Các mảnh nhỏ của ký ức - Tạp chí Đẹp

Các mảnh nhỏ của ký ức

Sống

Con người ta liên thông với thế giới bằng các giác quan, còn mối quan hệ với quá khứ chắc chắn là phức tạp hơn rất nhiều.

Tôi nhớ đến bộ phim “Johnny Got His Gun”, một bộ phim rất đặc biệt của lịch sử điện ảnh thế giới. Cuốn tiểu thuyết cùng tên được xuất bản năm 1939, đúng vào những ngày đầu tiên của Thế chiến thứ hai, và bối cảnh câu chuyện xảy ra vào cuối Thế chiến thứ nhất.

Tác giả cuốn tiểu thuyết, Dalton Trumbo, đồng thời cũng là tác giả kịch bản, và không những thế còn làm nốt nhiệm vụ đạo diễn. Bộ phim được trình chiếu vào năm 1971, ngay lập tức được vinh danh nồng nhiệt ở festival Cannes và trở thành một trong các biểu tượng văn hóa mạnh mẽ của phong trào chống chiến tranh (hồi đó dĩ nhiên là chiến tranh Việt Nam).

Xem bộ phim này chắc chắn những người từng khóc khi xem đến đoạn các chàng cao bồi mặt sẹo ngã xuống trong một vụ đọ súng hay nàng nọ biết tin chàng kia tử trận, chắc chắn phải khóc đến cả một bể nước. Ngay cả những người ít dành nước mắt cho phim ảnh (xét cho cùng là phù phiếm – “xa nhau không hề rơi nước mắt”, cần phải thế!) cũng khó tránh khỏi rơm rớm. Bởi vì tình cảnh nhân vật chính.

Joe của bộ phim khủng khiếp quá: Joe là thanh niên người Mỹ tình nguyện đi chiến trận, nhưng khi chiến tranh sắp kết thúc thì bị dính miểng, mất hết toàn bộ tay chân mặt mũi, toàn bộ các giác quan mà con người ta có trên người: thính giác, thị giác, khứu giác và khả năng nói.

Joe chỉ có thể cảm nhận được một chút ít qua tiếp xúc với phần da còn lành lặn ở nửa người trên. Thậm chí Joe còn không phân biệt được sáng tối, rằng mình đang ở trong đời thực hay trong giấc mơ, chỉ riêng việc đang ở trong một căn phòng bệnh viện thôi mà cũng phải chật vật lắm anh mới biết được.

Thế nhưng, điều này làm cho câu chuyện càng trở nên khủng khiếp hơn, trí óc của Joe vẫn còn nguyên vẹn, và lời kể chuyện của anh, mà người xem hiểu là một dạng tiếng nói nội tâm, khiến người ta hiểu dù bị tước hết những điều vô cùng cơ bản của cuộc sống, thì về cơ bản Joe vẫn sống, và, còn hơn thế nữa, sống với đầy đủ ý nghĩa lành mạnh của từ này.

Kể câu chuyện này tôi hoàn toàn không có ý định hỏi độc giả xem liệu một bộ phim như vậy có cảm động hay không, vì chắc chắn là nó rất cảm động (nhiều trường đoạn niềm cảm động đó lên đến mức không thể chịu đựng nổi: cứ thử xem phim rồi sẽ hiểu tôi muốn nói gì!), mà cái trường hợp vô cùng đặc biệt của anh lính Joe ấy dường như muốn nói với chúng ta rằng mọi việc trên đời này thật ra đều nhỏ bé thôi, và thực tình không ai biết nổi mức độ tối thiểu của mỗi chúng ta có thể đạt tới đâu.

Bác tôi đi lính hồi chiến tranh, suốt bốn năm cực khổ ở chiến trường Nam Lào, không bao giờ có một tin tức gì về nhà, ai cũng tưởng là không còn sống nữa. Thế mà khi về đến nhà (lành lặn, các giác quan đều còn hoạt động bình thường), câu chuyện duy nhất mà bác kể lại cho những đứa cháu của mình chỉ có thế này: khi được chuyển quân về vùng Vĩnh Phú trong đêm, sáng sớm mở mắt chợt nghe thấy tiếng bọn trẻ con líu lo bên ngoài, bác chợt thấy cảm giác của mình nhẹ hẳn xuống.

Và như vậy không phải vì không có tiếng bom đạn, mà chỉ vì mấy năm liền nghe giọng nói nặng trịch của người miền Trung giờ đây bác bỗng bắt gặp trở lại âm điệu nhẹ hơn của người miền Bắc. Không có câu chuyện nào khác nữa về các trận đánh, bác tôi tuột thoát ra khỏi cuộc chiến bằng một cảm giác nhẹ nhàng về sự “chuyển tông” các giọng nói như vậy. Như thể ký ức về chiến tranh đã được gột rửa thông qua một tác động vô cùng nhỏ của giác quan.

