Các chuyên gia đầu ngành bác đề xuất tích hợp môn Lịch sử

Trong chương trình mới, dự kiến môn Lịch sử sẽ được tích hợp trong môn Công dân với Tổ quốc. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Không coi nhẹ? 
Trong dự thảo chương trình phổ thông mới sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tích hợp các môn Lịch sử, môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng vào thành một môn mới là môn Công dân với Tổ quốc.
Việc tích hợp không chỉ với môn Lịch sử mà với tất cả các môn trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, chỉ trừ môn Văn và môn Toán vẫn đứng độc lập.
Theo ông Đỗ Ngọc Thống, thành viên ban soạn thảo chương trình phổ thông tổng thể mới, môn Công dân với Tổ quốc là môn học bắt buộc. Tuy không có tên môn Lịch sử nhưng tất cả học sinh đều bắt buộc phải học lịch sử có trong nội dung môn học này. Tất cả học sinh còn phải bắt buộc học môn Lịch sử trong môn Khoa học Xã hội (dành cho học sinh theo ngành Khoa học Tự nhiên và Công nghệ-Kỹ thuật) hoặc môn Lịch sử (có yêu cầu cao hơn cả về Kiến thức lịch sử và về Khoa học lịch sử, dành cho những học sinh định hướng nghề nghiệp sẽ làm việc trực tiếp hoặc liên quan đến Khoa học lịch sử).
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cũng nhiều lần khẳng định Bộ không coi nhẹ môn Lịch sử mà coi trọng việc đổi mới về hình thức tổ chức dạy học để đạt hiệu quả giáo dục cao hơn.
Cũng theo ông Hiển, Bộ đã khảo sát chương trình của khoảng 100 nước. Các nước đều khẳng định vai trò quan trọng của môn Lịch sử, nhưng đa số dạy lồng ghép để học sinh biết vận dụng kiến thức tổng hợp.

Tiết học lịch sử trên sa bàn của Thầy trò Trường tiểu học Lê Lợi, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. (Ảnh : Thu Trang/TTXVN)
Tuy nhiên, các chuyên gia lịch sử cho rằng, điều này là không hợp lý. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải thích thế nào thì với chương trình mới, trên thực tế đã khai tử, đã x​óa bỏ môn Lịch sử. 
Theo giáo sư Phan Huy Lê, khi một ít kiến thức lịch sử bị cắt nhỏ rồi tích hợp t​ùy tiện vào một số môn học khác, thì môn Lịch sử đã không còn với vị thế của một môn học trong tính toàn  bộ và hệ thống của nó. “Lớp trẻ lớn lên trở thành công dân mà chỉ biết lờ mờ, thậm chí là biết sai về lịch sử dân tộc, không biết cội nguồn tổ tiên, không biết những thành tựu dựng nước và giữ nước… thì làm sao có thể viết tiếp trang sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” giáo sư Huy Lê nói.
Phải cải cách hệ thống môn sử
Với các lập luận trên, giáo sư Phan Huy Lê cho rằng môn Lịch sử cần phải được giữ là môn độc lập, bắt buộc trong nhà trường.
Trước những bất cập trong chương trình và phương pháp giảng dạy môn Lịch sử hiện nay, giáo sư Phan Huy Lê cũng cho rằng đòi trả lại vị thế của môn học này mà không khắc phục những sa sút, yếu kém hiện nay của môn Lịch sử là vô nghĩa. Theo đó, ông kiến nghị Bộ cần sớm cải cách toàn bộ hệ thống môn sử trong giáo dục phổ thông, trong đó có tham vấn ý kiến chuyên gia về khoa học lịch sử.
Giữ lại môn Lịch sử là một môn độc lập, không tích hợp, cũng là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội thảo như giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; giáo sư Trần Thị Vinh, Khoa Sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; phó giáo sư Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Giống như giáo sư Phan Huy Lê, các đại biểu cho rằng môn Lịch sử có vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh về nguồn gốc tổ tiên, niềm tự hào và tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và cần được coi trọng.
Trước các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển tiếp tục khẳng định Bộ không coi nhẹ môn Lịch sử, và dù tích hợp, lịch sử vẫn là một nội dung quan trọng trong chương trình mới.

Thứ trưởng Hiển cũng cho biết việc dạy tích hợp là xu hướng quốc tế. Về đề nghị vẫn giữ môn Lịch sử là một môn độc lập, Thứ trưởng Hiển cho biết cả hai phía Bộ và các chuyên gia lịch sử đều phải xem xét lại. Ông Hiển cho rằng, điều quan trọng nhất là làm cách nào để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất./.

Theo VietnamPlus

From the same category