Hàng loạt các quốc gia trên thế giới từ Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha,… đang phải hứng chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh trên mọi phương diện. Những nền kinh tế hùng mạnh bất đắc dĩ trở thành “ổ dịch” mới của virus Covid-19. Nhưng hiện trạng này chỉ là một phần của bức tranh, đâu đó trên thế giới vẫn có không ít đất nước đang kiểm soát tốt dịch bệnh, và “không hẹn mà gặp” người ta tìm thấy mẫu số chung ở sự thành công ấy – đó là những quốc gia đang được dẫn dắt bởi các các nữ lãnh đạo xuất chúng. Vậy họ đã thực hiện việc ngăn chặn sự bùng phát Covid-19 như thế nào?
Từ Thủ tướng Angela Merkel (Đức), Thủ tướng Sophie Wilmès (Bỉ), Thủ tướng Jacinda Ardern (New Zealand), Thủ tướng Sanna Marin (Phần Lan), Thủ tướng Katrín Jakobsdóttir (Iceland), đến Thủ tướng Mette Frederiksen (Đan Mạch), Thủ tướng Erna Solberg (Na Uy) hay Tổng thống Thái Anh Văn (Đài Loan – Trung Quốc) đang cho thấy họ đã có những phản ứng với đại dịch toàn cầu tốt hơn so với phần còn lại của thế giới. Đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, ban hành những quyết định mạnh mẽ, các nữ lãnh đạo này đã nỗ lực làm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại nặng nề về nhân mạng, trấn an tinh thần người dân, cũng như đảm bảo được những trang thiết bị y tế cho các y bác sĩ, người bệnh và công dân nói chung.
Chúng ta không đánh giá thấp những nỗ lực của các quốc gia khác nhưng không thể phủ nhận kết quả khả quan mà các nhà lãnh đạo nữ đang đem lại. Covid-19 sẽ kéo dài và diễn biến ra sao là điều không thể dự đoán trong một sớm một chiều, nhưng chắc chắn chúng ta đang có nhiều hơn một bài học và kinh nghiệm trong việc xử lý khủng hoảng từ những “bà đầm thép” đáng nể này.
Một trong những lãnh đạo hành động sớm nhất là bà Thái Anh Văn, người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc). Chính phủ nước này đã tiến hành kiểm tra và sàng lọc tất cả hành khách từ Vũ Hán kể từ ngày 31/12, và ban hành những biện pháp nhằm ngăn chặn dịch mà không cần phải phong tỏa như nhiều nước hiện đang làm. Sau đó, bà Thái Anh Văn cũng đã thành lập một trung tâm khẩn cấp vào ngày 2/1 phục vụ cho việc tiếp nhận và xử lý dịch bệnh, đẩy mạnh sản xuất các thiết bị y tế cá nhân như khẩu trang và hạn chế tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau. Các biện pháp của bà được đài CNN đánh giá là tốt nhất thế giới với chưa đến 10 ca tử vong tính đến thời điểm hiện tại. Người đi làm vẫn đi làm, học sinh sinh viên vẫn đến trường. Mọi người phải thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang và đều được đo nhiệt độ.
Sau lễ Phục sinh (ngày 12/4/2020), Đan Mạch đã mở cửa trường mẫu giáo và trường tiểu học (dưới sự kiểm soát chặt chẽ) sau một tháng đóng cửa lánh dịch. Riêng các trường trung học và đại học sẽ tiếp tục tạm ngưng cho đến ngày 10/5. Và chính phủ cũng bắt đầu đàm phán với những người đứng đầu doanh nghiệp về việc dần đưa nhân viên trở lại văn phòng. Đây là kết quả đầy khích lệ của Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederikse cùng chính phủ của bà.
