelps là một trong những vận động viên bơi lội vĩ đại nhất Olympic. Anh hiện có 28 huy chương các loại và cũng là người giữ kỉ lục nhiều huy chương vàng nhất trong lịch sử Olympic. Tuy nhiên, tay bơi huyền thoại này cũng từng chật vật vì bất ổn tâm lý. Trước kì Olympic Rio, kình ngư người Mỹ từng muốn tìm đến cái chết vì mọi thứ quá tăm tối với anh. “Tôi là một kẻ thất bại. Một quả bom nổ chậm chờ kích hoạt. Tôi không còn tự trọng và giá trị bản thân. Có lúc, tôi không hề muốn tồn tại. Bản thân bị lạc lối”, tay bơi vĩ đại của Olympic nói với tờ ESPN.

Khoảng thời gian 2014 chính là những tháng ngày kinh khủng với Michael Phelps. Anh chia sẻ tại chương trình Today của kênh NBC rằng, có lúc anh nghĩ thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có mình, và anh nhận ra cái chết chính là điều tử tế nhất bản thân có thể làm cho cuộc sống này. Nhưng như Naomi Oska đã nói, sẽ có người giúp bạn ngoài kia và luôn có ánh sáng ở cuối đường hầm, và cậu bạn Ray Lewis đã đến giúp Michael Phelps trong giai đoạn tuyệt vọng đó.

Ray Lewis khuyến khích Phelps tham gia chương trình hồi phục thể lực ở một trung tâm trị liệu tại Arizona, tặng cho chàng kình ngư quyển sách có tên “The Purpose-Driven Life” của tác giả Rick Warren. Và anh nói rằng (câu nói mà có lẽ đã cứu sống Phelps): “Đây là lúc chúng ta phải chiến đấu, là lúc nghị lực lên tiếng. Đừng để mọi thứ đóng sập lại. Nếu cậu đóng lại mọi thứ, cậu sẽ thua cuộc”.

Serena Williams

Serena Williams là nữ vận động viên quần vợt người Mỹ từng xếp hạng số 1 thế giới. Cô có tổng cổng 28 danh hiệu Grand Slam đơn và 6 lần đăng quang giải Mỹ mở rộng. Vào 2018, nhà vô địch nữ đã nói về “cảm xúc sau sinh” khi con gái Alexis Olympia ra đời. “Tuần qua là một tuần dài khó khăn, tôi cứ nghĩ mình là một người mẹ tệ. Tôi đã tập luyện chăm chỉ để trở thành một vận động viên giỏi nhất, và điều đó có nghĩa là tôi không thể ở cạnh con mình nhiều nhất có thể”, cô viết trên tài khoản Instagram. Trên trang podcast Mamamia – No Filter, Serena Williams nói rằng cô muốn dùng “cảm xúc sau sinh” thay vì “trầm cảm sau sinh”: “Vì nhiều người nghĩ trầm cảm là điều xấu, và vì một lí do nữa, không phải cứ hễ thấy tệ thì có nghĩa là trầm cảm”, cô giải thích.

Để vượt qua giai đoạn đó, Serena Williams đã trò chuyện với nhiều người: bạn bè thân thiết, mẹ và các chị. Họ giúp Serena Williams biết rằng thứ cảm xúc kia là bình thường. Mọi bà mẹ đều chật vật với cùng một thứ trên đời: dành thời gian cho con cái và nghĩ xem liệu bản thân có đủ tốt với con hay không. Vì vậy dù là bà mẹ nội trợ hay bà mẹ đi làm, mọi bà mẹ đều là siêu nhân cả. “Tôi ở đây để nói rằng, nếu bạn có một ngày kinh khủng, thì cũng chẳng sao. Vì chúng ta luôn còn ngày mai (tốt đẹp đáng để mong chờ)”, nữ vợt thủ viết trên tài khoản Instagram.

Tác giả: Hằng Trần

03/08/2021, 07:00