Các biến chứng thường gặp trong thai kỳ - Tạp chí Đẹp

Các biến chứng thường gặp trong thai kỳ

Sức Khỏe

Suy thai

Là một quá trình bệnh lý do tình trạng thiếu oxy của thai nhi, khi thai còn nằm trong buồng tử cung. Suy thai sẽ gây những biến đổi trên cử động thai và nhịp tim thai.

Băng huyết

Băng huyết sau sinh là tình trạng chảy máu với số lượng từ 500ml trở lên, trong vòng 24 giờ sau sổ thai, từ bất cứ nơi nào của đường sinh dục.

Chuyển dạ kéo dài

Trong trường hợp chuyển dạ kéo dài (đặc biệt là trong các ca sanh lần đầu), cả sản phụ và trẻ đều phải đối mặt với một số biến chứng như: nhiễm trùng (nhiễm trùng ối dẫn đến nhiễm trùng máu, da…), băng huyết sau sinh.

Ngôi thai bất thường

Thường thì trong 6 – 8 tuần cuối của thai kỳ, thai nhi di chuyển xuống phần dưới của tử cung. Vị trí tốt nhất của thai nhi cho quá trình chuyển dạ là: đầu hướng xuống dưới, mặt hướng vào phía lưng mẹ, cằm cúi sát ngực, gáy hướng về phía xương chậu – danh từ chuyên môn gọi là ngôi đầu.

Các trường hợp ngôi thai bất thường: ngôi mông (chân hoặc mông hướng xuống dưới thay cho đầu), ngôi ngang (thai nhi hoàn toàn nằm ngang). Các trường hợp này làm tăng khả năng chấn thương thai nhi khi chuyển dạ. Thai nhi nằm ngang còn dẫn tới vỡ tử cung khi sinh thường.

Khoảng 90% thai nhi có vị trí bất thường vào tuần thứ 37 sẽ không thay đổi vị trí cho đến khi chuyển dạ.

Cần có những hiểu biết về các bệnh thường gặp trong thai kỳ để phòng tránh, xử lý những biến chứng bất ngờ có thể xảy ra

Nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo nghĩa là bánh nhau nằm trước đường đi của thai nhi khi sinh ngã âm đạo. Do đó, trong những trường hợp này đa số phải mổ lấy thai. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, nếu bị nhau tiền đạo, thai phụ sẽ đột ngột bị ra huyết đỏ tươi, có thể nhiều hoặc ít, đông cục lại, không kèm theo đau bụng. Nếu có nghi ngờ bị nhau tiền đạo, thai phụ phải thăm khám với bác sĩ ngay để kịp thời xử lý và chuẩn bị  cho cuộc sinh mổ sớm nếu cần thiết.

Các bất thường liên quan đến dây rốn

Trong các bất thường liên quan đến dây rốn, dây rốn có thể bị xoắn, thắt nút, quấn quanh thai nhi. Điểm chung của các tai nạn này là khiến lượng máu, chất dinh dưỡng từ cuống rốn không thể nuôi thai nhi, dẫn đến thai chết lưu.

Đôi khi, trong quá trình chuyển dạ, dây rốn bị kéo căng hoặc gấp khúc, làm hạn chế tức thời lượng máu, dưỡng chất, dẫn đến tình trạng chèn ép rốn, nặng hơn nữa là tình trạng suy thai. Các hiện tượng này có thể được theo dõi bằng máy theo dõi tim thai trong chuyển dạ.

Thuyên tắc ối

Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp do dịch nước ối và các chất trong thai lọt vào hệ tuần hoàn máu của mẹ, thông qua nhau gây ra một phản ứng đào thải. Phản ứng đào thải này gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính cho mẹ. Thuyên tắc ối là biến chứng thường xảy ra ở giai đoạn cuối của cuộc chuyển dạ. Tỷ lệ sản phụ tử vong khi gặp biến chứng này là 80% dù biến chứng này cực kỳ hiếm gặp (0,00125% ca sinh).

Giải pháp giúp “mẹ tròn con vuông”

Lựa chọn nơi sinh an toàn

Hiện nay, với tình hình ngày càng nhiều ca tai biến khi sinh, những thai phụ càng lo lắng hơn khi quyết định chọn nơi sinh. Với tâm lý lo sợ, ngày càng nhiều thai phụ quan tâm đến việc theo dõi và quản lý thai kỳ tại những bệnh viện tuyến trên. Việc này vô tình lại càng làm gia tăng áp lực lên các bệnh viện lớn vốn đã quá tải và càng khó có thể chăm sóc các thai phụ sát sao.

Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Diệp (Khoa Sản, BV Quốc tế Hạnh Phúc), để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn, thời gian theo dõi thai kỳ rất quan trọng. Các thai phụ nên theo dõi thai định kỳ với 1 bác sĩ hoặc tại 1 cơ sở uy tín nhất định. Như vậy, bác sĩ hoặc cơ sở đó có thể theo dõi lịch sử bệnh án và quá trình phát triển thai nhi xuyên suốt thai kỳ.

Các lưu ý dành cho thai phụ

Các bác sĩ cũng lưu ý thêm rằng, ngày nay, với điều kiện vật chất khá đầy đủ, các bà mẹ có quan niệm sai lầm là ăn càng nhiều, tăng cân càng nhiều càng tốt cho thai nhi. Các thai phụ nên lưu ý, việc tăng cân phải trong giới hạn phù hợp với tuần thai. Nếu tăng cân quá mức sẽ dẫn đến các nguy cơ bị tiểu đường trong thai kỳ dẫn đến thai dị dạng, sinh non, bị sản giật hay tiền sản giật… Điều quan trọng nữa là các bà mẹ nên chủ động tìm hiểu thông tin từ các bác sĩ uy tín để tránh việc lo lắng không cần thiết, tạo căng thẳng cho bản thân và thai nhi.

BS. Phạm Thị Ngọc DiệpBệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc

(theo CNMS)

Thực hiện: depweb

21/08/2012, 09:00