Mới đây nhất, bà Mette Frederiksen còn cho biết rằng nhiều nguồn lực đang được đưa vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia để tăng tốc độ thử nghiệm Covid-19, mà theo bà đây là một phần quan trọng trong chiến lược mở cửa lại nền kinh tế. Theo dữ liệu được biên soạn bởi Đại học Johns Hopkins, số lượng người nhiễm bệnh vẫn xuất hiện ở Đan Mạch nhưng tỷ lệ tử vong của đất nước này thấp hơn nhiều với mức 3.9% – tức có 3.09 người chết trên 100.000 người (con số này có thể so sánh với 12.3% ở Ý, 10.2% ở Hoa Kỳ và 8.6% ở Pháp).
Trong những tuần gần đây, Đan Mạch đã thông qua “Luật Coronavirus”, trao quyền cho cảnh sát ban hành án phạt nặng nếu phát hiện một nhóm tụ tập hơn 10 người; người nhập cư trộm thiết bị như thuốc khử trùng tay có thể bị trục xuất, và người dân tại đất nước này phải đối mặt với án tù cho hành vi tương tự.
Về phần New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern cũng hành động ngay lập tức từ khi nước này chỉ mới có 6 ca bệnh, khi yêu cầu cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước này và sau đó cấm hoàn toàn người nước ngoài vào New Zealand. Kể từ ngày 23/3, bà cũng ra lệnh phong tỏa đất nước ở cấp độ 4. Sự rõ ràng và quyết đoán của bà đã cứu New Zealand khỏi “cơn bão” Covid-19 với chỉ 9 ca tử vong tính đến ngày 15/4. New Zealand áp dụng “khóa chặt dịch bệnh” nghiêm ngặt đến mức việc bơi ở bãi biển và săn bắn trong rừng rậm đã bị cấm. Mọi người sinh hoạt thận trọng trong khu phố của họ, xếp hàng cách nhau 2m bên ngoài các cửa hàng tạp hóa,… Thậm chí, bà còn livestream trực tiếp giải toả khúc mắc và thông tin kịp thời, luôn an ủi và xoa dịu, trấn an tâm lý của người dân.
Trong bức tranh u ám phủ lên toàn châu Âu khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì chính phủ của bà Angela Merkel – Thủ tướng Đức – đã bắt tay chống dịch và xét nghiệm ngay từ đầu, bỏ qua các giai đoạn bỡ ngỡ như nhiều nước khác. Đến nay, tỷ lệ tử vong ở Đức khá thấp so với mặt bằng chung các nước láng giềng châu Âu khác và có thể sớm nới lỏng các biện pháp chống dịch. Mỗi tuần, Đức thực hiện khoảng 350.000 xét nghiệm Covid-19 trên toàn bộ lãnh thổ. Việc xét nghiệm hàng loạt giúp Đức phát hiện người nhiễm bệnh sớm và có những biện pháp cách ly, chữa trị kịp thời. Truyền thông quốc tế cũng ngợi ca Thủ tướng Angela Merkel đã có động thái xử lý khủng hoảng xuất sắc đúng như tác phong của bà từ trước đến giờ.
Riêng đất nước Iceland của thủ tướng Katrín Jakobsdóttir thực hiện xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho tất cả người dân thay vì giới hạn xét nghiệm những người có triệu chứng như ở nhiều nước; thậm chí số xét nghiệm cao gấp năm lần so với Hàn Quốc. Hệ thống kiểm soát dịch bệnh tốt giúp họ không phải phong tỏa hay đóng cửa trường học. Iceland cũng tìm ra được một nửa số người dương tính với -19 không có triệu chứng, phần nào giúp thế giới biết thêm về sự nguy hiểm khôn lường của loại virus này.
Thủ tướng Bỉ – bà Sophie Wilmès cho biết sẽ duy trì việc phong tỏa đất nước đến hết ngày 3/5. Các biện pháp phong toả của Bỉ giống như các chính phủ khác đang áp dụng nhưng có phần siết chặt hơn một chút. Cụ thể, các siêu thị phải giới hạn lượng người nhất định vào mua, đảm bảo mỗi người có một không gian tương đương 10m2, và mỗi người chỉ được phép mua sắm trong không quá 30 phút. Tất cả những người còn lại phải xếp hàng từ bên ngoài và phải đứng cách xa nhau ít nhất 1.5m. Hiện tại số lượng bệnh nhân mới nhập viện của đất nước này đang giảm còn một nửa so với lúc cao điểm.
