“Dự án phim ngắn CJ” là cuộc tranh tài lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, mang đến cơ hội nhận được 200 triệu đồng kinh phí cho mỗi dự án phim ngắn được chọn. Đồng thời, các thí sinh còn có cơ hội được hội đồng thẩm định như: Đạo diễn Phan Đăng Di, Đạo diễn/Nhà sản xuất Hồng Ánh, Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và Đạo diễn Leon.
Những câu chuyện được thể hiện dưới những thước phim trong dự án lần này đều xuất phát từ đời sống thực tế, về niềm tin và những lát cắt về số phận con người qua lăng kính nghệ thuật của những đạo diễn trẻ. Trong các đạo diễn Việt được vinh danh trong dự án lần này, bên cạnh những đạo diễn trẻ giàu kinh nghiệm chinh chiến tại các Liên hoan phim Quốc tế như Phạm Ngọc Lân, Phạm Thiên Ân… còn có nhiều gương mặt mới đang khát khao khẳng định bản thân trên con đường trở thành đạo diễn chuyên nghiệp như Chu Ánh Nguyệt và Dương Diệu Linh.
Dự án cũng mang đến cho cộng đồng yêu điện ảnh những hoạt động bổ ích với lớp đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật kể chuyện trong điện ảnh của Giáo sư Jong Chul Kil đến từ Hàn Quốc. Bên cạnh đó, buổi hội thảo trao đổi về những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nền điện ảnh Việt – Hàn cũng được các đạo diễn và chuyên gia đến từ hai quốc gia thảo luận sôi nổi, mang đến những góc nhìn và hướng đi mới cho phim Việt.
1. “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” (đạo diễn Phạm Thiên Ân), kể về vụ tông xe xảy ra trước một quán nhậu ở vỉa hè đã vô tình kết nối câu chuyện của ba thanh niên. Bộ phim gây ấn tượng với toàn bộ cảnh quay được thực hiện chỉ với một cú máy dài, khắc họa rõ nét bức tranh xã hội hiện thực chỉ với cuộc nói chuyện và bối cảnh tại khu quán nhậu ven đường.
2. “Một khu đất tốt” (đạo diễn Phạm Ngọc Lân) khắc họa hai câu chuyện xảy ra cách nhau hơn 10 năm ở cùng một địa điểm: chuyến tìm mộ bố của hai mẹ con ở bãi tha ma cuối làng, và câu chuyện phiếm trên sân gôn của đại gia và cô bồ nhí.3. “Ngọt, mặn” (đạo diễn Dương Diệu Linh) mang lại một làn gió mới với câu chuyện của một phụ nữ trung niên đang mang thai phải chăm sóc gia đình và còn có một nhiệm vụ đặc biệt: đánh ghen bồ nhí của chồng. Bộ phim đã thể hiện xuất sắc bi kịch của người phụ nữ khi bị ràng buộc tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.
4. “Balo hồng” (đạo diễn Chu Ánh Nguyệt) kể về hành trình của một cô gái và một người phụ nữ đi tìm lại một chiếc balo chứa bí mật không thể nói tại bãi rác giữa đêm Hà Nội.