Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, với vai trò quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định về khung và mức phí của dịch vụ rút tiền nội mạng và ngoại mạng để buộc các ngân hàng phải tuân thủ. Trong khung biểu phí này, các ngân hàng tăng như thế nào là do chính sách của từng ngân hàng miễn không vượt mức quy định đã đề ra.
“Mức tăng trên của các ngân hàng thương mại là đã có lộ trình và không vi phạm quy định,” đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, khi đưa ra bất kỳ sự thay đổi nào các ngân hàng cần minh bạch thông tin và giải thích cho khách hàng hiểu và cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng để tạo ra sự hài hòa giữa người cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ.
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được tăng phí rút tiền ATM nội mạng vào thời điểm này.
Trước đó, một số ngân hàng thương mại như Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV đã có thông báo sẽ tăng phí ATM nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng/giao dịch. Điều này đã làm dấy lên những tranh cãi trong dư luận.
Sau khi có thông tin chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng này cho biết sẽ dừng chương trình tăng phí rút tiền trên ATM.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng và cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng. Theo đó, nếu có tăng thì mức tăng cần phải có lộ trình và có sự chia sẻ để việc tăng phí được người dân chấp nhận, đồng thời, ngân hàng thương mại cũng có nguồn lực để đầu tư vào công nghệ vận hành máy móc tốt hơn.
Trước đó, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, hiện chi phí duy trì hoạt động của hệ thống ATM hiện vẫn cao hơn rất nhiều mức phí mà các ngân hàng đang thu. Việc các ngân hàng đang áp dụng chưa vi phạm mức trần (3.000 đồng/giao dịch rút tiền ATM) do Ngân hàng Nhà nước quy định.