Vừa qua, bà Jacinda Ardern cũng thông báo về việc tự cắt giảm 20% lương của mình. Bà cho biết tuy việc giảm lương của mình cùng các bộ trưởng không giúp xoay chuyển tình hình tài chính chung, nhưng quyết định được đưa ra nhằm thể hiện vai trò lãnh đạo, cũng như sự sẻ chia mà một chính phủ cần có. Nữ thủ tướng nói việc giảm lương này sẽ không được áp dụng đối với toàn bộ lĩnh vực công, đặc biệt là các nhân viên y tế, cảnh sát đang làm việc ở tuyến đầu để đối phó với dịch Covid-19.
Tối ngày 18/3 trước đó, Thủ tướng Angele Merkel (Đức) đã gửi thông điệp đến người dân Đức cảnh báo rằng virus corona chủng mới rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến 70% dân số: “Nó rất nghiêm trọng. Vì vậy hãy nghiêm túc. Mỗi người không được phép bị động nhìn sự lây lan của virus, mà đều có công cụ đối kháng: đó là hãy giữ khoảng cách với nhau”. Bà không khuyến khích việc mua tích trữ, mua tranh mua cướp một cách bất hợp lý và khẳng định luôn có đủ nhu yếu phẩm cho tất cả mọi người.
Với tinh thần luôn sẵn sàng ứng phó các trường hợp khẩn cấp, Phần Lan không vướng vào cuộc đua tranh giành thiết bị y tế trong mùa dịch bệnh. Ngay khi bị virus này tấn công, Chính phủ Phần Lan đã quyết định sử dụng kho dự trữ y tế quốc gia lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II. Thủ tướng Sanna Marin đã thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 với 64 ca tử vong trên tổng số 5.5 triệu dân. Song song đó, bà còn sử dụng mạng xã hội và người nổi tiếng để lan truyền các thông tin chống dịch.
Vào đầu tháng 4, Đài Loan cũng gửi tặng 10 triệu mặt nạ cho Mỹ, 11 quốc gia châu Âu và các đồng minh ngoại giao, và một lô sáu triệu mặt nạ thứ hai tiếp theo sẽ được tặng cho các quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ. “Đây là nhiệm vụ của chúng tôi với tư cách là công dân toàn cầu nhằm cung cấp cho những y, bác sĩ ở tuyến đầu sự hỗ trợ đầy đủ của chúng tôi” – bà Thái Anh Văn bày tỏ.
Đặc biệt, thủ tướng Erna Solberg của Na Uy còn thực hiện một ý tưởng tuyệt vời khi tổ chức họp báo chỉ dành riêng cho trẻ em để trả lời những thắc mắc của các em nhỏ trên toàn quốc về dịch bệnh. Trẻ em Na Uy cùng có chung lo lắng về tác động của Covid-19 từ chuyện trường học sẽ còn đóng cửa cho bao lâu, đến việc có được phép tổ chức sinh nhật với 2 người bạn không.
Khi được hỏi bản thân mình có thể làm gì để giúp đỡ mọi người trong mùa dịch, bà Erna Solberg đã khích lệ mọi người nên dành thời gian chăm sóc nhau nhiều hơn: “Nhiều người có thể cảm thấy cô đơn khi họ cần phải ở nhà trong một thời gian dài. Những người bình thường chỉ thấy hơi cô đơn thì giờ đây có thể sẽ rơi vào cảm giác đó nhiều hơn. Các cháu có thể liên lạc bằng điện thoại hoặc qua mạng. Các cháu hoàn toàn có thể làm gì đó vui vẻ với nhau, ngay cả khi không ở cạnh nhau”.