Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM
– Xin bác sĩ cho biết những kiến thức cơ bản về bệnh sởi
– Sởi là bệnh do virus gây ra, bệnh thường gây biến chứng ở trẻ nhỏ. Bệnh thường gặp ở người chưa tiêm chủng đầy đủ và chưa mắc bệnh sởi lần nào.
Bệnh sởi lây truyền rất nhanh bởi các giọt nước bọt trong không khí khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho. Người bệnh phát tán vi rút ra môi trường xung quanh từ trước khi phát ban vài ngày và kéo dài 5 đến 7 ngày sau khi ra ban.
– Làm thế nào để phụ huynh biết con mình bị sởi?
– Trẻ mắc bệnh sởi thường kéo dài 7 đến 10 ngày. Trẻ mắc bệnh thường sốt rất cao, ho nhiều, chảy mũi, đỏ mắt, bỏ ăn. Không giống với các bệnh khác, trẻ mắc sởi vừa sốt vừa ho rất dữ dội chứ không chỉ ho theo từng cơn.
Hiện tượng phát ban xuất hiện sau 4 đến 5 ngày sốt, ho. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính chừng khoảng 1mm-2mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng rẽ. Ban mọc theo thứ tự sau tai, đầu mặt, thân và lan dần xuống chân. Sau khi trẻ ra ban, người bệnh còn ho và sốt cao cho đến khi ban ra đến chân. Sau đó sốt sẽ giảm, ban bay dần theo thứ tự và để lại vết thâm da kéo dài nhiều tuần.
– Khi nào phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện?
– Một trong những sai lầm thường thấy là phụ huynh cảm thấy lo lắng khi con ho nhiều và sốt cao, nhưng đối với sởi, thở nhanh mới là điều đáng chú ý nhất. Khi thấy con thở nhanh, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện vì trẻ đã có thể chuyển sang biến chứng viêm phổi khiến hô hấp bất thường.
Ngoài viêm phổi, sởi còn gây biến chứng viêm não, biểu hiện của biến chứng này là trẻ có hiện tượng giật mình, nặng hơn, các bé có thể co giật. Ở trường hợp này, phụ huynh không nên đưa đến phòng mạch tư mà phải đưa gấp vào bệnh viện.
Sai lầm tiếp theo thuộc về bác sĩ của các phòng mạch. Khi thấy trẻ đến khám bị sốt cao kèm ho, để cắt cơn ho, các bác sĩ này thường cho uống các loại thuốc có chứa corticoid, loại thuốc này gây giảm miễn dịch nên nếu trẻ bị sởi thì bệnh sẽ nặng hơn
– Khi trẻ chưa đến mức nhập viện, phụ huynh phải chăm sóc cho bé tại nhà như thế nào?
– Bệnh có thể điều trị tại nhà bằng cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu có sốt, thuốc giảm ho, cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu.
Theo kinh nghiệm dân gian, cần kiêng gió, kiêng nước nhưng tuyệt đối không nên trùm kín trẻ vì khi trùm kín, sẽ làm trẻ không thể hạ sốt và sẽ co giật do sốt cao. Và cũng không nên bỏ quên việc vệ sinh cho trẻ vì và không vệ sinh sẽ làm trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Điều nên chú ý là không để trẻ bị lạnh.
Nhiều phụ huynh cho trẻ kiêng ăn vì lo sợ trẻ khó tiêu nhưng điều này không nên. Trẻ bị sốt phát ban thường kèm chán ăn, nếu kiêng ăn trẻ sẽ rất dễ suy dinh dưỡng và dễ bị biến chứng. Khi trẻ mắc bệnh cần phải cố gắng cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường, ăn thành nhiều bữa với các thức ăn dễ tiêu. Không ít trẻ sau trận sởi đã suy dinh dưỡng, rất lâu phục hồi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên các phụ huynh nên chú ý đến nhịp thở của con để kịp thời điều trị. Nếu thấy con có dấu hiệu đã bị sởi và nhịp thở nhanh, rất có thể bệnh đã chuyển sang biến chứng viêm phổi khiến hô hấp bất thường.
– Làm sao để ngăn trẻ không bị sởi?
– Cách ly không tiếp xúc với trẻ bệnh, nhưng cách này rất khó vì trẻ bệnh có thể lây cho trẻ khác ngay khi chưa có biểu hiện phát ban. Cách tốt nhất và hữu hiệu nhất vẫn là tiêm vắc xin phòng bệnh.
Hiện vắc xin cho trẻ dưới 3 tuổi được tiêm miễn phí tại các trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng hoặc các bệnh viện nhi. Nên tiêm phòng sởi cho trẻ từ lúc 9 tháng tuổi và nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.
– Người đã tiêm vắc xin có thể mắc bệnh sởi hay không?
– Bệnh sởi xuất hiện theo mùa, thường từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Sởi tấn công đầu tiên vào những người có nhóm miễn dịch thấp nhất. Như hiện nay, trẻ từ 12 tháng đến 2 tuổi mắc bệnh nhiều nhất do chưa tiêm phòng. Trẻ dưới 12 tháng là đối tượng bị tấn công thứ hai do nhóm này vẫn còn kháng thể từ cơ thể mẹ. Nhóm 9-10 tuổi bị tấn công cuối cùng, nhóm này có thể đã được tiêm từ nhỏ và đến tuổi này thì miễn dịch yếu đi.
