Các mẹ ơi, đừng ép trẻ chào hỏi người lớn nữa! - Tạp chí Đẹp

Các mẹ ơi, đừng ép trẻ chào hỏi người lớn nữa!

Sống

Tôi vào thang máy, trong thang máy có một mẹ và một bé, mẹ bé giục: “Con chào cô đi!”. Tôi niềm nở chào mẫu. Em bé có vẻ ngại, vòng ra sau nấp lưng mẹ. Mẹ kéo bé ra trước, tấn công tới tấp: “Con chào cô xem nào!… Con ngoan là con phải chào cô… Con chào cô đi… Mẹ đã dạy con lễ phép thế nào?” Bé cúi gằm xuống, lủi sâu ra sau lưng, bà mẹ vẫn kiên quyết lôi em ra đứng đối mặt: “Con chào cô ngay!” Con bé òa khóc.

Lúc này tôi ước gì mình đừng xuất hiện, sự có mặt của tôi bỗng như mắc nợ.

Có dịp tới nhiều gia đình chơi cũng vậy. Vừa vào đến nhà là cả cha và ẹ giục giã la hét con: “Con chào cô đi. Con ạ cô đi”. Màn tra tấn chào hỏi có khi kéo dài tới mấy chục phút. Có khi bé con chạy trốn rồi còn bị đuổi theo bắt lại, có khi cả ông bà vào góp sức, tất cả mọi thế lực to lớn đều ép bé con đang run rẩy phải thực hiện nghĩa vụ: Chào khách!

Có lần tôi ngại quá xua tay: “Thôi thôi, khỏi chào cũng được”, thì bị chấn chỉnh ngay: “Không, phải dạy cho trẻ con Tiên học lễ, hậu học văn”.

2_209850
“Đừng lo khi con không nghe lời bạn, hãy sợ hãi vì nó nhìn và bắt chước bạn mỗi ngày”

Vào lớp học Việt Nam, tôi thường bị giật thột khi nghe lớp trưởng thét rất lớn: “Cả lớp đứng lên chào cô!”. Cả lớp đang học bất kể môn gì đứng phắt dậy đồng thanh gào rất to: “Chúng con chào cô ạ!”. Cả lớp đứt đoạn dòng hoạt động.

Vào lớp học Israel, hoặc Canada, mình chỉ thấy giáo viên gật đầu chào lặng lẽ, học sinh vẫn làm việc, bạn nào ngồi gần nhìn thấy khách thì chỉ mỉm cười, vẫy tay. Nhưng mình vẫn cảm thấy rất rõ là mình đang được tôn trọng, và cũng đỡ bị mắc nợ, làm phiền!

Trong cuốn sách so sánh giáo dục gia đình Việt và gia đình Pháp của Tiến sĩ Khánh Trung, ba mẹ Việt Nam rất mong con ngoan ngoãn, vâng lời, kính trên nhường dưới, cha mẹ Pháp mong muốn đầu tiên là con biết tôn trọng người khác, tôn trọng cái tôi của người khác, tôn trọng sự khác biệt nơi người khác, tôn trọng văn hóa của người khác, có trách nhiệm, có tinh thần phụng sự…

Rất nhiều mẹ hỏi tôi: Làm sao để dạy con ngoan, dạy con nghe lời. Rất nhiều con dâu bị mẹ chồng chì chiết: “Sao để con trố mắt nhìn khách vậy? Phải dạy con chào chứ, sống phải có lễ nghĩa phép tắc, không được sống như những kẻ mất dạy!” Có vẻ chúng ta rèn “Chào hỏi” quá kỹ, đến mức bỏ qua không cần tôn trọng người chào và người được chào.

“Chào hỏi”, nghĩa là chào + hỏi, mà người lớn thì ít chào, chỉ thường hỏi, như “Khỏe không? Dạo này thế nào?” “Đang làm gì đấy?”, “Bác ăn cơm chưa?”. Và thế là trẻ con không nhận ra, đâu biết bố mẹ đang chào đâu!

Thế là, từ khi có con, tôi tạm thời không chào người lớn bằng cách hỏi nữa. Tôi cũng khoanh tay và chào như trẻ con: “Cháu chào cô/bác/chú/ông ạ!”. Thường thì con tôi chào theo ngay. Còn nếu không chào theo, thì tôi kín đáo giật giật áo con một cái. Nếu con vẫn không chào thì thôi. Không trình diễn màn chiến đấu nhau trước mặt khách làm gì.

Hoặc có khi đi trên đường, gần tới nhà họ, tôi thỏa thuận luôn, “Tới nhà con nhớ chào nha”. Nếu con nhớ chào thì khen con, nếu con vẫn không chào thì cùng lắm là mẹ bị chê không biết dạy con là cùng…

Gặp trẻ con, tôi thường chủ động chào trước, tôi chăm chỉ “cảm ơn”, “xin lỗi” hơn, tôi ít chửi mắng người khác hơn, cho dù họ khác mình.

Tôi nghĩ, trẻ con là “thánh soi” đấy, chúng ghê lắm, chúng dòm bạn lom lom mỗi giây đấy. Nói như Gandhi, nhà tư tưởng của Ấn Độ: “Đừng lo khi con không nghe lời bạn, hãy sợ hãi vì nó nhìn và bắt chước bạn mỗi ngày”.

Các mẹ ơi, thả lỏng đi! Con không chào hôm nay thì mai chào cũng được. Chữ “Lễ” nó to lắm, còn nhiều cơ hội mà!

Thực hiện: depweb

07/06/2018, 14:22