Các vấn đề của trẻ

Con tôi bị bỏng nước sôi từ lúc 1,5 tuổi từ ống đồng xuống bàn chân, thành một vệt. Hiện nay cháu được 5 tuổi và vết sẹo đó chỉ bị sẫm màu, không bị lồi, bị nhăn. Liệu khi cháu lớn lên vết sẹo đó có mờ đi hay không? Và liệu cháu có phải phẫu thuật thẩm mỹ để làm mờ vết sẹo không? Xin cảm ơn BS.

Tổn thương bỏng để lại sẹo, nhăn là tổn thương bỏng sâu (full thickness burns) – đây là bỏng gây tổn thương toàn bộ chiều dày của da. Với mức độ bỏng trên sẽ làm mất hoàn toàn tế bào sắc tố da tại vùng tổn thương và khi phục hồi sẽ để lại sẹo. Do đó, màu sắc sẹo sau bỏng sẽ sẫm màu hoặc sáng hơn màu da xung quanh. Sẹo thường tiến triển ổn định sau 2 năm, vì thế nếu cháu bị bỏng đã 3 năm thì màu sắc sẹo sẽ rất ít thay đổi, khó mờ đi khi lớn lên.


Vết sẹo của cháu không ảnh hưởng đến chức năng vận động, nên có phẫu thuật thẩm mỹ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân, điều kiện kinh tế của gia đình.

(Bs Mai Mạnh Tuấn- Viện Thẩm Mỹ Hà Nội, 23 Lê Văn Hưu- Hà Nội)

Trẻ nhỏ cần lượng rau quả hàng ngày bao nhiêu là đủ, có phải cứ cho ăn càng nhiều càng tốt không?
(Thùy Miên, 172 Hồng Mai, HBT, HN )

Đối với trẻ nhỏ mới tập ăn dặm đến tròn tuổi ăn tăng dần từ 1 thìa cà phê rau /bữa đến 2 thìa/bữa; trẻ 1 – 2 tuổi: 30g rau/bữa; trẻ 2 – 5 tuổi: 50g rau/bữa (cần tránh tình trạng trẻ suy dinh dưỡng nhưng bữa ăn lại quá nhiều rau dẫn đến thiếu hụt năng lượng). Về quả chín trẻ mới ăn dặm ăn khoảng 50g/ngày, sau tăng dần khoảng 100g/ngày khi tròn tuổi, trẻ trên 2 tuổi khoảng 150g – 200g/ngày.

 
Do mẹ cháu phải đi làm nên bà là người nấu và cho cháu ăn, bà thường áp dụng những lời khuyên dinh dưỡng cho người có tuổi để thực hiện chế độ ăn của cháu như: chỉ ăn dầu thực vật không ăn mỡ động vật, ăn càng nhiều rau xanh hoa quả càng tốt… Xin hỏi chế độ của trẻ em và người già có giống nhau không?
(Trần Khánh Dung, Q.1, Tp.HCM)

Chế độ ăn của trẻ em và người già rất khác nhau do nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng thay đổi theo tuổi, giới và tình trạng sinh lý.

Trẻ nhỏ do nhu cầu năng lượng cao cho cơ thể phát triển và cho các hoạt động chân tay (tuổi hiếu động) cần đặc biệt chú ý đảm bảo đủ lượng thức ăn cung cấp năng lượng và đạm, béo cao như các loại gạo bột nguyên chất, các loại đạm động vật, cả dầu và mỡ động vật. Bên cạnh đó với trẻ nhỏ các loại rau xanh chỉ cần ăn vừa đủ nhu cầu so với lứa tuổi, về hoa quả chín ngọt do cung cấp nhiều vitamin và đường trong hoa quả chín cũng cung cấp năng lượng nên cho ăn theo khả năng (2-3 bữa hoa quả/ngày).
Ở người có tuổi do nhu cầu năng lượng không cao (vì ít vận động, nhu cầu chuyển hóa giảm) và đặc điểm sinh lý hay táo bón, dễ rối loạn tiêu hóa, dễ mắc các bệnh ung thư hóa đường ruột, do đó nên ăn nhiều rau xanh và thức ăn nguồn gốc thực vật như đạm thực vật từ đậu tương, đậu xanh để tránh thừa cân, và tránh được nhiều nguy cơ bệnh lý như ung thư đại tràng, táo bón, trĩ…

(Ths. BS Phan Bích Nga
Viện Dinh Dưỡng, 48B Tăng Bạt Hổ)

From the same category