Trẻ đã tiêm phòng đầy đủ vẫn có thể mắc bệnh nhưng bệnh thường ở thể nhẹ và không gây biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên ít có trường hợp đã tiêm phòng bệnh mà vẫn mắc bệnh. Hiện các ca mắc bệnh hầu hết đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ liều.
– Người lớn và trẻ lớn có bị mắc bệnh không?
Người lớn và trẻ lớn vẫn có thể mắc bệnh nếu không tiêm phòng. Biểu hiện thường thấy vẫn là sốt ho dữ dội có kèm đau đầu hoặc đau cơ. Với người lớn, ngoài biến chứng hô hấp còn có thể bị biến chứng viêm não, viêm cơ tim. Riêng phụ nữ mang thai mắc sởi có thể gây sẩy thai hay dị tật cho thai nhi, chính vì thế trước khi có thai cần tiêm phòng sởi.
Những thông tin cơ bản dành cho mẹ và bé để phòng bệnh và chữa bệnh sởi:
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh sởi vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em mặc dù vắc xin an toàn, hiệu quả và chi phí chấp nhận được đã có sẵn. Lý do bởi sởi là một bệnh lây nhiễm rất cao do virus, triệu chứng gây khó chịu cho bé, đôi khi có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Lưu ý phát hiện bệnh sởi
– Các triệu chứng như bệnh cảm lạnh
– Mắt đỏ và nhạy cảm với ánh sáng
– Sốt
– Xuất hiện các đốm trắng xám trong miệng và cổ họng
Sau một vài ngày, một đốm phát ban màu đốm nâu đỏ sẽ xuất hiện, thường bắt đầu sau tai và sau đó lây lan quanh đầu và cổ trước khi lan sang các phần còn lại của cơ thể.
2. Đi khám bác sỹ
Bạn nên cho bé đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ con bạn bị bệnh sởi. Tốt nhất là nên gọi điện thoại đặt trước để tránh thời gian chờ đợi, nhằm tránh lây lan.
Bác sỹ có thể chẩn đoán bệnh sởi từ khám các triệu chứng, có thể kiểm tra nước bọt để xác định.
3. Thời gian lây bệnh dài
Điều nguy hiểm khiến dịch sởi lan tràn là bệnh có thể lây từ 4 ngày trước khi phát ban và 4 ngày sau khi lặn hết các nốt phát ban. Tức là con bạn có thể bị lây từ người chưa có dấu hiện bệnh, và bé lại tiếp tục lây cho người khác cả sau khi đã hết triệu chứng bệnh vài ngày.
Virus sởi lại “ẩn náu” trong hàng triệu giọt nước nhỏ xíu chảy ra từ mũi và miệng khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Bạn và bé dễ dàng “dính” sởi do hít phải chúng trong không khí hoặc do chạm vào lũ virus đang bám trên các bề mặt và sau đó đặt bàn tay của bạn lên gần mũi hay miệng. Virus sởi có thể “sống dai” bên ngoài môi trường đến một vài giờ .
Khi vào bên trong cơ thể, virus sẽ nhanh chóng “sinh con đẻ cái” ở mặt sau của cổ họng và phổi của bạn trước khi lan rộng ra khắp cơ thể.
4. Tiêm phòng bệnh (Chủng ngừa)
Cho đến nay, cách phòng ngừa hiệu quả là chích ngừa, lần đầu vào tháng thứ 9 đến tháng thứ 13 và lần thứ hai trước khi trẻ đi học (6 tuổi). Thuốc chích ngừa bệnh sởi hiện nay thường là sởi – quai bị và rubella (MMR). Người lớn và trẻ em đã lớn (trên 6 tuổi) cũng có thể tiêm vắc xin MMR nếu họ có nguy cơ bị sởi, ví dụ như khi có một đợt bùng phát bệnh sởi tại địa phương, hoặc nếu bạn đã tiếp xúc gần với người bị bệnh sởi.
5. Điều trị bệnh sởi
Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi, nhưng nên có biện pháp để giảm nhẹ triệu chứng sởi và giúp hệ miễn dịch chống lại bệnh, bao gồm:
– Sử dụng bông ướt (nhúng nước muối sinh lý) để làm sạch mắt
– Dùng paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt, đau nhức (aspirin không nên cho trẻ em dưới 16 tuổi)
– Uống nhiều nước để tránh mất nước
Trong trường hợp nghiêm trọng của bệnh sởi , đặc biệt là nếu có các biến chứng , bạn có thể cần phải nhập viện để điều trị.
6. Các biến chứng của bệnh sởi
Bệnh sởi có thể dẫn đến biến chứng rất nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Bao gồm nhiễm trùng ở phổi (viêm phổi) và não (viêm não). Người có nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng là trẻ em dưới 12 tháng , trẻ em có sức khỏe kém, thanh thiếu niên và người lớn.
+ Những con số kinh hoàng từ WHO về Sởi
– Năm 2012, trên toàn cầu có 122.000 người tử vong do sởi, tức là khoảng 330 người/ngày (hoặc 14 người/giờ)
– Tiêm chủng giúp giảm tử vong đến 78% (năm 2012 so với năm 2000) trên toàn thế giới.
Quế Chi (Tổng hợp)
Phương Nghi (thực hiện)