Thống kê cho thấy, từ 1-28/7, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 17.856 chuyến bay, trong đó có 3.817 chuyến bay bị chậm chiếm 21,4%, tăng 3,3 điểm so tháng trước và 76 chuyến bay bị hủy chiếm 0,4%, giảm 0,2 điểm.
Cụ thể, tỷ lệ chậm chuyến của Vietnam Airlines là 21,2% (tăng 5,9 điểm), của Vietjet là 23,5% (tăng 3,3 điểm) và của Jestar là 20,7% (tăng 0,5 điểm).
Các hãng hàng không đều có tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay tăng cao. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Lý giải về nguyên nhân giai đoạn tháng Bảy có tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng cao so với tháng trước đó, theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, tháng Bảy là giai đoạn cao điểm vận chuyển khách du lịch nội địa. Các cảng hàng không cửa ngõ du lịch như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài… đều thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, ùn ứ vào những khung giờ cao điểm, trực tiếp dẫn tới tình trạng chậm dây chuyền.
Đặc biệt, từ ngày 15-21/7, sân bay Tân Sơn Nhất đóng cửa đường 25R/07L để sửa chữa (từ 16-19/7) khiến năng lực khai thác giảm từ 35 xuống 30 chuyến bay/giờ. Vì lý do ưu tiên hoạt động khai thác quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam đã phải điều chỉnh lịch bay của các chuyến bay nội địa trong khung giờ phải điều chỉnh, ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của các hãng hàng không, làm tăng tỷ lệ chậm chuyến bay trong giai đoạn này (lên tới 24,5%). Trong khi đó, tỷ lệ chậm, hủy từ ngày 1-7/7/2015 chỉ là 17,2%, là tỷ lệ chung của tháng Sáu.
“Có thể nói, tỷ lệ cao trong giai đoạn vừa qua chỉ là đột biến mùa cao điểm và sẽ giảm khi bước vào tháng Tám (học sinh, sinh viên bắt đầu đi học, nhu cầu du lịch hè của các gia đình giảm). Tỷ lệ chậm hủy trong giai đoạn tháng Bảy chỉ mang tính thời điểm và sẽ giảm, đạt mức chấp nhận được (10-15%) vào các tháng tiếp theo,” đại diện Cục Hàng không đánh giá.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, trong giai đoạn sáu tháng đầu năm 2015, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 101.000 chuyến bay với 15.176 chuyến bay bị chậm chiếm 15%, giảm 5,6 điểm và 535 chuyến bay bị hủy chiếm 0,5%, giảm 2,7 điểm so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái.
Trong giai đoạn này, tại một số thời điểm, vì những lý do bất khả kháng từ thời tiết, đóng cửa đường cất, hạ cánh để sửa chữa… nên đã dẫn tới tỷ lệ chậm hủy chuyến cao hơn.
Dẫn chứng, giai đoạn tháng Hai (từ ngày 6-18/2) và giai đoạn tháng Ba, do điều kiện thời tiết xấu (sương mù, tầm nhìn bị hạn chế) tại các Cảng hàng không phía Bắc, đặc biệt là Cảng hàng không Cát Bi, Thọ Xuân và Vinh, khiến cảng hàng không phải tạm ngừng đóng cửa, không thể tiếp nhận hoạt động bay đi/đến.
“Tình trạng này đã trực tiếp gây xáo trộn kế hoạch khai thác của các hãng hàng không, ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt các chuyến bay kế tiếp, tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng cao, gây thiệt hại lớn cả về kinh tế và chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không,” báo cáo của Cục Hàng không nêu rõ.
Đối với các trường hợp Cảng hàng không bị sương mù, không thể tiếp nhận các chuyến bay đi đến, các hãng hàng không đã chủ động đưa ra các phương án chuyển khách sang các chuyến bay ngày kế tiếp hoặc chuyển sang các chuyến bay tới Cảng hàng không khác và bố trí phương tiện ô tô vận chuyển khách.
Giai đoạn 28-29/5, sân bay Cát Bi phải đóng cửa để sửa chữa đường hạ cất cánh bị bong khiến 3 hãng hàng không khai thác đến đều phải chuyển hướng hạ cánh đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, gây xáo trộn lịch khai thác, trực tiếp gây chậm chuyến dây chuyền.
Nhằm giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến bay, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không cần tiếp tục điều chỉnh lịch bay, bao gồm thời gian quay đầu tàu bay, thời gian lăn ra, lăn vào phù hợp với năng lực của hãng và điều kiện khai thác thực tế của cảng hàng không, sân bay; bảo đảm giờ bay dự phòng; thực hiện nghiêm các nghĩa vụ của hãng trong điều kiện chậm, hủy chuyến đồng thời nâng cao năng lực điều hành quản lý bay, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nghĩa vụ của các hãng hàng không đối với quyền lợi của hành khách trường hợp chuyến bay chậm, hủy.
Theo: Việt Hùng/Vietnamplus