Sau khi kết thúc 8 tiếng làm việc, bạn ngồi thẫn thờ và cảm thấy như vừa bị “tư bản vắt kiệt sức”. Tại sao cơ thể lại trở nên mệt mỏi như vậy trong khi tất cả những gì bạn làm chỉ là ngồi yên tại chỗ? Dưới đây là cách lý giải của các chuyên gia tâm lý và một số giải pháp khắc phục.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Pitie-Salpetriere ở Pháp đã phát hiện ra rằng, sự tập trung tinh thần dẫn đến những thay đổi trong não thực sự có thể khiến chúng ta kiệt sức. Theo đó, sự căng thẳng trong nhiều giờ liền sẽ làm tích tụ các “thành phần phụ” độc hại trên vỏ não. Kết quả chính là trạng thái hết pin đột ngột khi đến giờ tan làm.
Không chỉ thế, căng thẳng tinh thần thậm chí còn gây ra ảnh hưởng đến cuộc sống sau giờ làm. Bạn từng cảm thấy cáu kỉnh, bực bội với người thân trong mỗi buổi tối, dù họ chẳng làm chuyện gì sai chưa? Chính 8 tiếng làm việc căng thẳng ở văn phòng chính là nguyên nhân. Dẫn theo nghiên cứu của The Independent, các “thành phần phụ” trên vỏ não kia vẫn còn tồn tại kể cả khi bạn về nhà, chúng ảnh hưởng đến cảm xúc và cả khả năng kiểm soát hành vi của bạn.
Ngozi Cadmus, Chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho biết: “Việc sử dụng quá nhiều trí lực sẽ gây ra mệt mỏi, kiệt sức về tinh thần, làm gián đoạn hoặc giảm khả năng lên kế hoạch, đưa ra quyết định của não bộ”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, tình trạng kiệt sức kéo dài có thể dẫn đến những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của một người, ảnh hưởng đến các mối quan hệ, thậm chí ức chế cả những cảm xúc tích cực.
Vậy làm thế nào để đối phó với nó khi hầu hết chúng ta đều phải lao động 8 tiếng một ngày? Dưới đây là 5 lời khuyên của các chuyên gia.
Trong thế giới mà cụm từ “làm việc hiệu quả” đã trở thành cơn ám ảnh, việc ưu tiên cho thời gian nghỉ ngơi là điều không tưởng với một số người. Thế nhưng, nếu bạn không tạo không gian và thời gian nghỉ ngơi hợp lý, cơ thể sẽ chống lại bạn bằng cách… “đình công”. “Nếu việc nghỉ ngơi không được đưa vào kế hoạch hằng ngày của một người, họ sẽ xem nhẹ nó và cho rằng nó tốn thời gian. Điều đó có thể làm gián đoạn chức năng của não”, Cadmus nói.
Việc nhận các “lệnh” giống nhau trong một ngày khiến não bộ cảm thấy chán nản. Paula Allen, Phó chủ tịch cấp cao tại LifeWorks nói rằng: “Sự thiếu đa dạng trong công việc hàng ngày khiến não bộ kiệt sức, tạo ra một sự ức chế thần kinh mà không phải ai cũng nhận ra cho đến khi họ sụp nguồn hoàn toàn”. Allen giải thích, giống như chế độ dinh dưỡng cho cơ thể, não bộ cũng cần một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng. “Nó có thể làm việc, nhưng nó cũng muốn nhận các lệnh như nghỉ ngơi, ra ngoài chơi, giao tiếp với bạn bè…”, Allen nói.
Theo Cadmus, ngủ tối thiểu 8 tiếng mỗi đêm là rất quan trọng để cân bằng sự kiệt quệ về mặt tinh thần. Allen cũng đồng ý rằng giấc ngủ chính là giải pháp nhanh nhất, dễ làm và cho hiệu quả rõ rệt nhất đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trong giờ nghỉ trưa, nhiều người có thói quen lướt mạng xã hội, hoặc làm nốt thêm một vài công việc để có thể hoàn thành tiến độ trước giờ tan làm. Tuy nhiên, điều này về lâu về dài sẽ gây hại tới não bộ. Theo Independent, những khoảng nghỉ ngơi ngắn, thật sự tách rời khỏi công việc không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp bạn làm việc hiệu quả và năng suất hơn.
Mất nước khiến tất cả chúng ta cảm thấy mệt mỏi và mệt mỏi hơn, vì vậy hãy đảm bảo bạn uống đủ nước trong ngày. Cadmus nói: Nếu sự mệt mỏi về tinh thần đang làm phiền bạn, hãy cân nhắc giảm lượng caffein và rượu. Điều này sẽ giúp giảm thiểu căng thẳng mà bộ não của bạn đang phải chịu.