Vừa qua, ông Kim Dong-ho – Nhà sáng lập và Cựu chủ tịch LHP Quốc tế Busan – và ông Jeremy Segay – Cố vấn HIFF đã có những chia sẻ những bài học điện ảnh từ Hàn Quốc và Pháp với người yêu điện ảnh Việt tại Hội thảo Phát triển Điện ảnh thành ngành Công nghiệp văn hoá và Buổi chiếu phim ngắn & giao lưu.
Tại sự kiện, ông Kim Dong-ho đã chia sẻ trong 5 năm vừa qua, ngành công nghiệp Hàn Quốc đã phát triển như thế nào, thông qua những minh chứng như bộ phim “Ký Sinh Trùng”, “Trò chơi Con Mực” đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá. Ông cho biết Liên hoan phim Quốc tế Busan đã tôn vinh những tác phẩm nổi tiếng trong gần 30 năm qua, từ đó nhiều tác phẩm điện ảnh đã được phổ biến rộng rãi cho khán giả cũng như thị trường điện ảnh. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của một Liên hoan phim Quốc tế đối với thị trường điện ảnh của một đất nước. Từ đây, ông khẳng định HIFF đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu những bộ phim mới đến với khán giả.
Tiếp đó, ông Jeremy Segay đã chia sẻ những thông tin lạc quan về điện ảnh Việt Nam trên thị trường điện ảnh thế giới. Ông cho rằng xu hướng hiện nay là những phim thành công về mặt nghệ thuật nhưng cũng thành công ở phòng vé với minh chứng tại Pháp, bộ phim “Bên trong Vỏ kén vàng” đã bán được 50.000 vé vì bộ phim đã gây được sự chú ý khi được trình chiếu và giành giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim Cannes. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của HIFF vì hiện tại, những nhà làm phim Quốc tế đang rất nóng lòng được gặp những nhà làm phim Việt Nam. Đây là dịp đặc biệt để giới thiệu những bộ phim trong nước đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, Liên hoan phim Quốc tế sẽ thúc đẩy những chính sách để phát triển điện ảnh.
Song đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội chợ Phim trong một Liên hoan phim Quốc tế. Ông cho rằng phải đi ra thế giới như thông qua hội chợ phim ở Busan và Cannes là 2 địa chỉ tốt nhất mà ông giới thiệu. Việt Nam cần phải có các gian hàng, các pavilion (nhà Việt Nam) dành riêng của Việt Nam tại đây để các công ty sản xuất phim từ Việt Nam tổ chức các hoạt động, sự kiện giao lưu và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đó chính là cách mà các nền điện ảnh khác trên thế giới và kể cả khu vực Đông Nam Á đang làm. Điều ngạc nhiên là ông chưa thấy sự hiện diện của Việt Nam các địa chỉ này mặc dù Việt Nam đang có một nền điện ảnh khởi sắc. Ông cũng cho rằng việc biến TPHCM và Việt Nam trở thành địa điểm làm phim thân thiện chính là một mục tiêu nên hướng đến để thu hút giới làm phim quốc tế, đó chính là hướng đi đúng đắn và phù hợp với định hướng của TP. HCM. Đặc biệt, ông cũng chiếu video 3 phút về cách mà Pháp đã quảng bá để thu hút các nhà sản xuất hàng đầu thế giới với những dự án bom tấn với tư cách là một điểm đến thân thiện cho ngành sản xuất phim như thế nào.