Rồi cũng đến lúc bản thân tôi, khi phải đối diện với câu hỏi “Còn lại gì?” về những điều mình đã trải qua trong đời, cũng dần nhận ra cái còn lại khiêm tốn lắm lắm. Người ta bước vào đời với bao nhiêu hình dung to tát (để mượn lại nhan đề một cuốn tiểu thuyết của Charles Dickens “Great Expectations” – những hoài vọng to lớn) và cũng có thể làm được những điều to tát, nhưng rốt cuộc khi ngoái nhìn lại thì cái di sản cá nhân của ký ức mới nghèo nàn làm sao, tưởng chừng như xếp vừa vào một hộp giày cũ cất đâu đó trong căn phòng để đồ lặt vặt, chẳng mấy khi lôi ra xem lại.

Cả thành phố Vienna hoa lệ mà tôi đến thăm cùng với một sự rộn ràng náo nhiệt của tâm trí giờ còn lại trong ký ức một vài hình ảnh nhòe nhoẹt, sắc nét nhất lại không phải là tòa lâu đài Schoenbrunn mênh mông, từng được lấy làm bối cảnh cho bộ phim “Marie-Antoinette” của Sofia Coppola hay quảng trường MQ của các viện bảo tàng nổi tiếng, mà là giây phút ngủ quên trên bãi cỏ xanh ven bờ sông Danube, và nụ cười của một người phụ nữ đẩy xe cho đứa con nhỏ tình cờ bắt gặp tôi ở một góc phố và niềm nở hỏi xem tôi có cần giúp đỡ gì không. Cái bằng chứng cho sự ngơ ngác trên nét mặt của tôi ấy lại là điều còn lại lâu nhất trong ký ức tôi.

Rồi ấn tượng xa xưa nhất mà tôi có về cuộc sống xung quanh: lần này một giác quan khác đã chiếm chỗ thị giác, cụ thể hơn là khứu giác. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ rõ mồn một mùi của nhà ăn tại trường mẫu giáo nơi tôi đến học trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Mỗi lần đi qua một nơi có cái mùi gần giống như vậy (chỉ có thể gần giống, vì đúng theo lý thuyết của thiên tài mùi vị Jean-Baptiste Grenouille của cuốn tiểu thuyết “Das Parfum”, mỗi mùi là duy nhất), là giống như một cái công tắc được bật thông qua bàn tay mảnh dẻ của mùi vị, lại hiện ra căn phòng ngủ trưa của những đứa trẻ con, nền đá hoa và những khuôn mặt tuy bụ bẫm theo lứa tuổi nhưng vẫn có chút gì đó thật nghèo đói tội nghiệp. Mà xét cho đến cùng, đó cũng chỉ là hỗn hợp của tinh bột, rau cải và một chút ít thịt.

Tôi dần trở nên tin tưởng rằng ký ức đọng lại kiên cường nhất trong các nếp gấp não bộ ngày càng lười biếng của chúng ta chính là ký ức về mùi vị. Có một câu chuyện cười nói rằng nếu muốn biết liệu mình đã đến ga Hưng Hòa hay chưa thì cứ việc thò tay ra khỏi cửa sổ tàu hỏa, khi rụt tay lại mà thấy không còn đồng hồ thì đúng là đã tới rồi. Còn tôi, kể cả nhắm mắt tôi cũng nhận ra mùi vị đặc trưng của Sài Gòn, dù thành phố ấy tôi mới chỉ ghé ngang qua vài lần.

Một vài thành phố có mùi vị không thể trộn lẫn, hoặc là giữa các khu phố khác nhau của cùng một nơi cũng có mùi rất khác nhau: Paris chẳng hạn, quận 6 có mùi của sự náo nhiệt, mùi sang cả của quần áo đẹp và tác phẩm nghệ thuật, quận 16 lại lành lạnh và pha chút chất thải của những con chó nhà giàu, sang đến quận 13 là đã rộn rã xì dầu nước mắm và một cái mùi nhất quyết không thể quên: thịt quay.

Ký ức về con người cũng vậy thôi, sẽ đến lúc thật khó hình dung nét mặt một ai đó, nhưng một cái mùi đặc biệt sẽ giúp cho quá khứ sống dậy (cầu cho đó không phải là một mùi khó chịu!), kể cả những mùi nhân tạo như Flora, JAdore hay Poison.
“Ai đem phân chất một mùi hương”, Xuân Diệu từng hỏi tu từ như vậy. Có lẽ thủ phạm chính là ký ức của chúng ta, trong cái nhu cầu da diết tóm bắt lấy quá khứ của nó.

Nhị Linh – Hình ảnh: Passion

Thực hiện: depweb

05/02/2009, 14:29